13/02/2018 07:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bài tôi phỏng vấn đạo diễn Vương Đức (nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện VN) khi ông làm phim Của rơi cho báo Thể thao và Văn hóa, ông chốt một câu về đứa con tinh thần: “Của rơi là một bài thơ không có chữ Hết”. Câu này hay và rất thơ.
Tôi tin rằng thương hiệu Hãng phim Truyện Việt Nam (PTVN) lừng lẫy ngày nào cũng sẽ như thế. Sẽ có một bước phát triển mới trong tương lai, dù hiện tại còn nhiều băn khoăn, lo lắng.
Các bộ phim truyện kinh điển, đặc sắc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam, phần lớn đều ra đời từ Hãng phim Truyện Việt Nam này. Sức lan tỏa, tác động tới bao tâm hồn, tâm trí khán giả qua những nhân vật, bộ phim, thật diệu kỳ. Chuỗi vai diễn để đời, những thước phim có bằng máu, nước mắt, tuổi thanh xuân, đánh đổi sức khỏe, màu tóc... thật đáng quý vô ngần!
Những bộ phim mang dấu ấn xã hội, thời đại, là lịch sử bằng hình có vai trò “đúp lập phương”: lịch sử của lịch sử đất nước, lịch sử của nền điện ảnh, lịch sử nghề nghiệp, của mỗi nghệ sĩ, thành phần đoàn phim, lịch sử của công chúng lúc đó và sau đó (qua mỗi lần) phim được chiếu lại, xem lại. Một lịch sử tích hợp đa chiều, sống động, sinh sôi với dấu ấn của ký ức không phai phôi, mà ký ức ấy như dòng sông được đắp bồi bởi phù sa tinh thần, nỗi nhớ, nước dâng lên bởi các chi lưu hoài niệm, sức sống từng giây đi qua không trở lại.
“Nhiều thành viên ưu tú của Hãng đã “chạy”, bỏ Hãng trong những năm qua” - lời tâm sự của đạo diễn Thanh Vân bên ly rượu tại nhà anh, ngôi nhà tường đầy tranh, ảnh và nhìn góc nào cũng có kịch bản phim.
Có lẽ các nữ diễn viên khóa 2 - Kịch đoàn, thành viên lâu năm của VFS được ngày về hưu êm ả hơn các bạn nam cùng lớp Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân, Nguyễn Đăng Khoa khi các nghệ sĩ này đến tuổi hưu lúc Hãng thay đổi.
Nhà quay phim Lý Thái Dũng - con trai duy nhất của NSƯT đạo diễn Lý Thái Bảo (1929-1993) tốt nghiệp quay phim trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh (SK&ĐA) năm 1987, về công tác tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương nơi bố anh là Giám đốc trước khi là Tổng thư ký Hội ĐAVN mấy năm cuối đời. Hai năm sau, anh về Hãng phim Truyện Việt Nam. Tháng 5/2016 ở cương vị Phó Giám đốc, anh rời Hãng về trường Đại học SK&ĐK.
Anh yêu nghề, say mê sáng tạo và tâm huyết trong sự nghiệp giảng dạy. Làm nghề và làm thầy, Lý Thái Dũng đều đạt uy tín cao, được ghi nhận, yêu mến từ đồng nghiệp, cộng sự, học trò. Khi Hãng chuyển đổi, Lý Thái Dũng đã là người của trường Đại học SK&ĐK.
Một số người trách anh: “Sao bỏ Hãng đi lúc khó khăn?”. Lý Thái Dũng chia sẻ: “Tôi muốn đi từ cuối năm 2013. Về trường là giải pháp tốt nhất vì tôi không có sự phát triển tiếp ở Hãng. Lúc đó tôi gần 50 tuổi. Tôi rất quý thời gian, mà thời gian không còn nhiều. Tôi muốn dạy học chuyên nghiệp, nhiều sinh viên cần tôi. Tôi vừa có kinh nghiệm kiến thức vừa nhiệt huyết muốn truyền cho các em. Làm thầy vẫn làm phim được. Chứ ở lại làm phó giám đốc, mất thời gian hành chính quá.
NSƯT Trần Lực, tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu ở Bulgaria, về Hãng năm 1997, có hãng phim tư nhân Đông A, làm được 2 phim nhựa (Tết này ai đến xông nhà, Chở đá lên núi) và đến năm 2014 thì chuyển về Trường Đại học SK&ĐA.
Hai nhà biên kịch Thanh Hồng, Nguyễn Hạnh Lê (con gái kỹ sư Nguyễn Kim Cương - Cựu giám đốc Hãng) cũng bỏ phòng Biên kịch Hãng về trường.
Kỹ sư âm thanh NSND Bành Bắc Hải (con trai PGS nhà biên kịch Bành Châu) chuyển từ Hãng về làm trưởng khoa Kỹ thuật điện ảnh. HS- NSƯT Nguyễn Nguyên Vũ - con trai đạo diễn Xuân Sơn (nguyên Phó Giám đốc Hãng PTVN) từng công tác tại Hãng, cũng về trường, kế nhiệm NSND Hoàng Song Hào làm trưởng khoa Mỹ thuật.
Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hãng PTVN chiều 28/12/2014 có lẽ là đoàn tụ đông đảo cuối cùng của Hãng, mời cả các NSND, NSƯT, diễn viên khóa 1 từ TP Hồ Chí Minh ra dự tại chính trụ sở Hãng. “Sở dĩ tôi ở lại thêm, vì được giao chỉ đạo thực hiện sự kiện 55 năm và làm cuốn kỷ yếu. Vì ân nghĩa 25 năm công tác mà tôi ở lại làm trọn vẹn” - NSND Lý Thái Dũng tâm sự.
Cuốn sách 25x35cm, in màu, 182 trang, không thể nói hết về hơn 300 phim Hãng đã sản xuất, hơn 30 NSND, hơn 80 NSƯT đã tỏa sáng từ đây. Không biết sang năm 2019, kỷ niệm Hãng 60 năm sẽ thế nào, ai sẽ tổ chức sự kiện, hội tụ mọi người? Mỗi năm lại vãn đi lớp nghệ sĩ cựu trào, những người đáng kính và tử tế.
Hãng tuổi 60 sẽ ra sao, đặt câu hỏi này không sớm, khi nhiều vấn đề còn ngổn ngang. “Anh thường đưa sinh viên đi thực tập, anh có muốn đưa học trò đến số 4 Thụy Khuê nữa không?”. “Học kỳ nào tôi cũng đưa sinh viên đến các đoàn phim, cơ sở làm phim. Tôi đã đưa các em đến Hãng khi tôi còn công tác ở đó, để các em được nhìn, chạm vào các đời máy quay phim nhựa. Nay Hãng xáo trộn các phòng, hiện vật cũng không được nâng niu gìn giữ, tôi không đưa học trò về đó nữa. Ở trường cũng lo đủ rồi”.
Đêm giao thừa năm 2008, chúng ta đếm ngược phút cuối tiễn năm cũ, đón năm mới. Tôi hỏi NSND Thanh Vân: “Nếu lúc này ngược thời gian cha anh còn sống ông có giải quyết đương đầu nổi không?...” Anh nói ngay: “Nếu bố tôi còn sống, ông sẽ đau tim.
Hơn 300 phim mà Hãng từng sản xuất, ghi dấu ký ức triệu người, sẽ làm được sức mạnh nào trong tương lai? Nhìn những nghệ sĩ đáng kính Trà Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh khóc, thật đau lòng. Cả tuổi trẻ, vinh quang và cuộc đời họ là những bộ phim đóng với Hãng PTVN.
Tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp lãnh đạo Hội ĐAVN: NSND Đặng Xuân Hải (Chủ tịch), Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực và NSND Nguyễn Thanh Vân, đại diện nghệ sĩ Hãng PTVN (kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ủy viên BCH 3 khóa liên tiếp của Hội ĐAVN).
Vậy, tại sao không có quyền hy vọng VFS tiếp tục phát triển như Mosfilm (một trong những hãng phim lớn, lâu đời nhất châu Âu. Được thành lập bởi nước Nga Xô viết. Đây là hãng phim lớn nhất của Liên Xô và Nga, biểu tượng của hãng chính là hình ảnh tượng đài Công nhân và nữ nông trang viên. Ngày nay, Mosfilm vẫn thuộc sự quản lý của chính quyền Liên bang Nga)? Cổ phần hoá Hãng phim là chủ trương đúng, đa số nghệ sĩ và dư luận đều ủng hộ. Vấn đề là triển khai ra sao để Hãng tiếp tục ổn định, phát triển.
Tôi đang hình dung nước Hồ Tây dâng lên, dâng trong tâm tưởng, nỗi nhớ thương, tình yêu và ký ức bao người, về địa chỉ số 4 Thụy Khuê, không phải và không chỉ là mấy dãy nhà nhà cấp 4 xập xệ, xưởng máy xuống cấp, nhân tài thất tán. Cánh chim Hãng PTVN không thể ngừng bay trên bầu trời nghệ thuật, hoặc bay trong lồng hay không gian hạn hẹp: Phép màu ấy không chỉ trong tưởng tượng, nó hoàn toàn có thể. Hãy chờ một cái kết mở, có hậu với Hãng phim Truyện Việt Nam...
Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất