24/07/2020 18:50 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 24/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cần giải pháp để đóng vai trò động lực của vùng kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết để chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị này.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, dự thảo Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã có 4 lần hoàn thiện, riêng lần thứ 3 đã có 9 vòng lấy ý kiến, đến nay đã có khoảng trên 30 lần dự thảo báo cáo trước khi hoàn thiện trình Bộ Chính trị.
Riêng tình hình năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đến nay Hà Nội chưa đủ cơ sở để đánh giá tình hình phát triển của năm. Tuy nhiên, tính hết 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng của Hà Nội đạt 3,34%, gấp 1,82 lần mức bình quân chung cả nước. Thành phố đang phấn đấu cao nhất, đặt mục tiêu quyết tâm để tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước trong năm 2020.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, giúp cho thành phố xây dựng được chiến lược phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, dự thảo báo cáo chính trị của Thành ủy Hà Nội được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, kết tinh trí tuệ, cho thấy được tầm vóc của Thủ đô. Dự thảo báo cáo đã nhấn mạnh vào kết quả đạt được, sự phát triển toàn diện của nhiệm kỳ Đại hội XVI giai đoạn 2016-2020 của TP. Hà Nội.
Góp ý vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng bên cạnh báo cáo chính trị, Hà Nội nên có thêm phụ lục báo cáo phát triển kinh tế-xã hội để làm nổi bật, thấy hết được tầm quan điểm tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn, nhiệm vụ cụ thể, các đột phá, chương trình thực hiện hành động của Hà Nội.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nêu ý kiến, Hà Nội cần đánh giá nhiệm kỳ 2016-2020 là cơ sở cho sự bứt phá sắp tới, vì vậy, cần có đánh giá kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, cũng là 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội... Đánh giá này sẽ là phần quan trọng để thấy được tầm vóc của Thủ đô đã có bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực như: Quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng thành phố vệ tinh, xử lý úng ngập, giải pháp ùn tắc giao thông...
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa nêu vấn đề liên kết vùng, Hà Nội đang có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vai trò quan trọng trong kết nối, liên kết khu vực. Vì vậy, Hà Nội cần các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để đóng vai trò chủ đạo, động lực trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Điều này cần Hà Nội xác định giải pháp trong 5 năm tới để tận dụng cơ hội thu hút sự dịch chuyển vốn trong các chuỗi cung ứng về Việt Nam.
Hà Nội cần là mẫu hình của cả nước
Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh đánh giá dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội công phu, chặt chẽ, hợp lý, khoa học, mang đặc trưng riêng và nhiều điểm chỉ có riêng của Hà Nội. "Cảm nhận được bức tranh cuộc sống thể hiện trong báo cáo rõ nét", ông Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến.
Góp ý cụ thể, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, có tiềm năng kinh tế, nhiều lợi thế so với các địa phương khác, có không gian phát triển sau khi hợp nhất. Vì vậy, dự thảo báo cáo cần nhấn mạnh thêm về mặt đối ngoại, vị thế của Hà Nội có lợi thế về giao lưu, kết nối với quốc tế. Về tăng trưởng, Hà Nội cần là mẫu hình của cả nước. Đối với xây dựng mô hình, thí điểm, phương pháp mới, cách làm mới, Hà Nội cần đúng là hình mẫu cả nước về mọi mặt.
Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, mở rộng hạ tầng đô thị, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nêu ý kiến trong thời gian qua, Hà Nội phát triển mạnh nhưng chủ yếu phát triển khu vực phía Bắc, phía Tây. Vì vậy, đại biểu đề nghị Hà Nội quan tâm phát triển hạ tầng, phát triển giao thông để kết nối khu vực phía Nam. Ông Trần Quốc Cường cho rằng Hà Nội có thể nghiên cứu xây dựng sân bay tại khu vực phí Nam để giảm tải cho Nội Bài, tạo ra tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Hà Nội-Thanh Hóa-Nghệ An.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Tiểu ban Văn kiện của Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc và với tinh thần cầu thị cao nhất từng ý kiến phát biểu trực tiếp và bằng văn bản của các đại biểu, trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất