08/04/2016 06:49 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một người vừa bị đánh chết ở Bắc Giang, do có ý định câu trộm chó. Trước khi bị đánh chết, người này đã dùng súng quân dụng K54 bắn vào dân làng. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong cốp xe người này còn một băng đạn. Tức là, kẻ trộm chó đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả những ai cản trở hành vi phạm pháp của mình.
Ở Hà Nội, những kẻ trộm chó cũng dùng dao phở, chém nhiều người bị thương. Tại TP.HCM, những tên trộm chó đã dùng súng bắn tên sắt có điện cao áp vào người dân làm 3 người tử vong.
Sau khi mất chó, bị tấn công, người dân trở thành một đám đông hung hãn. Rất nhiều trộm chó đã bị đánh đến chết, bởi một đám đông sục sôi lửa giận. Ở các làng quê Việt, trộm chó là “bản án” khủng khiếp với những thanh niên lạ mặt có tín hiệu khả nghi. Nhiều trai làng cũng vào tù, vì hành vi “giết người” (cụ thể là giết kẻ trộm chó).
Đến đây, câu chuyện như trong một mớ bòng bong, khi cái ác nối tiếp cái ác, cái sai chồng chéo cái sai. Những kẻ trộm chó muốn chiếm đoạt tài sản của người khác và sẵn sàng tấn công người bị hại. Những người dân lương thiện khi bắt được người trộm chó, với những uất ức bị dồn nén bao ngày và trong những phút “bốc hỏa” thiếu kiềm chế họ đã đánh chết người trộm chó, hay nói cách khác họ đã phạm tội giết người.
Kỳ quặc, trong những vụ việc đánh chết trộm chó, thủ phạm (những tên trộm chó) khi bị bắt và đánh lại vào vai nạn nhân. Và những nạn nhân ban đầu (người dân) khi bắt được tên trộm rồi hành hung dã man lại vào vai thủ phạm.
Trong tấn bi kịch này, không có vai chính diện! Tất cả đều là những vai phản diện sẵn sàng hạ sát đồng loại. Cái ác cứ thế lây lan như một thứ virus, trong vòng tròn lẩn quẩn đảo vai giữa thủ phạm và nạn nhân.
Trong một xã hội pháp quyền, không ai có quyền nhân danh “thay trời hành đạo”, không ai có quyền “đứng trên pháp luật”. Song, nhìn lại chuỗi dài biến cố liên quan tới nạn trộm chó, có vẻ như, người dân không thực sự thỏa mãn với sự trừng trị của luật pháp nên đã “tự xử”.
Bởi theo luật hiện hành, nếu giá trị tài sản trộm cắp từ 2 triệu trở lên hoặc cộng thêm các yếu tố: tái phạm, đang trong thời gian thi hành án, gây thương tích… thì tội phạm trộm cắp mới bị xử theo khung hình sự.
Còn, nếu định lượng tài sản (ở đây là những con chó) dưới 2 triệu và không mắc thêm tội gì, kẻ trộm chó sẽ không bị xử ở khung hình sự mà chỉ dừng lại ở dân sự. Thực tế, thời gian vừa qua, phần lớn kẻ trộm chó nếu bị bắt cũng chỉ bị phạt hành chính.
Nên, để gỡ mớ bòng bong “liên hoàn ác”, điều cần lúc này là sự nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta không thểdùng biện pháp giáo dục, truyền thông mãi khi người dân đang không tin vào tính răn đe của pháp luật. Xử phạt thật nặng tội trộm chó mới khiến người dân sống trong bầu không khí pháp quyền, sẵn sàng giao nộp tội phạm.
Không nghi ngờ, tình trạng người dân thà ngồi tù để đánh chết “thằng trộm chó” phải được hãm lại, bằng “chân phanh” của luật pháp!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất