(TT&VH) - LTS: Mới đây, GS Ngô Huy Cẩn, thân sinh GS Ngô Bảo Châu có nói, chúng ta không nên nói là những thành tựu của Ngô Bảo Châu chỉ là do kết quả đào tạo trong nước, nhưng một điều quan trọng là cái “gốc” Châu được đào tạo trong nước tốt. Khoa học là một quá trình vận động biện chứng, từ thành công của GS Ngô Bảo Châu hôm nay, chúng ta càng cần phải suy nghĩ về “giếng nguồn” toán học Việt Nam trước kia.
TT&VH xin giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Việt, một người học sử (hiện là Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á), nhưng rất quan tâm đến vấn đề này.
1. Chúng ta đang rộn ràng với giải thưởng Fields của tài năng toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu với không khí có phần giống như ngày nào đó gần đây mở cờ mong đón thời điểm đội tuyển quốc gia bước lên bục vinh quang của bóng đá khu vực.
Bố mẹ Bảo Châu - hai nhà khoa học trong ngành toán và dược, đã khéo chọn tên cho cậu con trai độc nhất của mình. Bảo Châu nghĩa chữ là “viên ngọc quý”. Giờ đây, “Bảo Châu” không chỉ là “ngọc quý” của gia đình mà đã thực sự trở thành viên ngọc quý của đất nước và dân tộc.
Ngô Bảo Châu (thứ 3 từ trái sang) trong Đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế Việt Nam
Bảo Châu sinh năm 1972, chỉ 1 tháng trước chiến dịch dội bom B52 của Mỹ xuống Hà Nội. Tôi thuộc thế hệ cha mẹ của Bảo Châu. Chúng tôi không quên thời điểm em sinh ra vào cuối năm 1972 ác liệt đó. Trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, năm 1972 quả thực là một năm vô cùng quyết liệt và căng thẳng đối với cách mạng Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng (từ 11/1971 đến 9/1972) chúng ta đã phải tổng động viên hầu hết thanh niên trong các trường đại học ra mặt trận.
Trong đơn vị của chúng tôi năm đó có rất nhiều sinh viên chuyên toán Tổng hợp. Vào những năm đó, mấy chữ “chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội” được toàn xã hội rất trân trọng và ngưỡng mộ. Đó là một trong những “lò” đào tạo nhân tài khoa học đầu tiên của chúng ta. Và trong cách xếp đặt trình tự cao thấp học thuật còn mang tính ấu trĩ khi đó, thì toán được lứa chúng tôi xếp ở vị trí hàng đầu. Sau này, dù là tôi đã chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác đó là khoa học lịch sử, thì những bậc thầy danh giá của chúng tôi như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng vẫn đôi khi tiếc nuối: bọn tớ vốn là dân toán đấy chứ. Bản thân tôi, cũng như nhiều sinh viên cùng lứa, như GS-TSKH Vũ Minh Giang vốn cũng tự cho mình là dân toán, vì cũng đã từng vác dù đi thi toán giỏi phổ thông và tham gia giải những bài toán học sinh hóc búa đương thời, đến nỗi sau này đi vào ngành sử, chúng tôi đã cùng các thầy thích toán của mình cố xây dựng một khuynh hướng “toán sử” - tức tiếp cận lịch sử bằng logic toán học và các thuật toán.
Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận những công trình sử siêu việt của một nhà khoa học “gốc” toán lý. Đó là giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Ông thuộc trường phái những nhà khoa học tổng hợp như Lomonosov, Humboldt, Leona de Vinci, Lê Quý Đôn... và cảm nhận sâu sắc, tinh tế, mạch lạc toát lên từ các sách sử ông viết (Lý Thường Kiệt, La Sơn Phu Tử) đó chính là những bài toán giải, bài toán chứng minh một cách khoa học sự thật lịch sử bằng những dữ kiện và ẩn số lịch sử khác. Những cảm nhận như vậy chúng ta cũng gặp lại ở một công trình “toán sử” tương tự: Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của hai GS Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Tư duy toán học có thể coi như một loại hình mang tính dẫn đường cho các phương pháp tiếp cận khoa học và xã hội khác.
2. Vốn đã là người làm sử, tôi ngưỡng mộ Bảo Châu hôm nay, mà không quên những kỷ niệm về tiến trình khắc khoải của ngành toán Việt Nam. Trong quân phục lính, chúng tôi vừa rời ghế nhà trường, từng nói nhiều về toán dưới bóng bạch đàn trong mỗi lần giải lao huấn luyện quân sự, trong các hầm tránh bom và cả trong các chiến hào chờ lệnh xuất quân.
Chiến tranh đã cướp đi một phần của những tài năng toán học trẻ. Bởi chỉ ngừng làm toán ba bốn năm, họ đã trở thành già cỗi và lạc hậu. Toán học là một ngành phải luôn tươi, trẻ và mới. Thành tựu có được như những hạt chim tha trên trời rụng xuống, “vườn não” phải luôn sẵn sàng và luôn mới trẻ. Những mầm toán trẻ đi cùng lứa bộ đội với tôi năm đó, sau chiến tranh, đa số đều tản về các đơn vị huấn luyện làm thầy toán, lý... trong quân đội. Nhưng rất may, mầm toán ngoài đời vẫn được những nhà khoa học ở lại trường Đại học và Viện nghiên cứu ủ dưỡng chờ thời.
Thế rồi tôi lại có dịp may “chung chăn chiếu” với các nhà toán học của lứa “ủ dưỡng” đó. Số là, sau chiến tranh ít năm, vào đầu những năm 1980, tôi được cử thi nghiên cứu sinh và đạt học bổng sang học tại Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức. Khi đó, nơi đây cũng giống như Viện Dubna, trường Lomonosov, trường Humboldt... được coi như những “vườn trẻ” chăm trồng tài năng của khoa học Việt Nam sau chiến tranh. Tôi lại có dịp tiếp xúc với thế hệ “ủ dưỡng” của nền toán học Việt Nam.
Điều gây ấn tượng nhất cho tôi bấy giờ là sự hình thành các môn phái trong toán học Việt Nam. Tôi có dịp tiếp xúc với các môn đệ của GS Hoàng Tụy, Viện trưởng Viện Toán khi đó và “thòm thèm” ngắm nhìn những tiến sĩ “habil”, tiến sĩ khoa học Việt Nam tầm tuổi 30 tham dự các đề tài quốc tế cũng như giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài. Bất kỳ môn phái nào đều cần có trưởng môn. Giáo sư Hoàng Tụy đã từng là một trưởng môn đầy vất vả trong sự nghiệp tạo dựng môn phái của mình dưới thời bao cấp gian khó đó.
Tôi không quên buổi gặp gỡ những trưởng môn toán đang tìm đường cứu mình, cứu nhà, cứu môn phái tại ký túc xá Đại học Lomonosov (Moskva) cuối những năm 1980. Đó là những giáo sư trưởng môn thực sự của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ lặn lội kết hợp các buổi thuyết trình, hội nghị quốc tế bằng cách tự túc tiền vé máy bay, ăn ở khách sạn để có thể đưa được những thông tin khoa học mới nhất về cho đất nước. Một nhiệm vụ quan trọng của những chuyến lặn lội đó của họ cũng chính là tìm các nguồn học bổng, các ghế trợ giảng, giảng dạy để đưa các môn đệ của mình đi lên, cả về đời sống lẫn kiến thức, trình độ khoa học trong điều kiện đất nước khi đó vô cùng khó khăn.
3. Thế hệ ủ dưỡng đó nay đã trở nên những giáo sư già đầu bạc. Chính thế hệ đó đã góp phần tạo nền cho Bảo Châu hôm nay. Bởi vì nền toán học hiện đại sẽ rất nhanh chóng trở nên lạc hậu nếu không có quá trình bám sát liên tục. Trong đất nước ta ngày nay, đã có nhiều ngành khoa học xuất hiện hiện tượng lão hóa, cũ kỹ, già cỗi, không cùng nhịp với chuyên ngành chung trên thế giới.
Tôi thầm cảm ơn thế hệ những nhà toán học đầu ngành như Hoàng Tụy, Lê Văn Thiêm, Phan Đình Diệu, Hoàng Hữu Như, Phan Văn Hạp... và thế hệ ủ dưỡng thành công như Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa... Tôi nhìn ngắm họ hôm nay mà nhớ ngày xưa, bỗng trỗi dậy một niềm tự hào từ Ngô Bảo Châu, rằng thuở đó, chúng ta đã có những con người mang tố chất Bảo Châu. Nhưng ngọc lóe sáng chỉ khi có những luồng sáng chiếu vào nó. Ngô Bảo Châu là một viên ngọc quý được lóe sáng khi được những nguồn sáng hội tụ.
Đó là bài học không bao giờ muộn của chúng ta nếu biết phát hiện, trân trọng, nâng niu và cung cấp nguồn sáng đầy đủ cho sự tỏa sáng của những viên Bảo Châu Việt Nam còn đang tiềm ẩn.
Làng giải trí thế giới bàng hoàng trước thông báo của Cate Blanchett - nữ diễn viên từng đoạt hai giải Oscar - khi cô tuyên bố sẽ giải nghệ sau hơn ba thập kỷ cống hiến trên sân khấu và màn bạc.
Các nhà khảo cổ học vừa khai quật được một thị trấn Ai Cập cổ đại "quan trọng", nhiều khả năng do Akhenaten, cha của vị pharaoh nổi tiếng Tutankhamun, xây dựng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 16/4, nhiều khu vực ngày nắng, có nơi nắng nóng với nền nhiệt trên 35 độ C, chiều tối và đêm có mưa dông, đề phòng trong mưa dông khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Một vụ cháy rừng bạch đàn đã xảy ra từ lúc hơn 17 giờ ngày 15/4 tại thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Lực lượng chức năng đã huy động người và phương tiện dập lửa, chữa cháy.
Hang động Sterkfontein nổi tiếng thế giới, thuộc khu Di sản thế giới UNESCO - cái nôi của nhân loại ở Nam Phi - mở cửa trở lại vào ngày 15/4. Hang đã buộc phải đóng cửa từ tháng 7/2022 vì lũ lụt.
Hoạt động trọng điểm văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai đồng bộ, đúng định hướng, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra và đạt được kết quả tốt; lan tỏa, tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội.
Lịch thi đấu bóng chuyền hôm nay ngày 16/4/2025 - Thethaovanhoa.vn cập nhật chi tiết các lịch thi đấu bóng chuyền trong và ngoài nước diễn ra ngày hôm nay.
BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận rằng nâng tầm lứa cầu thủ trẻ tiềm năng đang có hiện nay trở thành tài năng chỉ là một phần việc, điều cốt lõi nằm ở công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm, đầu tư một cách thường xuyên, liên tục, khoa học và chuyên nghiệp.
XSBT 15/4: Xổ số Bến Tre được phát hành bởi công ty xổ số kiến thiết Bến Tre, quay thưởng vào lúc 16h10 ngày thứ Ba hàng tuần. Kết quả XSMN hôm nay cập nhật nhanh nhất trên Thethaovanhoa.vn.
XSBL 15/4: Xổ số Bạc Liêu được phát hành bởi Công ty xổ số kiến thiết Bạc Liêu, quay thưởng vào lúc 16h10 phút ngày thứ Ba hàng tuần. Trực tiếp kết quả XSMN nhanh nhất trên Thethaovanhoa.vn.
Xuân Son và Vĩ Hào đang chấn thương, phải nghỉ thi đấu dài hạn và chưa thể trở lại đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần. Do đó, HLV Kim Sang Sik chắc chắn cần bổ sung nhân sự cho hàng tấn công. Tuy nhiên, liệu Công Phượng có phải là sự lựa chọn hàng đầu?
XSMN 15/4: Xổ số miền Nam ngày 15/4/2025 gồm các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre và Vũng Tàu. Theo dõi kết quả XSMN hôm nay thứ Ba ngày 15/4 trên Thethaovanhoa.vn.