GS Xoay: Người dùng facebook dễ dàng 'bị bạo hành' bởi thông tin bạo lực

17/10/2015 20:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/10, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức nói chuyện chuyên đề “Sinh viên với mạng xã hội” với sự tham gia của nhà văn Phong Điệp, “Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng cùng đông đảo sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thành phố.

Chương trình nhằm tìm hiểu suy nghĩ của giới trẻ về mạng xã hội, từ đó phân tích và định hướng giúp họ sử dụng mạng xã hội hiệu quả, hữu ích.

Nhà văn Phong Điệp và ông Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của bản thân về mục đích và mặt lợi – hại của mạng xã hội, điển hình nhất là facebook – một trang mạng xã hội đang có số lượng người dùng lớn nhất tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhà văn Phong Điệp (trái) và "GS Xoay" Đinh Tiến Dũng

Nhà văn Phong Điệp cho biết, bản thân cô cũng có nhiều truyện ngắn viết về mạng xã hội, có nhiều những tìm hiểu về tác dụng của mạng xã hội với cuộc sống hiện nay của giới trẻ. Với sự phát triển nhanh chóng của facebook trong đời sống, nhà văn Phong Điệp cho rằng “mạng xã hội như một con dao hai lưỡi”, tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người sẽ có những tác động tiêu cực hoặc tích cực lên cuộc sống.

Đồng quan điểm với nhà văn Phong Điệp, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng giới trẻ đang dần phụ thuộc vào facebook. Với việc các thông tin có thể dễ dàng được đăng tải, chia sẻ trên facebook, các bạn trẻ nếu không biết chắt lọc những thông tin bổ ích cho bản thân sẽ dễ rơi vào tình trạng bị bội thực, không phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin sai lệch.

Việc lạm dụng tràn lan những nút “thích” và “chia sẻ” (hai tính năng của facebook) cũng là một chủ đề được khách mời và các bạn sinh viên quan tâm thảo luận.

Bạn Trần Văn Thiết (sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ thắc mắc về những lợi ích đằng sau những nút “thích” được một số trang bán hàng bằng facebook thu được.

Bạn Nguyễn Khánh Ly (sinh viên năm thứ 2, Đại học Văn hóa Hà Nội) lại nêu ra câu hỏi về việc nhiều bức ảnh của những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc các video clip đánh ghen được đăng tải một cách tràn lan, không có sự kiểm soát và những tác động không nhỏ của các bức ảnh, clip đó đến công chúng.

Về vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay những người sử dụng facebook đang dễ dàng để “bị bạo hành”. Bằng những câu chuyện cụ thể, ông Dũng cho rằng những bức ảnh có nội dung ghê sợ hoặc những đoạn video clip bạo lực được “chia sẻ’ và “thích” trên facebook đã gây ra những tác động không nhỏ đến tâm lý của người xem, làm cho họ có cái nhìn tiêu cực, sợ hãi với cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động xấu của mạng xã hội, nhà văn Phong Điệp cho rằng facebook có những tính năng hữu dụng và có ích đối với cuộc sống con người. Nhờ facebook, con người có thể dễ dàng kết nối, làm quen với bạn bè đến từ các nước trong, ngoài khu vực. Đây là nơi các bạn trẻ có thể thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của bạn bè, người thân mà vì sự bận rộn của cuộc sống chúng ta ít có thời gian gặp gỡ, trò chuyện.

Bạn Nguyễn Ngọc Anh (sinh viên năm nhất, Đại học Giao thông Vận tải) chia sẻ: “Với bản thân em, đây là buổi trò chuyện thú vị và bổ ích”. Thông tin và kinh nghiệm của khách mời rất phong phú, hài hước đã giúp các bạn hiểu hơn về việc sử dụng mạng xã hội. Sau buổi talkshow, Ngọc Anh cho biết mình sẽ hạn chế thời gian dùng facebook và chỉ chia sẻ thông tin với những bạn bè thân thiết.

Qua trao đổi thông tin, các vị khách mời cùng các bạn sinh viên đều thống nhất rằng, để sử dụng tốt mạng xã hội cần có một cái đầu tỉnh táo và thận trọng. Điều quan trọng là thế hệ trẻ hãy quan tâm nhiều hơn đến việc học tập, hoàn thiện bản thân trong đời sống thực tế trước khi lo lắng cho cuộc sống và vấn đề của người khác”.

TTXVN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm