Hà Nội tu bổ cổng trại Bảo An Binh: Công trình gắn với Cách mạng tháng Tám

10/07/2023 17:00 GMT+7 | Văn hoá

Công trình cổng cổ thuộc trại Bảo An Binh – dấu tích còn sót lại của một sự kiện lịch sử trong đại, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng tháng 8 năm 1945 vừa hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo.

Trại Bảo An Binh tiền thân là trại lính khố xanh nằm dưới sự quản lý của quân đội Pháp. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cơ sở này đổi tên thành trại Bảo An Binh Trung ương – lực lượng vũ trang đảm bảo an ninh nội địa. Cổng trại Bảo An Binh là một trong những dấu tích hiếm hoi còn lại gắn liền với sự kiện lịch sử Cách mạng tháng 8 năm 1945, bên cạnh Quảng trường Cách mạng tháng 8, nhà số 101 Trần Hưng Đạo (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)…

VIDEO công trình cổng cổ trại Bảo An Binh vừa hoàn thành tu bổ:

baoanbinh

Trong những ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Cổng trại Bảo An Binh đã trở thành chứng nhân cho một sự kiện lịch sử. Tại đây của 78 năm trước, dù Nhật đã đầu hàng song vẫn án binh bất động đợi đồng minh đến tiếp quản. Lực lượng Bảo An Binh là mối đe dọa lớn nhất cho sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8. Những vị lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa khi ấy, dẫn đầu là ông Nguyễn Quyết (sau này là Đại tướng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước), với sự hậu thuẫn của quần chúng nhân dân vừa thuyết phục vừa trấn áp lực lượng Bảo An Binh bằng sức mạnh của tinh thần, khơi dậy trong họ lòng yêu nước, vận động họ ủng hộ và tham gia lực lượng vũ trang Cách mạng hoặc trở về quê. Trong đó, đơn vị quân nhạc của Bảo An binh đã bước sang hàng ngũ cách mạng.

Hà Nội tu bổ cổng trại Bảo An Binh: Công trình gắn với Cách mạng tháng Tám - Ảnh 2.

Hà Nội tu bổ cổng trại Bảo An Binh: Công trình gắn với Cách mạng tháng Tám - Ảnh 3.

Di tích lịch sử cổng trại Bảo An Binh vừa được tu bổ

Tuy nhiên, theo thời gian, cổng trại Bảo An Binh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 4/2023, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội đã tổ chức tham vấn ý kiến giới chuyên gia để tìm phương án tu bổ, tôn tạo lại dấu tích cách mạng.

Sau khi thống nhất phương án, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội đã tiến hành trùng tu cổng trại Bảo An Binh, phục hồi gần nhất với hiện trạng cổng cũ năm 1945. Kiến trúc cổng tam quan được giữ nguyên trạng, cùng với dòng tên "Garde Indigène". Trên cánh cổng vẫn còn treo biển: "Nơi đây năm 1945 là Trại Bảo An Binh. Ngày 19/8/1945, lực lượng Cách mạng đã tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí này".

Hà Nội tu bổ cổng trại Bảo An Binh: Công trình gắn với Cách mạng tháng Tám - Ảnh 4.

Công trình được tôn tạo với kĩ thuật thủ công, sử dụng vật liệu truyền thống. Những người thợ thủ công lành nghề, giàu kinh nghiệm từ các làng nghề truyền thống của vùng Đồng bằng sông Bắc Bộ đã được mời đến tham gia quá trình tu bổ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: "Việc trùng tu cổng Trại Bảo An Binh thể hiện tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn những giá trị của lịch sử. Tuy công trình không lớn nhưng giá trị lịch sử rất cao. Tôi đánh giá đây sẽ là một điểm nhấn văn hóa rất đáng quý. Công trình còn có giá trị kết nối quá khứ - hiện tại với tương lai".

Sự kiện hoàn thành trùng tu vừa được công bố sáng 9/7, trong khuôn khổ lễ khánh thành Nhà hát Hồ Gươm tại 40 Hàng Bài (Hà Nội).

Thảo Nhi. Ảnh và Clip: Phạm Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm