27/02/2023 20:57 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Khi con đi học, cha mẹ có rất nhiều nỗi lo. Liệu con có bị bạn học bắt nạt? Con có theo kịp được tiến độ bài vở? Con có bị giáo viên mắng hay không? Cũng vì vậy, nhiều phụ huynh quyết định gửi gắm con ở những ngôi trường, lớp học có giáo viên quen biết, với mong muốn con mình sẽ được chăm chút nhiều hơn.
Tuy nhiên sự nhờ vả này nhiều khi gây hại hơn là có lợi. Vì sao? Vì chúng ta không thể bảo vệ con mình cả đời. Một khi con rời khỏi "nhà kính" được bố mẹ chọn sẵn, con sẽ dễ sốc khi nếm trải những khó khăn. Vậy tại sao không để con trẻ trải qua những thất bại giống như những người khác sớm hơn?
Câu chuyện có thật của nữ nhà văn Lưu Kế Vinh tại Đài Loan (Trung Quốc) dưới đây sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Năm 3 tuổi, khi con gái đi nhà trẻ, tình cờ là vợ chồng Lưu Kế Vinh có người dì là giáo viên trong trường. Cả hai đã gửi con vào lớp họ hàng, nhờ giúp đỡ, chăm nom con giúp mình. Người dì không chỉ chăm sóc cháu gái bằng mọi cách có thể mà còn bảo các giáo viên khác quan tâm đến cháu mình nhiều hơn. Vì vậy, con gái của Lưu Kế Vinh trở thành công chúa được sủng ái nhất trong đám trẻ.
Mỗi ngày đi học về, cô bé đều có chuyện vui khoe với mẹ. Chẳng hạn như: "Hôm nay cô giáo cho chúng con ăn cam. Các bạn khác chỉ được ăn 2 miếng, con được ăn đến 5 miếng". Khuôn mặt cô bé sung sướng, rạng rỡ như mùa xuân.
Hay một hôm khác: "Mẹ ơi, hôm nay ở lớp có nhiều bạn giơ tay đoán câu đố lắm. Cô giáo gọi con bốn lần. Con được bốn bông hoa nhỏ màu đỏ. Có những bạn không được gọi lần nào cả nên khóc luôn".
Một lần khác, cô bé cũng chạy về khoe: "Có một đứa trong lớp rất nghịch, nhiều người sợ nó, nhưng nó chưa bao giờ dám giở trò với con. Nó nói sợ con nhất, con là sếp!".
Đến khi lên tiểu học, con của Lưu Kế Vinh lại tiếp tục được đặc quyền khi giáo viên chủ nhiệm là học sinh cũ của bà ngoại. Khi Lưu Kế Vinh đưa con đến thăm cô giáo, cô đã đón tiếp nồng hậu và hứa sẽ chăm sóc cho cô bé thật tốt.
Vì vậy, địa vị "công chúa" của cô bé kéo dài từ mầm non lên tiểu học. Cô bé trở thành lớp trưởng, là trợ lý đắc lực của giáo viên. Điểm số của con gái Lưu Kế Vinh top đầu lớp, được nhận danh hiệu "học sinh 3 tốt".
Giống như bậc mầm non, ngày nào đi học về, con gái cũng có chuyện vui để kế cho Lưu Kế Vinh. Lúc đó, cô bé thực sự giống một đóa hoa, hạnh phúc và nở rộ.
Cuộc sống học đường của con gái Lưu Kế Vinh thay đổi hoàn toàn khi cô bé lên lớp 3. Khi ấy, người giáo viên quen biết chuyển việc và bất hạnh cũng bắt đầu từ đây. Ngày nào, con gái nữ nhà văn cũng trở về nhà và khóc lóc.
"Mẹ, hôm giáo bảo con xuống hàng thứ tư ngồi. Mọi khi con luôn ngồi ở hàng đầu tiên. Con nói với cô là con muốn đổi chỗ, nhưng cô không chịu, còn mắng con".
"Mẹ, cả tuần nay cô không khen con, chỉ khen người khác. Cô ghét con à?".
"Mẹ, hôm nay cô giáo không gọi con trả lời một câu nào. Sau này con sẽ không bao giờ giơ tay".
"Mẹ, hôm nay có một bạn nam gọi con bằng biệt danh, còn giật tóc con. Con bắt xin lỗi, nhưng bạn không làm mà còn đẩy con".
"Mẹ, con đau quá, con không muốn đi học. Nếu không mẹ chuyển con đến trường của người quen đi. Con không muốn học ở lớp này nữa".
Con gái Lưu Kế Vinh vừa khóc vừa kể. Lời nói của con khiến nữ nhà văn choáng váng và bừng tỉnh. Nếu những đứa trẻ khác gặp phải một số sự việc bên trên có thể nhanh chóng vui vẻ trở lại và quên đi ấm ức thì con gái Lưu Kế Vinh lại khóc đến khuya không ngừng.
Cuối cùng nữ nhà văn cũng hiểu được sự tổn thương của "đặc quyền người quen" đã gây ra cho con.
Hoa nào cũng phải trải qua mưa gió, mùi vị nào cũng phải do con nếm. Lưu Kế Vinh biết những chân lý ấy nhưng khi đến lượt mình làm mẹ, cô lại vô thức biết bao.
Nhiều năm qua, nữ nhà văn cẩn thận ôm con trong lòng bàn tay, tự tạo thành một nhà kính nhỏ, "tàn nhẫn" tước đoạt "quyền" trải qua mưa gió của con gái. Như vậy thì đứa trẻ làm sao có thể trưởng thành?
"Mẹ không chuyển trường cho con, chúng ta không thể trốn tránh được nữa" - Đó là những gì Lưu Kế Vinh đã nói và làm. Cô quyết định cho con đối mặt với những thăng trầm này, dù là muộn màng. Nếu không con gái cô sẽ không bao giờ tìm ra cách vượt qua khó khăn. Và tất cả những gì cô bé có thể làm và nghĩ đến là tìm người dựa dẫm vào.
Sau khi không có người quen che chở, thành tích học tập của con gái Lưu Kế Vinh sa sút nghiêm trọng, tính cách trở nên hướng nội và thậm chí bắt đầu cảm thấy mình kém cỏi.
Khi chồng của Lưu Kế Vinh nhìn thấy con gái như vậy, anh đã nói với vợ nếu con không thể thích nghi được thì nên cân nhắc chuyển sang trường khác. Nhưng nữ nhà văn biết rõ rằng sự khốn khổ hiện tại của con là do lỗi lầm ban đầu mình gây ra, không phải do giáo viên mới.
Nếu một đứa trẻ không thể rèn luyện bản thân để thích nghi với môi trường, thì môi trường sẽ không đón nhận nó.
Mỗi lần sau khi con khóc, cô sẽ để con lau nước mắt, rồi từ góc độ thầy cô và bạn học, cô sẽ cùng con phân tích tại sao lại như vậy.
"Mẹ nói cho con biết, cả lớp có 50 học sinh, giáo viên sẽ không hỏi hết mọi người. Không gọi bạn trả lời không phải thiên vị mà là công bằng".
"Nếu giáo viên không khen ngợi con, con phải làm tốt hơn, và cô ấy sẽ thấy".
"Mẹ sẽ chỉ con cách đối phó với những cậu bé thích bắt nạt. Con càng khóc, bạn càng bắt nạt. Con phải mạnh mẽ lên".
Quá trình thay đổi tư duy cho con gái của Lưu Kế Vinh diễn ra đầy gian nan và "đau đớn". Nhưng cô biết con phải vượt qua và bản thân cũng không thể bỏ cuộc.
Lưu Kế Vinh cũng chủ động liên lạc với giáo viên chủ nhiệm hiện tại của con. Cô giáo cũng đồng ý với cách làm của nữ nhà văn và sẵn sàng hợp tác để học sinh thay đổi hoàn cảnh hiện tại, lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.
Dần dần sau quãng thời gian u sầu, con gái của nữ nhà văn khi trở về nhà đã bắt đầu kể lại những câu chuyện vui và cả các sự việc diễn ra trong ngày: "hôm nay cô kể chuyện cười"; "lớp có bạn bị ốm, con muốn đi thăm bạn";...
Lưu Kế Vinh cũng trao đổi thêm về con gái với giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo cho biết, dù con gái nữ nhà văn đã tiến bộ nhanh chóng nhưng vẫn chưa thể đạt được danh hiệu "Học sinh 3 tốt". Dù các danh hiệu trước đây của cô bé đã mất đi, nhưng giáo viên vẫn có những phần thưởng động viên. Và điều đó khiến con gái nữ nhà văn dù buồn nhưng vẫn có sự vui vẻ và hứng thú hơn môi trường học tập mới.
Nhìn lại hành trình đi học của con gái, Lưu Kế Vinh nhận ra, nếu lúc đầu không để con nhận đặc quyền, cho con được sống như những đứa trẻ khác: Gặp những gì nên gặp, trải nghiệm những gì nên trải nghiệm và nếm những gì nên nếm thì cuộc sống cũng cô bé sẽ rất phong phú.
Bởi thăng trầm cũng là "dưỡng chất" cho cuộc sống. Vui buồn đều là bổ ích. Chỉ có bằng lòng chịu khổ mới có được hạnh phúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất