Hành trình kịch thiếu nhi TP. HCM (kỳ 2): IDECAF - Chuyên nghiệp và hoành tráng

15/04/2025 06:22 GMT+7 | Văn hoá

Sân khấu IDECAF ngoài mảng kịch người lớn thì cũng là đơn vị xây dựng mảng kịch thiếu nhi trong buổi đầu với sự chuyên nghiệp và hoành tráng đáng nể. Có lẽ, cho đến bây giờ, vẫn chưa có sân khấu nào qua được IDECAF trong mảng này.

Thực tế, "ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn vốn xuất thân từ đội múa rối, rồi quản lý đội rối, sau đó thành lập sân khấu kịch IDECAF. Nhưng dù đã bận bịu với mảng kịch người lớn, ông Huỳnh Anh Tuấn vẫn không từ bỏ giấc mơ dành cho thiếu nhi một khoảng trời sáng tạo. Với ông, "người lớn chỉ là ngọn, còn thiếu nhi mới là cái gốc, là niềm say mê, cứ như mình chưa bao giờ lớn".

Những người viết nên các "bài thơ" ngọt ngào

Từ cách nghĩ ấy, Huỳnh Anh Tuấn vừa chăm sóc đội rối vừa "khai trương" luôn mảng kịch thiếu nhi, sử dụng tất cả nghệ sĩ của IDECAF để biểu diễn cho các em xem. Nếu như đạo diễn NSƯT Lê Cường chủ yếu dành đất cho diễn viên nhí biểu diễn phục vụ khán giả nhí, thì chủ trương của ông Huỳnh Anh Tuấn là diễn viên trưởng thành biểu diễn cho các em xem. Ông nói: "Tôi muốn sân khấu thiếu nhi cũng phải mang tính chuyên nghiệp, chở được nội dung và kỹ thuật khó, bảo đảm chất lượng của một tác phẩm kịch".

Hành trình kịch thiếu nhi TP. HCM (kỳ 2): IDECAF - Chuyên nghiệp và hoành tráng - Ảnh 1.

Hồng Ánh (trái) và Đình Toàn trong vở “Huyền thoại mắt thần”

Nói cách khác, nếu kịch Tuổi Ngọc chủ yếu đào tạo diễn viên nhí rất tốt thông qua các vở kịch có phần giản dị, thì IDECAF lại đào tạo khán giả nhí thông qua các vở kịch mang tính chuyên nghiệp, phức tạp hơn, giúp các em làm quen với sân khấu chính thống, để sau này sẽ trở thành khán giả tương lai của sân khấu. Mỗi chủ trương đều chở nặng tâm huyết và đều mang lại lợi ích rất lớn.

Chính vì vậy, khán giả đã được thưởng thức những tác phẩm kịch thiếu nhi đẹp lung linh, hoành tráng, làm nên một "thế giới" kỳ diệu cho các em thiếu nhi, làm nên tuổi thơ rực rỡ. Để rồi sau này, nhiều bạn nhỏ lớn lên vẫn còn mang theo ký ức đẹp ấy, thậm chí khi trở thành phụ huynh lại tiếp tục dẫn con mình đi xem kịch thiếu nhi của IDECAF.

Và cũng không thể không nhắc đến đạo diễn Đoàn Khoa, người có mặt ngay từ buổi đầu thành lập kịch thiếu nhi tại IDECAF. Tháng 8/1997, họ ra mắt vở Hoàng tử chăn lợn với vai chính do NSƯT Thành Lộc đảm nhận. Khán giả như bị hớp hồn bởi nét duyên dáng và sinh động của vở kịch, dù sân khấu IDECAF với không gian không lớn lắm. Sau đó là hàng loạt vở do Đoàn Khoa dàn dựng như Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Phượng hoàng và cây khế, Ông vua hóa cò, Ngư ông và cá vàng - tất cả đều chung một nét đẹp bay bổng ngọt ngào như những bài thơ. Ngôn ngữ của Đoàn Khoa khó lẫn vào đâu được, luôn đậm chất ước lệ nhưng vẫn không kém phần sinh động, lãng mạn.

"Thú thật, hồi đó IDECAF mới thành lập vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi phải tiết kiệm vô cùng, sử dụng lại nhiều đạo cụ, vật dụng cũ, xoay xở trăm bề chứ đâu phải như sau này tiền bạc đầy đủ, muốn gì có nấy" - đạo diễn Đoàn Khoa nói - "Nhưng cái thời còn trẻ, sức sống tràn trề, ai cũng sẵn sàng vượt qua mọi rào cản, như dòng nước gặp trở ngại thì rẽ đường khác mà chảy. Nhờ khó khăn, thử thách, mà chúng tôi sáng tạo, động não nhiều hơn".

Hành trình kịch thiếu nhi TP. HCM (kỳ 2): IDECAF - Chuyên nghiệp và hoành tráng - Ảnh 2.

Hoàng Trinh và Tuấn Khôi trong vở “Sinbad đại chiến nàng tiên cá”

Và điều quan trọng là Đoàn Khoa luôn khó tính, chọn lựa gắt gao, làm việc rất kỹ. Anh tâm sự: "Tôi vốn xuất thân nhà giáo, cho nên làm vở cũng hướng đến tính giáo dục, phải có thông điệp đàng hoàng. May mắn là tôi gặp được thế hệ nghệ sĩ tri âm với mình, họ cũng am hiểu văn học, đọc sách rất nhiều, nên cùng làm vở giàu tính văn học".

Thật ra Đoàn Khoa còn quên một điều, thế hệ khán giả lúc đó cũng đậm chất văn học, nên họ cũng là tri âm với anh khi thưởng thức, tạo nên sự cộng hưởng đáng yêu cho từng vở diễn. Những vở của Đoàn Khoa để lại một ấn tượng khó phai, dù không hoành tráng nhưng thật sự rất lung linh, xinh xắn, giàu mỹ cảm, dịu dàng.

"Chúng tôi diễn kịch thiếu nhi mệt gấp mấy lần kịch người lớn. Ai cũng phải học múa và tập ca hát, ra sân khấu là hoạt náo hẳn lên mới thu hút được các em" - NGHỆ SĨ HỒNG ÁNH.

Một "Ngày xửa ngày xưa" hoành tráng

Năm 2000, IDECAF thừa thắng xông lên, ra mắt vở Tấm Cám tại Nhà hát Bến Thành to rộng, và chính thức đặt tên cho loạt kịch thiếu nhi của mình là Ngày xửa ngày xưa. Vở Tấm Cám gần như làm "nổ tung" cảm xúc trong khán phòng với những trận cười và pháo tay, sau đó diễn đi diễn lại hàng trăm suất tại Nhà hát Bến Thành lẫn thu nhỏ diễn tại sân khấu IDECAF suốt gần 10 năm trời.

Sau Tấm Cám, mỗi năm ông bầu Huỳnh Anh Tuấn sản xuất một vở cũng hoành tráng như thế, thậm chí còn hơn, có năm làm luôn 2 vở. Cho nên bây giờ đã 25 năm nhưng Ngày xửa ngày xưa đã có 36 vở. Khán giả có thể nhớ nào là Alibaba và 40 tên cướp, Tề Thiên đại náo thiên cung, Nữ thần Lee Kim Chi, Truy tìm thủy long kiếm, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad, Nàng tiên cá, Huyền thoại mắt thần, Bảo tàng quái vật, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai… Trong đó không thiếu những nghệ sĩ nổi tiếng tham gia biểu diễn như Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Tuấn Khôi, Bạch Long, Đình Toàn, Quang Thảo, Đại Nghĩa, Lê Khánh, Tuấn Khải… - một lực lượng quả là hùng hậu.

Sức mạnh của IDECAF thật sự đáng nể. Việc tập trung dàn nghệ sĩ gạo cội trừ IDECAF ra thì khó có sân khấu nào bì được. Nhưng bên cạnh đó nghệ sĩ phải tập luyện rất công phu, bắt đầu học lại hoặc học mới những vũ đạo, nhảy múa, ca hát, bởi kịch thiếu nhi luôn sôi động với âm nhạc và nhảy múa. Như nghệ sĩ Hồng Ánh nói: "Chúng tôi diễn kịch thiếu nhi mệt gấp mấy lần kịch người lớn. Ai cũng phải học múa và tập ca hát, ra sân khấu là hoạt náo hẳn lên mới thu hút được các em".

Hành trình kịch thiếu nhi TP. HCM (kỳ 2): IDECAF - Chuyên nghiệp và hoành tráng - Ảnh 4.

Mỹ Duyên (trái) và Đình Toàn trong vở “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần”. Ảnh:HK

Thông thường, mỗi vở diễn ở đây xuất hiện hàng trăm diễn viên, bởi ngoài mấy chục diễn viên đóng vai các nhân vật thì còn thêm mấy chục diễn viên múa gần như liên tục với hàng chục bài múa đa dạng, tưng bừng. Múa đi đôi với âm nhạc, luôn rộn ràng, sôi động. Chưa kể, mỗi vở đều phải đặt hàng nhạc sĩ viết những bài nhạc mới để phù hợp với nội dung. Nhiều đoạn nhạc thay cho lời thoại, vì vậy có thể nói những vở Ngày xửa ngày xưa đều có thể gọi là nhạc kịch thiếu nhi.

Những vở trong Ngày xửa ngày xưa vừa mang thông điệp giáo dục vừa giàu tính giải trí, thậm chí còn cập nhật những trend thời sự, khiến khán giả thích thú. Nhiều câu thoại đã bung ra khỏi nội dung cổ tích, nhưng lại được khán giả chấp nhận bởi nó mang hơi thở cuộc sống, khán giả cảm thấy gần gũi, dễ thương, và đôi khi lọc ra được bài học nào đó chứ không hoàn toàn là vui cười chốc lát. 

Từng dựng nhiều vở cho Ngày xửa ngày xưa đạo diễn Quang Thảo tâm sự: "Chúng tôi phải dựng cổ tích bởi hầu hết đó là những câu chuyện quen thuộc với khán giả, lôi cuốn họ tới rạp. Nhưng giữ được họ suốt 3 tiếng đồng hồ thì phải có cái gì đó mới mẻ. Cho nên nội dung dù quen thuộc vẫn phải biến tấu thêm nhiều, đặc biệt làm sao cho nó gần gũi với thời đại, để các em thấy xưa và nay là một mạch tiếp nối bổ ích".

"Gắn các trend vào cũng là một cách làm cho vở kịch gần gũi. Cuộc sống luôn ngồn ngộn sự kiện, luôn có cái mới, thì nghệ sĩ có cơ hội cập nhật. Các em nhỏ giờ thông minh và cập nhật giỏi lắm, mình nói ra trend gì là các em biết ngay, vỗ tay rần rần. Cộng hưởng như vậy rất thích" - anh kể thêm.

Cho đến nay, Ngày xửa ngày xưa vẫn đông khán giả vào mỗi mùa Hè và Trung thu, vẫn là một "thương hiệu" lớn của sân khấu thiếu nhi, đậm tính giáo dục và giải trí, hoành tráng về đầu tư nghệ thuật, và cũng là nơi rèn luyện cho diễn viên trở thành đa năng, biết diễn đồng thời biết ca hát, nhảy múa, hòa quyện giữa cổ xưa và hiện đại.

"Chơi sang" với trang phục biểu diễn

Về trang phục, IDECAF cũng rất hoành tráng. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn mở luôn xưởng may trang phục cho sân khấu mình, có đến mấy chục nhân viên lành nghề, tự thiết kế, tự may rất đẹp và chuyên nghiệp. Nhà thiết kế Ngọc Tuấn xứng đáng được tôn vinh vì anh sáng tạo suốt mấy chục năm không hề cạn kiệt, trong đó có hàng ngàn bộ trang phục cho các vở với đủ bối cảnh, quốc gia, nào Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, cổ tích, huyền sử… đẹp đến bất ngờ.

Nhà thiết kế trang phục Ngọc Tuấn

Ngọc Tuấn bay bổng trong thế giới trang phục, vừa thật để khán giả nhận ra bối cảnh và quốc gia, mà cũng vừa lung linh, biến tấu, để phù hợp với sân khấu và trí óc của trẻ thơ. Ngay cả cổ tích, Ngọc Tuấn cũng làm cho trang phục bay bổng trong sự tưởng tượng. Nhiều khán giả nói vui: "Đi xem trang phục đã đủ tiền vé rồi!".

(còn tiếp)

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm