23/07/2022 15:03 GMT+7 | Văn hoá
Sáng 23/7, tại huyện Vĩnh Lộc, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tổ chức Hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đường Hoàng Gia nội thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Theo đó, con đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc – Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông. Hiện dấu tích đường Hoàng Gia trong nội thành Di sản Thành nhà Hồ còn lại rất rõ, được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.
Cuộc khai quật đã làm rõ địa tầng từ con đường hiện đại đến dấu tích móng, nền của con đường thời Hồ gồm ba lớp chính tương ứng với ba giai đoạn của con đường.
Trong đó lớp trên cùng là dấu tích đường quốc lộ 217 hiện tại chạy qua trục Chính tâm thành Nhà Hồ. Lớp thứ hai (lớp giữa) là dấu tích con đường thời Pháp thuộc xây dựng năm 1937. Và lớp thứ 3 là lớp gia cố móng nền đường Hoàng Gia, nhưng tại các hố khai quật ở khu B đều cho thấy con đường đã bị phá hủy bởi các đợt đào đất làm đường năm 1937, chỉ còn lớp móng gia cố nền đường Hoàng Gia thời Hồ là lớp đất sét vàng lẫn sét đỏ đầm tạo mặt phẳng cho con đường và sân nền giữa các kiến trúc. Như vậy có thể nhận thấy con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và sau cổng Nam. Dấu tích con đường chỉ còn phần nền móng ở lớp dưới cùng và vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhất là dọc theo con đường Hoàng Gia các nhà khoa học đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô. Trên trục đường Hoàng Gia tại các khu A, B hiện đã xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô. Tại khu A, các kiến trúc đã xuất lộ trong các năm 2020 và 2021 với cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực Nền Vua. Các di tích kiến trúc này xuất lộ khá nhiều, phức tạp, nhiều vị trí đã bị phá huỷ, do vậy các nhà nghiên cứu vẫn đang tập trung chỉnh lý và nghiên cứu tiếp về hình thái và chức năng của các di tích, kiến trúc này.
Tại khu B, từ cuối năm 2021 đến tháng 7/2022, cuộc khai quật cũng đã tiếp tục làm xuất lộ hai kiến trúc cổng và một cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực đang có hai thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ. Đặc biệt dấu tích cụm kiến trúc Con Rồng được đánh giá là kiến trúc quan trọng xét về mặt vị trí và thực trạng quy mô khá to lớn của kiến trúc và nằm gần ở vị trí có thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ được dự đoán có thể nơi đây sẽ tìm thấy dấu tích Chính điện của Thành Nhà Hồ.
Tại đây đã tìm thấy đơn nguyên kiến trúc Nam là một kiến trúc lớn nhất với các móng cột lớn dạng móng kép, được xuất lộ với bước gian và vị trí quy chuẩn, thẳng trục Chính tâm, dài trung bình 5,2m-5,4m, rộng 1,8m, bước gian 5,4m, lòng gian khoảng 7,5m là lòng gian có kích thước lớn nhất so với các kiến trúc đã xuất lộ. Tuy chưa khai quật hết nhưng có thể tính toán đối xứng từ tâm kiến trúc tương ứng với tâm của con đường Hoàng Gia thì có thể đoán kiến trúc này có nếu xuất hiện đầy đủ có thể có 9 gian.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây. Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần Hồ.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đối với các kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng Gia, một yêu cầu lớn đặt ra là cần nghiên cứu vị trí và chức năng của các kiến trúc đã xuất lộ. Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi tư liệu để lại hầu như không còn gì ngoài một vài công trình được ghi chép chung chung là Chính điện, điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực… vì vậy muốn tìm hiểu điều này đòi hỏi phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, do giá trị to lớn của khu Di sản, rất cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị của Di sản Thế giới Thành nhà Hồ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Cuộc khai quật bước đầu đã làm rõ hiện trạng cấu trúc và vật liệu xây dựng con đường Hoàng Gia trong nội thành Di sản Thành nhà Hồ. Điều quan trọng hơn và là mục tiêu lớn nhất trong công cuộc khai quật nghiên cứu Thành nhà Hồ là nghiên cứu con đường Hoàng Gia nhằm tìm hiểu cấu trúc tổng thể của kinh đô. Về mặt này, cuộc khai quật đã có nhiều phát hiện mới đóng góp vào việc tìm hiểu cấu trúc và kiến trúc Thành nhà Hồ qua các thời kỳ lịch sử”.
Thực hiện Quyết định khai quật số 2924 ngày 12/11/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 7/2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ đường Hoàng Gia với tổng diện tích 14.000m2, trong đó cuộc khai quật tập trung vào khu vực trung tâm nội thành và được phân làm 2 khu gồm khu vực các hố đào ở phía Bắc trục đường Đông – Tây với tổng diện tích 3.500m2 và khu vực các hố đào ở phía Nam dọc đường Đông – Tây với tổng diện tích 9.500m2.
Hoa Mai/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất