Hà Kiều Trang: Kiều nữ karatedo xứ Huế

08/11/2015 06:06 GMT+7 | Thể thao

 (Thethaovanhoa.vn) - Đã xa nghiệp võ hơn 5 năm, nhưng phong cách của võ sĩ Karatedo lừng danh xứ Huế một thời Hà Kiều Trang vẫn rất “con nhà võ”: tóc tém ngắn, đôi mắt sắc thăm thẳm, cách nói chuyện cởi mở và thẳng thắn. Trang đã nhớ lại thời thi đấu vàng son của mình, cả những dở dang trong sự nghiệp thể thao kiểu “nỗi  buồn không dễ gì nguôi trong đời…”

Từ suy dinh dưỡng đến "cô gái vàng” xứ Huế

Năm 1991, cha Hà Kiều Trang đã dẫn cô bé đến nhà một người bạn là võ sư Karatedo ở Huế, với mong muốn biết đâu nhờ học võ con gái sẽ được cải thiện sức khỏe và thể lực. Sau một năm, do phải chuyển vào Nam sinh sống, người thầy đầu tiên của Hà Kiều Trang đã dẫn cô đến nhà võ sư Lê Văn Thạnh để xin cho cô tiếp tục con đường “tầm sư học đạo”.

Chỉ sau một năm theo học với võ sư Lê Văn Thạnh, Hà Kiều Trang đã được thầy Thạnh phát hiện những tố chất của một VĐV Karatedo và đưa vào đội tuyển Karatedo TT Huế. Năm 1993, Hà Kiều Trang lần đầu tiên tham dự giải vô địch Karatedo trẻ quốc gia tổ chức tại Huế và ngay lập tức Trang đã gây tiếng vang giành chức vô địch lứa tuổi U17.

Với chiếc HCV này, năm 1995, Hà Kiều Trang đã được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, mở đầu cho một loạt thành tích mà bất cứ VĐV Karatedo nào cũng mơ ước với nhiều HCV, HCB cá nhân và đồng đội tại các giải khu vực, thế giới, đặc biệt là tại các kỳ SEA Games, từ 19 đến 22.

Ít ai biết rằng, tại SEA Games 22 Hà Nội, Hà Kiều Trang thi đấu với tư cách là một cán bộ đi làm nhiệm vụ. Trước đó, sau khi kết thúc SEA Games 21, tháng 12/2001, Hà Kiều Trang đã quyết định giã từ sự nghiệp VĐV để chuyển sang công tác huấn luyện. Nhưng đến tháng 3/2003, ông Nguyễn Hồng Minh - Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam và Giám đốc Sở TDTT Thừa Thiên-Huế Ngô Văn Trân đã động viên Hà Kiều Trang trở lại thảm thi đấu, để rồi vẫn thành công dù đã nghỉ hơn 1 năm.

Nỗi buồn của Trang

Năm 2009, Hà Kiều Trang nói lời chia tay với nghiệp võ để trở thành cô giáo dạy thể dục của trường THPT Nguyễn Huệ (Huế). Câu chuyện Trang phải bỏ dở đam mê trở thành một HLV Karatedo  để chuyển sang làm nghề giáo thẫm đẫm dư vị buồn. Trang kể: “Tôi bắt tay vào sự nghiệp huấn luyện với bao nhiêu ấp ủ, dự định. Thế nhưng, những  gì tôi cố gắng thể hiện bằng khả năng chuyên môn, kinh nghiệm và cái tâm của một HLV đều không được người ta công nhận. Tôi cũng đề đạt với lãnh đạo Trường trung cấp thể thao Huế được huấn luyện đội nữ Karatedo nhưng không được đồng ý. Đỉnh điểm là tại Hội khoẻ Phù Đổng 2008, tổ chức ở Phú Thọ, học trò của tôi đi thi đấu nhưng tôi buộc phải ở nhà. Buồn quá và tôi đã đi đến quyết định chuyển nghề”.

Nhưng quyết định chuyển nghề của Trang không phải là dễ dàng. Trang kể: “Lãnh đạo trường nói, nếu tôi chuyển nghề thì phải chịu mất tất cả, không còn biên chế nhà nước nữa. Buồn quá tôi phải gọi chú Trân (lúc đó ông Trân không còn làm ở ngành thể thao nữa) và nói: Chú đã “khóa” con theo nghiệp thể thao chừ chú phải mở cho con một con đường. Và chú Trân đã giúp tôi”.

Trong câu chuyện của mình, Trang nhắc đến HLV Lê Văn Thạnh, nguyên Giám đốc Sở TDTT Ngô Văn Trân, những người đã có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp của Trang.

Dù xa nghiệp HLV thể thao đã 5 năm nhưng Hà Kiều Trang vẫn canh cánh trong lòng một ngày trở lại với nghề HLV Karatedo bởi theo cô: “Những kinh nghiệm trong 10 năm thi đấu quốc tế của cô mà không truyền lại được cho các em thì phí quá!”. Cách đây hơn 2 năm, Hà Kiều Trang đã lo xong các thủ tục để thành lập CLB Karatedo tại trường Nguyễn Huệ. Thế nhưng, CLB vẫn chưa ra đời vì lý do bé gái út còn quá nhỏ.

 “Bây giờ, hai đứa nhỏ của tôi đã đi học. Thời gian để chăm sóc con cũng ít hơn nên tôi sẽ hoàn thành các thủ tục để mở CLB Karatedo. Chỉ có cách đó tôi mới đỡ nhớ sàn đấu, nhớ nghiệp võ đã ăn sâu trong máu thịt của mình”.

Chúc Trang sớm hoàn thành ước nguyện! Nếu Karatedo Huế để lãng phí tài năng như Trang thì thực sự đáng băn khoăn.

Tự rèn “độc chiêu”

Chặng đường thi đấu 10 năm của Trang được chia làm hai giai đoạn. Từ năm 1993 đến 2000, với thế mạnh là những đòn chân nhanh và chính xác, cứ vào trận là Trang tấn công liên hoàn, dồn ép đối phương. Lối đánh đó đã mang lại cho cô gái Huế nhiều thành tích, trong đó nổi bật là chiếc HCV đồng đội và HCB cá nhân hạng cân 60kg giải vô địch Karatedo thế giới tổ chức tại Úc năm 1999. 1 HCV hạng cân 60kg tại SEA Games 20, 1HCV đồng đội Kumite tại SEA Games 21; đặc biệt tại SEA Games 22, giải đấu quốc tế cuối cùng trong sự nghiệp của mình, Hà Kiều Trang đã ghi danh vào lịch sử Karatedo Việt Nam khi giành 1 HCV Kumite đồng đội và 1 HCV cá nhân 60kg…

Chỉ một năm sau, một sự cố đã xảy ra với Trang khi cô bị vỡ xương cổ chân trái tại giải vô địch Karatedo thế giới tại Đức. Sau chấn thương này, Hà Kiều Trang đã thay đổi lối đánh và rèn “độc chiêu”. Cô bỏ hẳn lối đánh tấn công ào ạt mà chuyển sang lối đánh chặn, dụ đối phương theo chiến thuật đánh của mình. Lối đánh này của Trang được các chuyên gia Nhật Bản và các HLV đánh giá rất cao và sau này nhiều VĐV Karatedo Việt Nam đã học theo lối chơi của Trang và thành công.


Phi Tân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm