Phim "Cưới ngay kẻo lỡ": Charlie Nguyễn đi vào lối mòn

14/04/2012 13:42 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Vừa có buổi chiếu ra mắt báo giới, Cưới ngay kẻo lỡ đúng là một tiếp nối chất hài hước tình cảm từ hai phim “ăn khách” Để Mai tínhLong Ruồi. Nhìn vào diện mạo chung, phim này hứa hẹn một “vụ mùa” bội thu mới; còn nhìn về nghề nghiệp, Charlie Nguyễn đã bắt đầu đi vào lối mòn, hơi thiếu các yếu tố bất ngờ.

Phim kể về mối quan hệ Khánh Linh - cô gái tài năng, đang có tham vọng trở thành thư ký tòa soạn của một tạp chí - với 3 người đàn ông vây xung quanh. Có người không muốn cô thực hiện ước mơ (đại gia Trung Hà, người đang cầu hôn); có người âm thầm giúp sức, động viên (Bích Trâm, chàng trai giả gái); có người yêu thích và tin tưởng (Hồ Sơn, nhiếp ảnh gia). Vậy thì cuối cùng Khánh Linh sẽ chọn ai? Đây là câu hỏi, là ý tưởng, là cao trào… xuyên suốt của phim và gần như khán giả không cần đến câu trả lời để đoán ra kết cuộc.

Một giả định hài hước

Chọn tiếng cười tình huống và có tính xuyên suốt, phim này đúng là câu chuyện hài, nên có vài chi tiết bị “làm quá” cũng khá bình thường. Ngoài các vai chính do Đinh Ngọc Diệp (Khánh Linh), Johnny Trí Nguyễn (Hồ Sơn), Thái Hòa (Bích Trâm) đảm trách được xây dựng kĩ lưỡng với nhiều chi tiết thú vị thì các vai phụ do NSƯT Chánh Tín, Diễm My, Tấn Beo, Thanh Thủy, Hoàng Phúc… hóa thân khá đầy đặn về thân phận.

  Đinh Ngọc Diệp và Johnny Trí Nguyễn, hai vai chính của phim

Dù không có được giả định éo le như Để Mai tính hay căng thẳng như Long Ruồi, ưu thế của Cưới ngay kẻo lỡ là đi vào cái hài tổng thể, mục đích làm sao trong bi kịch hay đau khổ người xem cũng có cái để cười vui. Chính chất hài này đã làm cho tuyến phụ thêm ý vị, đặc biệt như vai người cậu của Tấn Beo, hay vai mẹ của Diễm My trong kịch bản khá nhạt nhòa, lên phim khá đậm nét.

Ngoài đời, liệu có bao nhiêu cô dâu sẽ chạy theo tiếng gọi con tim ngay trong ngày đám cưới của mình? Chắc chắn rất ít. Chính vì thế, cái giả định éo le trong Cưới ngay kẻo lỡ được xây dựng với mục đích tạo kịch tính và tiếng cười cho người xem, chứ không phải đi tìm sự “tưởng là thật” nơi người xem. Giả định này vốn là một thủ pháp quen thuộc trong điện ảnh thương mại Mỹ, nơi cái kết của các tình huống đã trở thành motif hay công thức. Đôi ba cái kết hay đôi ba nẻo đường tình của Khánh Linh, tất cả đều đã quen thuộc, không thể làm khác được.

Dù đạo diễn Charlie Nguyễn và họa sĩ thiết kế Trần Trung Lĩnh đã có nhiều nỗ lực để “Việt hóa” cái công thức này bằng những tình tiết, hình ảnh nhiều chất Việt, người xem vẫn thấy phảng phất đây đó chất Hollywood. Và cũng vì dùng lại công thức định sẵn, nên cái cũ nhất trong phim này là thiếu tính bất ngờ cho kịch bản, nó có đủ cao trào nhưng gần như không có thắt nút hay mở nút theo hướng tạo bí mật. Tất nhiên ở đây chưa xét tới yếu tố cố tình của đạo diễn, anh muốn “đánh bài ngửa” với người xem ngay từ đầu, khán giả cười trên sự quen thuộc này (?).

Cực nhọc chuyện hóa trang Thái Hòa thành Bích Trâm

“Cạo râu” Thái Hòa

Trong phim Long Ruồi thì Thái Hòa phải đóng hai vai khác biệt để sau đó nhập thành một người, trong phim này thì từ một người biến thành hai, lúc nam lúc nữ, khá hài hước và tréo ngoe. Những thông tin hậu trường kể rằng, trang điểm và hóa trang cho Thái Hòa giống con gái là công việc cực kì gian nan, nội chuyện cạo râu cũng phải làm hàng ngày, vì chúng ra rất nhanh. Vai Bích Trâm cũng rất khác Hội “bóng lộn” trong Để Mai tính nên đây là đất sáng tạo của đạo diễn và diễn viên. Họ tập trung vào chuyện giả gái không trơn tru của Thái Hòa, để từ đó tình huống hài hước được sinh ra.

Như đã nói ở trên, diễn xuất trong phim được tính toán khá hợp lý nên phần nhiều các nhân vật có tên gọi đều có đất diễn của mình. Người lột xác 360 độ là Johnny Trí Nguyễn, khi nhân vật Hồ Sơn là một hình ảnh khác hẳn với các vai diễn trước đây của anh. Nếu có cái gọi là phong cách, thì gần như Johnny Trí Nguyễn chỉ phát huy chất lãng tử và tính vui vẻ sẵn có ngoài đời của mình, còn lại anh cố tình tước bỏ hết.

Thế nhưng, trong phim, vai khó nhất lại thuộc về Thái Hòa, dù đây không phải là vai chính nhất. Đầu tiên, cái khó đến từ thực tế hóa trang như đã nói ở trên; kế nữa, nó đến từ sự kết hợp trong ba phim liên tục giữa Charlie Nguyễn và Thái Hòa, dễ đi vào lối mòn; cuối cùng, nó đến từ cái cảm giác “đã quen mặt” nơi người xem. Vượt qua các thách thức đó, dù không thật xuất sắc như vai Hội trước đây, bằng kinh nghiệm và sự sành sõi của mình, Thái Hòa vẫn chứng tỏ được sức hút riêng. Anh như “hoàng tử cóc” của màn ảnh hiện nay, hớp hồn người xem không bằng “thanh, sắc, vóc” mà bằng cái duyên của sự tinh tế.

Từ thực tế như vậy, chắc chắn cặp đôi Charlie Nguyễn và Thái Hòa sẽ còn trụ hạng trong lòng khán giả qua một số phim nữa. Vì vậy mà, việc cạo râu hay ép Thái Hòa mặc váy, dù khó khăn, vẫn trở thành điều nên làm và muốn làm của Charlie Nguyễn.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm