Thủ tướng Anh từ chức, đảng Bảo thủ tìm kiếm gương mặt thay thế

08/07/2022 15:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Sau thời gian căng thẳng kéo dài trên chính trường, cuối cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo quyết định từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc từ chức Thủ tướng Chính phủ Anh. Quyết định này được ông Johnson đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo này vướng phải hàng loạt bê bối và đối mặt với làn sóng từ chức của các thành viên nội các cấp cao. Hiện một số gương mặt tiềm năng có thể thay thế ông Johnson đã bắt đầu được điểm danh.

Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6/6 đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Khủng hoảng chính trị buộc Thủ tướng Boris Johnson phải từ chức   

Ông Boris Johnson, 58 tuổi, giữ cương vị Thủ tướng Anh từ năm 2019, trong bối cảnh có nhiều “sóng gió” trong tiến trình Brexit đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Không thể phủ nhận, trên cương vị Thủ tướng, ông Johnson đã dẫn dắt nước Anh rời khỏi EU thành công với một thỏa thuận, dần dần tạo lập được vị thế mới của nước Anh trên bản đồ địa chính trị thế giới, cũng như hoạch định đường hướng phát triển kinh tế của Anh trong giai đoạn hậu Brexit.    

Tuy nhiên thời gian gần đây, Thủ tướng Johnson liên tục vướng vào những bê bối liên quan đến vi phạm quy định phòng dịch COVID-19. Ông liên tục đối mặt cáo buộc tiệc tùng giữa lúc Anh áp lệnh phong tỏa vì COVID-19 hồi năm ngoái. Loạt ảnh ông cùng nhiều quan chức, nhân viên khác vi phạm quy tắc chống dịch liên tục được truyền thông Anh đăng tải thời gian qua đã tạo ra một vụ “partygate” rúng động nước Anh, buộc ông Johnson hồi tháng 4 vừa qua phải xin lỗi trước Nghị viện sau khi trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên bị phạt vì chuyện này.   

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức. Ảnh: Reuters

Những căng thẳng trên chính trường khiến ông phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 6/6/2022. Cuộc bỏ phiếu này được tổ chức sau khi có hơn 54 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền yêu cầu tổ chức bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với Thủ tướng Johnson. Tuy nhiên, ông đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội với 211 phiếu ủng hộ (tương đương 59%) và 148 phiếu chống (tương đương 41%).    

Ở thời điểm này, dù Thủ tướng Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm song theo các nhà phân tích, tỷ lệ ủng hộ không cao được xem như một lời nhắc nhở đối với nhà lãnh đạo Anh. Với số phiếu chống lên tới 41%, các nhà phân tích nhận định điều này cho thấy sự ủng hộ của các nghị sỹ với ông Johnson đã suy yếu đáng kể. Sau những bê bối, hàng chục nghị sĩ trong đảng Bảo thủ đều bày tỏ lo ngại rằng ông Johnson đã để mất quyền lực điều hành đất nước, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng.    

Không những vậy, Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện Anh khi đó còn cho biết vẫn tiếp tục điều tra làm rõ liệu có phải ông Boris Johnson cố tình lừa dối Quốc hội khi nói rằng không có tiệc tùng ở dinh Thủ tướng trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 hay không.    

Những tưởng sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Johnson sẽ có thể tiếp tục giữ chức Thủ tướng Anh và không phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong vòng 12 tháng tới theo quy định hiện tại của đảng Bảo thủ.

Thế nhưng những áp lực từ chức đã tiếp tục quay trở lại với ông Johnson những ngày gần đây, kể từ sau khi ông bị cáo buộc đã bổ nhiệm nghị sỹ Christopher Pincher làm Phó lãnh đạo Văn phòng Kỷ luật của đảng Bảo thủ dù ông này bị cáo buộc quấy rối tình dục. Thủ tướng Anh sau đó đã xin lỗi về việc này và ông Pincher cũng đã từ chức ngày 30/6 song những động thái này chưa đủ để xoa dịu nội bộ chính trường.    

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Làn sóng chỉ trích ông Boris Johnson vẫn không ngừng gia tăng, thể hiện qua việc các bộ trưởng trong nội các chính phủ của ông liên tiếp từ chức. Mở đầu cho làn sóng từ chức này là Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid từ chức vào tối ngày 5/7 với lý do không thể chấp nhận những bê bối trong chính phủ trong nhiều tháng qua. Sau thông báo này, hàng loạt quan chức trong chính phủ đương nhiệm cũng lần lượt tuyên bố từ chức, như Bộ trưởng phụ trách Gia  đình và Trẻ em Will Quince, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ireland trong Chính phủ Anh Brandon Lewis, Thứ trưởng Văn hóa Chris Philp và Thứ trưởng Tài chính Helen Whately…

Theo hãng tin Reuters, đã có hơn 50 quan chức đã tuyên bố rời khỏi chính phủ từ ngày 5 đến 7/7. Trong thông báo từ chức, nhiều quan chức cho biết không còn tin tưởng vào các giá trị về tính trung thực, liêm khiết và sự tôn trọng lẫn nhau mà Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vẫn đề cao, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Johnson từ chức sau loạt bê bối ảnh hưởng đến chính phủ trong thời gian qua.    

Trước áp lực từ chính trường, dù ban đầu Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ không từ chức hay tổ chức tổng tuyển cử sớm, nhưng đến ngày 7/7, ông Johnson đã thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, mở đường cho việc bầu chọn một Thủ tướng mới. Phát biểu tại số 10 Phố Downing, ông Johnson, 58 tuổi, bày tỏ "rất buồn khi phải từ bỏ công việc tốt nhất thế giới", đồng thời cho biết ông sẽ tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi đảng tìm ra người thay thế.

Tìm kiếm gương mặt thay thế   

Phản ứng trước quyết định từ chức của ông Johnson, ở bên ngoài nước Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục "hợp tác chặt chẽ" với Anh sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức. Ông Biden cho biết Mỹ và Anh là những nước bạn bè và đồng minh gần gũi nhất, và mối quan hệ đặc biệt giữa người dân hai nước vẫn vững mạnh và bền chặt.    

Trong khi đó, theo trang tin Euronews.com, các nhà lãnh đạo và nhà lập pháp châu Âu đã "thở phào nhẹ nhõm" trước sự không chắc chắn về mối quan hệ trong tương lai khi phản ứng trước cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh trong bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson từ chức. Bởi mối quan hệ giữa EU và thành viên cũ là Anh vốn đang ở mức thấp kể từ khi Thủ tướng Johnson và chính phủ do ông lãnh đạo tìm cách đơn phương bỏ qua các phần của hiệp ước Brexit áp dụng cho Bắc Ireland-được gọi là Nghị định thư Bắc Ireland.    

Còn tại nước Anh, Ngoại trưởng Liz Truss cho rằng ông Boris Johnson đã đúng khi từ chức Thủ tướng Anh. Bà Truss chia sẻ: “Thủ tướng đã đưa ra quyết định đúng đắn. Chúng ta cần bình tĩnh và đoàn kết vào thời điểm này, đồng thời tiếp tục điều hành đất nước trong khi tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới”.        

Về phần mình, lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Keir Starmer hoan nghênh quyết định của ông Johnson, song cho biết cần "thay đổi thực sự trong chính phủ". Ông cũng yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, điều có thể dẫn tới một cuộc bầu cử sớm.    

Chú thích ảnh
Quy trình bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ. Đồ họa: CNN

Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức, đảng Bảo thủ cho biết sẽ chính thức khởi động tiến trình tìm kiếm lãnh đạo mới từ tuần sau.    

Chỉ ít giờ sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố quyết định từ chức, nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Anh, đã trở thành người đầu tiên chính thức tuyên bố sẽ trở thành ứng cử viên tham gia cuộc đua trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ.

Trong bài viết trên tờ Thư tín hàng ngày (The Daily Telegraph), ông Tom Tugendhat khẳng định, mình có thể mang đến một khởi đầu mới cho đảng Bảo thủ, đồng thời nhận định, kinh nghiệm từng là quân nhân cũng như là nghị sĩ của ông sẽ mang đến nhiều lợi ích.    

Ngoài ông Tom Tugendhat, báo chí Anh cũng đã đưa ra một số gương mặt ứng cử viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Trong số này, nổi bật nhất là các gương mặt đã và đang giữ các chức vụ trong chính phủ Anh, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, Ngoại trưởng Liz Truss, Bộ trưởng Chính sách thương mại Penny Mordaunt, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt.    

Hãng thăm dò dư luận YouGov ngày 7/7 cũng đã tiến hành một cuộc thăm dò nhanh với các cử tri đảng Bảo thủ và kết quả cho thấy, hiện Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace được xem là ứng cử viên số 1 thay thế ông Boris Johnson ở cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ cũng như Thủ tướng Anh, xếp trên ông Rishi Sunak và bà Liz Truss.

Trong các kịch bản được YouGov đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace  được đánh giá sẽ chiến thắng mọi cuộc đấu tay đôi với tất cả các đối thủ khác với cách biệt lớn. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận này chỉ có tính chất tham khảo và giới quan sát cho rằng diễn biến sẽ còn nhiều phức tạp trong thời gian tới.    

Theo quy trình của Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, các ứng viên phải được đề cử bởi hai nhà lập pháp của đảng Bảo thủ và không giới hạn số ứng viên. Cũng theo điều lệ của đảng Bảo thủ, cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ diễn ra trong hai vòng nếu có trên hai ứng cử viên.

Tại vòng đầu tiên, các nghị sĩ của đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu chọn ra hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất vào vòng hai. Tại vòng 2, các đảng viên đảng Bảo thủ sẽ trực tiếp bầu và người nào có số phiếu cao hơn sẽ chiến thắng. Và lãnh đạo của đảng chiếm thế đa số tại Hạ viện Anh hiển nhiên trở thành Thủ tướng.    

Chú thích ảnh

Nhưng cho dù ai sẽ là người thay thế ông Boris Johnson thì nhiệm vụ phía trước sẽ có nhiều khó khăn và thách thức. Theo số liệu Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) mới công bố, lạm phát hằng năm của Anh đã tăng lên lên 9%, mức cao nhất trong 40 năm do chi phí năng lượng tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn. Khoảng 67% số người được hỏi tại Anh cho biết đã phải tắt sưởi để giảm chi phí, gần 50% khẳng định đã lái xe ít đi hoặc đổi địa điểm mua sắm.

Cách xử lý của chính phủ của ông Boris Johnson với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đảng Bảo thủ cầm quyền chịu thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra ngày 5/5 vừa qua, khi mất ghế vào Công đảng đối lập tại nhiều khu vực truyền thống ở London.    

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái khi lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng lên 10% vào cuối năm nay. Ngân hàng cũng đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức 1% để ứng phó với tình trạng giá cả leo thang. Để vượt qua những thách thức về kinh tế, trong ngắn hạn, tân Thủ tướng Anh sẽ phải đưa ra chính sách hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp và người dân trong mùa Đông sắp tới. Về dài hạn, những khó khăn do năng suất kém và tăng trưởng kinh tế đình trệ là “bài toán” mà tân Thủ tướng Anh cần vượt qua.

Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm