Hãi hùng cuộc sống trong đất nước bạo lực nhất thế giới

16/12/2015 07:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại nhiều quốc gia, việc một ngôi sao bóng đá bị những tay anh chị sát hại có thể khiến dư luận trong nước chấn động. Nhưng khi Arnold Peralta, cựu ngôi sao đội Rangers, bị bắn chết tại La Ceiba, Honduras, chẳng mấy người nhướn mày.

Nguyên nhân vì đây chỉ là một cái chết nữa trong đất nước bạo lực nhất thế giới.

Cứ 74 phút lại có một người bị giết

Riêng La Ceiba đã chứng kiến 126 vụ án mạng diễn ra trong 6 tháng đầu năm nay. Năm 2012, LHQ gọi Honduras là quốc gia bạo lực nhất thế giới, khi mỗi ngày có tới 19 vụ án mạng xảy ra ở đây. Nói một cách khác, cứ sau mỗi 74 phút, ở Honduras lại có một người bị giết chết.

Con số này hiện đã giảm đi chút ít, nhưng vẫn khiến Honduras là quốc gia có tỷ lệ người bị giết/100.000 dân cao nhất thế giới (đã loại trừ các vùng chiến sự). Năm 2014, có tổng cộng 5.581 người bị giết tại đây, tức trung bình 16 vụ mỗi ngày.

Honduras, quốc gia nằm ở khu vực Mỹ Latin, hiện đang bị các băng đảng, còn gọi là maras, xé ra làm nhiều mảnh. Chúng cắn xé lẫn nhau, tranh giành quyền kiểm soát hoạt động buôn lậu cocaine và buôn người, vốn mang lại doanh thu tới hàng tỷ đô la. Năm ngoái, có tin nói 4/5 các chuyến bay chở cocaine sang Mỹ là xuất phát từ Honduras.


Hiện trung bình mỗi ngày lại có hơn 10 vụ án mạng xảy ra ở Honduras

Các mara ở Honduras đều rất quyền lực và chúng thống trị trên cơ sở gieo rắc nỗi sợ hãi. Năm ngoái, phóng viên nổi tiếng Sonia Nazari đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ, về việc người ta bị chặt thành nhiều khúc ở Honduras ra sao. Bà cũng nói về các nạn nhân bị chặt đầu, lột da sống, về các tay kẻ cướp sẵn sàng sát hại cả chiếc xe khách chở đầy người nếu những nạn nhân móc tiền ra quá chậm. Đó là quốc gia, nơi một cô gái có thể mất mạng chỉ vì chọn nhầm màu tóc.

Không ai có thể cảm thấy an toàn với các mara. Bất kỳ ai cản đường chúng đều có thể bị tra tấn và sát hại, dù đó là các thẩm phán hay nghị sĩ, tài xế xe khách hay nông dân.

"Nơi trú ngụ của quỷ Satan"

Peralta là một trong những người dám cản đường chúng. Nhưng anh cũng không làm điều gì quá khủng khiếp với chúng. Một năm trước, anh viết lên Twitter rằng Honduras có quá nhiều tội phạm và "những kẻ đó không đáng sống".

Chẳng ai có thể biết có phải dòng tweet ngắn ngủi là nguyên nhân khiến chàng trai 26 tuổi này phải nhận tới 18 viên đạn hay không. Điều người ta biết rõ là nỗi đau của bạn gái Peralta, khi cô quỳ bên cái xác đẫm máu của anh, cũng là điều mà vô số người khác trên đất Honduras từng trải qua.

Chỉ 2 tuần trước vụ án mạng này, 8 người đã bị sát hại tại một bến xe buýt ở Chaloma, nằm ở phía Tây La Ceiba. Chaloma cũng nằm ngay gần San Pedro Sula, thành phố với 438.000 dân, đã được mệnh danh là đô thị nguy hiểm nhất thế giới, nơi mỗi ngày có trung bình 3 người bị giết, 1.095 người một năm.

Để so sánh, London, nơi có 8,6 triệu người sinh sống, chỉ có hơn 100 vụ án mạng trong năm ngoái. New York, thành phố của 8,4 triệu dân, cũng chỉ có 328 vụ án mạng trong thời gian này.

"San Pedro là nơi trú ngụ của quỷ Satan. Ở đây người ta giết nhau nhẹ nhàng như mổ gà vậy" - một người hành nghề tổ chức tang lễ ở Honduras từng nói như thế với tờ Guardian hồi năm 2013.

Hoạt động giết chóc diễn ra quá thường xuyên, tới mức năm ngoái có 700 cái xác không được ai thừa nhận. Có thể bởi gia đình các nạn nhân không có số tiền chừng 1.000 USD để tổ chức tang lễ, hoặc họ quá sợ hãi các băng đảng.

San Pedro Sula, giống nhiều vùng khác của Honduras, hiện đang kẹt giữa cuộc chiến của hai băng đảng lớn là Mara Salvatrucha (MS-13) và Mara 18. Cả hai băng này đều hình thành từ những năm 1980, tại khu vực ngoại ô có đông dân gốc Latin sinh sống ở Los Angeles, Mỹ.

Chúng trở lại khu vực Trung Mỹ khi nước Mỹ trục xuất hàng ngàn người nhập cư có vấn đề. Sau đó, chúng liên tục phát triển lớn mạnh, nhờ sự bất lực của chính quyền, nhờ đói nghèo và sự đổ vỡ của các gia đình. Nay, chúng tranh giành ảnh hưởng của nhau ở San Pedro Sula và nhiều vùng khác

Các mara hoạt động gần như không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Tại thủ đô Tegucigalpa, nơi ghi nhận 510 vụ giết người trong 6 tháng đầu năm, các mara đòi tiền bảo kê, dao động từ 20 - 200 USD mỗi tháng, để không phá hoại hoạt động làm ăn của người dân. Nhưng ai từ chối chi tiền có thể phải trả giá bằng mạng sống.

Việc các nạn nhân sẽ chết ra sao là còn tùy vào từng băng. Đại úy cảnh sát Honduras Osman Oseguera cho tờ Telegraph biết rằng người ta có thể biết các vụ giết người là do mara nào thực hiện, nhờ vào cách chúng "xử" nạn nhân. Ví dụ như băng MS-13 thường chỉ bắn nạn nhân, trong khi băng 18 thì có hành vi man rợ hơn: chúng thích tra tấn rồi chặt thi thể nạn nhân thành nhiều mảnh.

Những kẻ đứng trên luật pháp

Hiện nay, chống lại các mara là công việc cực kỳ khó khăn. Ngay cả khi người ta biết rõ ai đã phạm tội, đưa chúng ra trước pháp luật là điều gần như không thể làm được. Hơn 90% các vụ án mạng ở Honduras rơi vào cảnh không thể giải quyết.

Tuy nhiên đây cũng là điều không gây ngạc nhiên, khi lằn ranh giữa pháp luật và phạm tội vô cùng mong manh. Hoạt động tham nhũng diễn ra lan tràn ở Honduras, từ các viên cảnh sát làm việc dưới phố cho tới các thẩm phán và chính trị gia.

Trong khi đó, một cuộc điều tra do hãng tin AP thực hiện cách nay 2 năm cho thấy cảnh sát Honduras liên quan tới ít nhất 5 vụ mất tích hoặc hành quyết thành viên băng đảng, chỉ trong vòng có vài tháng. Điều này khiến gia đình các nạn nhân nói cảnh sát đang đứng trên pháp luật.

Vụ sát hại cựu Hoa hậu Honduras Maria Jose và em gái cô, Sofia Alvarado, là một ngoại lệ hiếm hoi. Thi thể của họ được tìm thấy trong các hố chôn gần một bờ sông bên ngoài San Pedro Sula. Thủ phạm là bạn trai Sofia và gã này có thể sát hại cả hai chị em trong một cơn ghen.

Mẹ của họ, bà Teresa Munoz, đau buồn nói: "Tôi tin rằng nếu con gái tôi không phải là một đại diện (sắc đẹp) cho đất nước này, cái chết của cháu sẽ chẳng thể khiến kẻ thủ ác phải trả giá trước pháp luật".

Tường Linh (Theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm