02/09/2015 16:28 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ánh nắng dịu của mùa Thu, những người có mặt tại Hà Nội đã đón một ngày Quốc khánh 2/9 rất đặc biệt, theo cách riêng của mình.
Theo quan sát của Thể thao & Văn hóa (TTXVN), từ 6 giờ sáng, tất cả các con phố dẫn về khu vực diễu binh như Nguyễn Chí Thanh, Cát Linh, Quốc Tử Giám, Lý Thường Kiệt... đều đông đặc người. Những khúc quân hành rộn vang khắp phố, nhiều người rưng rưng khi giai điệu "Tiến quân ca" xen cùng 21 phát đại bác uy nghiêm mở đầu buổi lễ long trọng. Dù chỉ tiệm cận với khu vực cấm xe, các khu phố này gần như cũng trở thành nơi lưu thông riêng cho người đi bộ - khi xe máy phải chủ động vòng tránh sang đường khác.
"Bà con các tỉnh xung quanh đến từ tờ mờ sáng. Đêm trước cũng có, họ tranh thủ vòng lên Nghi Tàm xem chợ hoa đêm luôn" - anh Nguyễn Khánh, chủ quán cà phê tại ngã tư Lê Văn Linh – Phùng Hưng cho biết. " Cả sáng nay, phố cổ bỗng vắng như mùng một Tết, bởi mọi người kéo hết ra khu ngã 5 Cửa Nam rồi".
Sống tại Nghĩa Minh, (Nghĩa Hưng, Nam Định), anh Nguyễn Văn Công là một trong những người đã có mặt tại Hà Nội từ đêm 1/9. Đưa cả nhà lên, nghỉ tại nhà bạn trên phố Nguyễn Thái Học. Gia đình anh Công đã chuẩn bị chờ xem Quốc khánh từ nửa đêm. Một phần vì lạ nhà, một phần vì dọc con phố này cũng có nhiều người lớn tuổi, ban đêm rủ nhau bắc ghế ngồi uống trà, tán chuyện trên hè phố.
"Nhiều năm mới có một lần, nói vậy chứ cảm giác chờ xem diễu binh vẫn có cái gì đó háo hức khó tả" – anh Công kể. "Khi xưa, có năm diễu binh, ông bà cụ nhà tôi cũng cơm đùm cơm nắm, rủ nhau lên Hà Nội từ đêm trước rồi ngủ tại nhà ga. Bây giờ, đi lại cũng tiện, chẳng qua mình cẩn thận nên lên luôn từ sớm".
Từ 7 giờ 30 sáng, tại ngã 5 cửa Nam, những tiếng reo hò bắt đầu nổi lên khi trên màn hình cỡ lớn (mới lắp tại đây) chiếu cảnh các tốp chiến sĩ đầu tiên bước qua quảng trường Ba Đình. Rồi chỉ 10 phút sau, không chỉ mặt đường mà ban công của các ngôi nhà xung quanh mặt phố cũng kín đặc những người. Để nhìn rõ đoàn diễu binh đang tiến vào, rất nhiều khán giả nhí được bố mẹ công kênh lên vai.
Anh Ngọc Tuấn, hiện sống tại phố Phùng Hưng, dẫn theo "công chúa" 5 tuổi với chiếc áo phông cờ đỏ sao vàng.Vừa hướng dẫn con vẫy tay chào các chú bộ đội, Tuấn vừa trả lời Thể thao & Văn hóa: "Cháu háo hức đợi bố dẫn đi xem duyệt binh từ mấy năm nay. Là ngày kỉ niệm Độc Lập của Việt Nam mình, ra đường để trải nghiệm không khí thì vui hơn ngồi xem truyền hình ở nhà chứ".
Tại khu vực quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (Nhà hát Lớn), các khán giả được chia thành từng góc phố bao tròn quanh hướng tiến của đoàn diễu binh. Trong số các đơn vị diễu hành, đội hình của các nữ sĩ quan thông tin, nữ dân quân, nữ du kích... và các lực lương hải quân, cảnh sát biển... luôn gây nên sự phấn khích đặc biệt từ khán giả với tiếng reo hò và những tràng vỗ tay.
75 tuổi, cụ Nguyễn Trọng Doãn, cựu chiến binh từ thời kháng chiến chống Mỹ, chia sẻ: "Với nhân dân, anh bộ đội từ xưa tới nay vẫn là một hình ảnh gần gũi, thân thương và đáng quý. Bởi thế, ngày Quốc khánh không chỉ là dịp tưởng nhớ công ơn của tiền nhân, mà còn là ngày để bà con thể hiện tình cảm đoàn kết, gắn bó với người chiến sĩ".
Sơn Tùng - Mỹ Mỹ (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất