Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013: Nhiều vấn đề gây tranh cãi

04/11/2012 07:30 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chủ đề khiến Hội thảo do VPF tổ chức tốn nhiều thời gian bàn thảo nhất chính là  thời hạn cuối cùng để các đội bóng đăng ký tham dự mùa giải 2013. Đến hạn chót (ngày 3/11), vẫn còn 4 đội chưa hoàn tất thủ tục trên là N.SG, CLB BĐHN, Trẻ Hà Nội và Trẻ Khánh Hòa, do đó VPF buộc phải đưa ra phương án gia hạn thời gian.

Biểu quyết thông qua việc lùi thời điểm đăng ký mùa giải mới đến ngày 8/12. Ảnh: V.S.I

Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly cho biết, VPF đã bàn bạc và cho rằng nên lùi hạn chót để các CLB hoàn tất việc đăng ký tham dự mùa giải 2013 là ngày 8/12 và đa phần các CLB đều bỏ phiếu tán thành quyết định trên. Tuy nhiên, PCT VFF Lê Hùng Dũng lại lên tiếng gay gắt phản đối quyết định này.

“Không nên vội vã bàn tới chuyện ngày nào chốt đăng ký, đăng ký xong đến sát ngày đấu lại bảo không đủ kinh phí tham dự, bỏ thi đấu, khi đó giải vỡ. Theo tính toán của tôi thì hiện tại V-League chỉ có 10 đội đủ kinh phí để thi đấu”, ông Dũng cho hay.

Bầu Tiến Anh của CLB K.Khánh Hòa cũng  ủng hộ ý kiến của ông Lê Hùng Dũng, cho rằng nên để tới đầu tháng 1/2013 chốt đăng ký và cho giải bắt đầu sau Tết Nguyên Đán. Dù vấp phải không ít ý kiến phản đối nhưng cuối cùng VPF vẫn chốt lấy ngày 8/12 là hạn chót buộc các CLB phải hoàn tất việc đăng ký tham dự mùa giải mới.

Một vấn đề nóng khác mà các đội bóng gặp khó trong việc tìm tiếng nói chung là  số lượng ngoại binh. Trưởng đoàn bóng đá HA.GL Tấn Anh cho rằng việc thay đổi quy định đăng ký 4, sử dụng 3 Tây cần phải có lộ trình, thời gian, không đột ngột làm ngay.

“Ngay sau khi kết thúc mùa giải 2012 chúng tôi đã tái ký hợp đồng với 3 ngoại binh, đồng thời chiêu mộ thêm một ngoại binh nữa. Giờ VPF đột ngột thay đổi quy định về số lượng ngoại binh thì chúng tôi biết xử lý ra sao, cầu thủ họ sẽ nghĩ gì. Theo tôi, việc thay đổi số lượng ngoại binh cần có thời gian, phải có lộ trình để các đội bóng còn kịp tính toán”.

Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Thanh đại diện cho CLB SLNA thì lại đề nghị giảm số lượng ngoại binh.: “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tôi nghĩ nên tạm lùi việc sử dụng cầu thủ ngoại. Tôi ủng hộ ý kiến của Tổng cục TDTT, giảm số lượng ngoại binh”.Bên cạnh đó, bầu Đệ của Thanh Hóa thì lại đưa ra ý kiến tính cầu thủ nhập tịch là ngoại binh. Sau khi bàn đia tính lại, VPF và các đội bóng tạm chấp thuận với phương án từ mùa sau mỗi đội bóng tại V-League được đăng ký 3, sử dụng 3 Tây, ở Hạng nhất QG là đăng ký 2, sử dụng 2 Tây dù còn nhiều lăn tăn.

Mức lương của cầu thủ cũng là vấn đề “nóng” được Hội thảo bàn tới. Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, Lê Hùng Dũng đã phản đối ý kiến cho rằng VFF, VPF nên đưa ra quy định về mức lương tối đa cho các cầu thủ.

“Lương trần của cầu thủ nên để cho các CLB tự quyết định. Bây giờ là thời buổi tự thu tự chi, đội bóng nào kiếm được nhiều tiền thì họ có quyền trả cho cầu thủ lương cao. Theo tôi VFF và VPF không được can thiệp vào chuyện lương trần của cầu thủ, chỉ nên kiểm soát chặt chẽ chuyện thu chi của các CLB để biết họ có tiền từ  đâu, có hợp pháp không, có kiếm tiền hay chi khoản tầm bậy tầm bạ nào không”.

Vấp phải ý kiến của PCT VFF Lê Hùng Dũng, VPF và các đội bóng đã bỏ ý định quy định lương tối đa của cầu thủ, chỉ đưa ra quy định về mức lương tối thiểu: với các CLB đá V-League là gấp 5 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực 1, với các đội đá Hạng nhất QG là gấp 3 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực 1. Khi biểu quyết về mức lương tối thiểu trên vẫn còn tới 5 đội bóng không đồng ý (SLNA, CLB BĐHN, Hà Nội T&T, Quảng Nam và Trẻ Hà Nội).

Trong Hội thảo chuẩn bị cho mùa giải 2013 vẫn còn rất nhiều vấn đề mà các đội bóng chưa thể thống nhất, mọi thứ mới chỉ được thông qua theo kiểu tạm thời.

Thùy Chi

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, các địa phương không phải có trách nhiệm với bóng đá. Thanh Hoá dù chuyển đổi mô hình như thế nào, thì tỉnh vẫn phải giúp đỡ CLB.

Có nhiều vấn đề nếu để doanh nghiệp tự bơi thì không thể giải quyết nổi”. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Vụ trưởng-Phó ban cải cách và hiện đại hoá, Tổng cục Thuế: “Mức thuế ở Pháp đối với mức thu nhập trên 27 tỷ đồng/năm lên tới 75%. Trong khi ở VN, mức cao nhất mới chỉ 35%, chưa thể gọi là cao so với thế giới. Tình hình khó khăn hiện nay thì không chỉ các CLB ở VN mà thế giới cũng vậy.

Bóng đá nếu chỉ để chơi thì không phải đóng thuế, nhưng đã là CLB chuyên nghiệp theo quy chế cũng là một hoạt động kinh doanh. Không lý gì các ông chủ bỏ vốn kinh doanh lĩnh vực khác thì phải đóng thuế còn bóng đá thì không. Dĩ nhiên ở góc độ ngành nghề đặc biệt, Chính phủ có thể có những hộ trợ.

Thành Đạt (ghi)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm