11/05/2016 14:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi tiêu cực trọng tài bị bóc gỡ năm 2005, dư luận mới xót xa một điều: té ra lâu nay, đi xem bóng đá nội, quá nhiều trận đấu “thượng đế” phải nuốt chén đắng do những dàn xếp tinh vi của đội ngũ trọng tài và nhiều thế lực “tát nước theo mưa”. Với những gì đang xảy ra, xem ra trọng tài mới là “điểm đen” làm hoen ố hình ảnh của giải, làm xói mòn niềm tin của những CLB lẫn khán giả. Nếu không cải thiện được chất lượng, tư tưởng trọng tài, nỗ lực làm bóng đá chuyên nghiệp dường như là không tưởng.
Sống chết do trọng tài!
Thay vì một quả phát bóng từ vạch 5m50 lên, trọng tài (TT) có thể dí một quả phạt góc, mà bàn thua oan uổng của HAGL trước SHB Đà Nẵng trên sân Pleiku mùa giải này là một ví dụ. Sai sót (nếu có) trong tình huống này chỉ là lỗi nhận định. TT cũng là con người, chứ không phải thánh!
Cũng như một pha tranh chấp mà cầu thủ không đáng bị thẻ, nhưng với dụng ý không tốt, TT vẫn có thể rút để làm rúng động, gây ức chế tâm lý cầu thủ đó, CLB đó. Đó là chưa kể, tiền đóng thẻ phạt còn có thể làm giàu cho BTC giải.
Nếu bóng trong chân trọng tài thật, kiểu tự làm tự ăn, thì việc họ kéo tình huống phạm lỗi từ ngoài khu cấm địa vào trong để hô biến thành một quả penalty là quá đỗi bình thường. Họ cũng có thể công nhận hoặc từ chối một bàn thắng được ghi không hợp lệ, hoặc hợp lệ. Muôn hình vạn trạng để có thể đổi trắng, thay đen. Dân gian có câu, “ai biết được ma ăn cỗ”. Bị kỷ luật vài ba trận, rồi sẽ lại cầm còi (cờ) trở lại. Ban TT lấy đâu ra nhân sự? Với TT lão làng, việc dìu trận đấu đúng kịch bản, không quá khó, chứ không lố bịch đến mức kéo tình huống phạm lỗi từ 2m ngoài vòng cấm thành phạt đền, để cả làng đều biết, như trên sân xứ Thanh!
Trọng tài - nạn nhân hay tội đồ?
Trong một môi trường tiền kiếm từ hoạt động bóng đá quá dễ, phải nói là tâm thế tranh thủ để kiếm tiền bao phủ những ai đang tham gia bóng đá.
Do đó, không loại trừ khả năng nhiều trọng tài cũng chấp nhận “bán mình”, như không ít cầu thủ, quan chức. Đơn giản, họ cũng là con người, tuổi thọ nghề nghiệp ngắn, cơ hội kiếm tiền không dễ dàng khi đa số là công chức quèn, thậm chí không có thêm nghề gì.
Nguy hiểm hơn, trên trọng tài còn có đủ thế lực để họ phải lệ thuộc, bị tác động, phải “phò tá”, rồi nhiều khi phải đánh mất mình vì một cú… nhấp chuột!
Có giai thoại truyền đi, rằng TT chỉ là nạn nhân của những kẻ “miệng rộng, mồm ngoác, ăn bẩn”. Rằng họ phải thực hiện phần việc khó nhất để phục vụ đại sự của một nhóm người.
Tóm lại, khi kết quả các trận đấu vẫn còn thực thực, hư hư, thì những cú phất cờ, toét còi thật giả lẫn lộn, chẳng biết đâu mà lần là dễ hiểu.
Có một thực tế, TT sai sót, việc Ban TT nhìn mặt để xử, có cả bao che cho TT A, biến TT B thành tốt thí, vừa trừng trị làm gương vừa trấn an dư luận, càng làm cho một bộ phận TT tốt, có tâm trong giới TT khiếp sợ. Sự cô đơn, tủi nhục cho cái nghề cầm cân nảy mực từ chính cách ứng xử chua chát “trong nhà” với nhau, chúng tôi từng thẩm thấu qua không ít tâm sự của TT.
Ném một TT xuống bùn thì dễ, nhưng kéo họ lên là chuyện cực khó. Trước khi cần sự chia sẻ của xã hội, thì chính giới TT, lãnh đạo Ban TT, phải ứng xử văn minh với nhau.
Quả thật, cuộc chơi thời bóng đá kim tiền đã đẩy TT trở thành nghề khá nguy hiểm.
Nhưng, việc phấn đấu để lên bắt giải chuyên nghiệp bằng mọi giá, nhiều TT trẻ chỉ “chơi nghề trọng tài” trong ít năm nhưng giàu lên nhanh chóng, đi đến sân như ông trời con, cũng là vấn đề đáng suy ngẫm.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất