Góc nhìn 365: Vẫn chờ… cầu Long Biên

21/12/2023 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Một thông tin rất đáng chú ý: Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Chính phủ Pháp sẽ tài trợ 700 ngàn euro (khoảng 19 tỉ VNĐ) cho việc nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên tại Hà Nội.

Cụ thể, nghiên cứu này sẽ được một công ty tư vấn và kỹ thuật của Pháp tiến hành nhằm đề xuất phương án cải tạo thích hợp với mục đích sử dụng cầu Long Biên trong tương lai. Theo đó, không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho cầu, phương án cải tạo này còn được kỳ vọng biến nơi đây  thành một danh thắng phục vụ cho sự phát triển Hà Nội.

Khá tình cờ, tin vui này đến vào thời điểm sắp tròn 10 năm kể từ khi một cuộc tranh luận lớn về việc nên giữ hay bỏ cầu Long Biên được xới lên.

Thời điểm ấy (năm 2014), trong quy hoạch tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên, cầu Long Biên từng được đề nghị dỡ bỏ (hoặc di dời lên phía thượng lưu) và xây dựng một cầu đường sắt mới. Để rồi, với phản ứng gay gắt của cộng đồng và giới chuyên môn, một đề xuất chung bỗng hình thành và liên tục nhận được sự tán đồng: Long Biên cần được bảo tồn để trở thành một cây cầu đi bộ đặc thù, gắn với không gian của lịch sử và ký ức.

Góc nhìn 365: Vẫn chờ… cầu Long Biên - Ảnh 1.

Cầu Long Biên. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Còn nếu xa hơn, theo lời người trong cuộc, khoảng 30 năm trước, vấn đề hỗ trợ cải tạo cầu Long Biên cũng từng được nhắc tới trong chuyến thăm Việt Nam của cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Như chia sẻ của GS Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) tại một hội thảo, trong thời gian sau đó, phía Pháp đã cử đoàn chuyên gia của công ty cầu nổi tiếng Freyssinet sang Hà Nội để khảo sát hiện trạng. Tuy nhiên, vì một số lý do - gồm cả việc không gặp nhau về quan điểm bảo tồn, mọi thứ vẫn còn dở dang đến bây giờ...

***

Kể chuyện cũ để nhìn sang một thực tế: Dù có rất nhiều ý tưởng đẹp, 10 năm qua, cầu Long Biên vẫn tiếp tục oằn mình đón những chuyến tàu hỏa qua lại hai bờ sông Hồng mỗi ngày. Cùng với đó, cây cầu sắt hơn trăm tuổi này vẫn tiếp tục xuống cấp theo thời gian - mà gần nhất là việc mặt đường trên cầu xuất hiện lỗ thủng rộng gần một mét vào giữa năm 2022, khiến người qua lại phải... hết hồn.

Ai cũng biết, việc tôn tạo cầu Long Biên thành một không gian văn hóa xứng tầm không phải câu chuyện của một sớm một chiều. Đơn cử, phân nửa trong số 19 nhịp cầu nguyên bản từng bị bom Mỹ phá hủy năm 1972 và phải thay bằng các dầm dã chiến. Rồi theo các chuyên gia, loại thép xây cầu vào thế kỷ 19 vốn có hàm lượng carbon thấp nên rất dễ xuống cấp trước khí hậu nhiệt đới ẩm. Trong khi đó, việc xây cây cầu đường sắt mới - để giải phóng Long Biên khỏi chức năng giao thông hiện tại - vẫn chưa thể triển khai vì rất nhiều vấn đề...

Nhưng ở hướng ngược lại, chắc chắn Hà Nội cũng không thể mãi để cầu Long Biên tiếp tục ở cảnh "dở dang" như hiện có. Và nếu coi việc tôn tạo, bảo tồn nó là vừa là nghĩa vụ của thành phố với một công trình mang đậm tính ký ức - lịch sử, vừa là cơ hội tạo dựng một biểu tượng văn hóa đặc biệt cho đô thị, rõ ràng cầu Long Biên cần sớm được "đánh thức" bằng những hành động cụ thể, dù đó có thể chỉ là bước đi đầu tiên trong một lộ trình dài.

Sự hỗ trợ từ Chính phủ Pháp là tin mừng, và có thể sẽ là một "cú hích" quan trọng trong việc bảo tồn và cải tạo cầu Long Biên. Nhưng cũng cần nói thẳng: sẽ có những việc chúng ta đủ sức làm ngay, nếu đủ quyết tâm và nhiệt huyết.

Đơn cử, nhiều năm trước, trong một đồ án giành giải "Đánh thức không gian" do báo Thể thao và Văn hóa cùng Hội đồng Anh tổ chức, đã có nhóm KTS đề xuất tái tạo những nhịp cầu Long Biên đã mất bằng những nhịp cầu "ảo" từ ánh sáng, dựa trên công nghệ và hệ thống dây thép, đèn cao áp, gương cầu... Khi đó, vào mỗi đêm, hệ thống ánh sáng này "vẽ" lên không gian một cầu Long Biên đầy đủ các nhịp, tạo thành một chỉnh thể hài hòa giữa lịch sử và hiện tại để thu hút du khách, cũng như giúp người Hà Nội nhớ về một di sản trăm tuổi đang tồn tại giữa đời thường…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm