21/01/2021 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về những cây đào rừng đang nóng lên trước Tết, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo "phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết".
Và cho dù, chỉ đạo ấy không liên quan tới các trường hợp người dân tự trồng đào rừng để kinh doanh, chúng ta vẫn phải nhìn lại cùng nhau: từ bao giờ, thú chơi đào rừng (đào chặt từ rừng tự nhiên) đã xuất hiện ở những đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội?
Bởi, như ký ức của những người lớn tuổi, tầm ba chục năm trước, những cành đào rừng nếu có tại Hà Nội thì cũng chỉ là lác đác xuất hiện theo chân những người từ vùng cao Tây Bắc trở về ăn Tết tại nhà.
Còn lại, như hầu hết các đô thị khác, người Hà Nội chỉ quen với thú chơi đào bích, đào phai hay đào thế, thay vì ào ạt đi mua những cành đào từ Tây Bắc.
Chẳng có gì lạ vì điều ấy, khi mà việc cắm những cành đào nhỏ trong gia đình vào dịp Tết đã được người Việt duy trì trong nhiều thế kỷ. Ngoài chuyện thẩm mỹ khi Xuân về, tập tục ấy còn được nhiều nhà nghiên cứu giải thích bằng việc màu đỏ của hoa đào thuộc về tính dương, sẽ tăng sự ấm áp cho căn nhà trước cái lạnh của khí hậu miền Bắc. Rộng hơn, màu đỏ ấy cũng được coi là biểu tượng cho sự sung túc thịnh vượng, thậm chí sát quỷ trừ tà.
Và cũng vì tồn tại qua hàng trăm năm như thế, việc cầu kỳ chọn một cạnh đào, rồi chọn bình, chọn góc đặt hoa... đều gắn liền với chuyện gửi gắm những ước vọng trong mùa Xuân mới của mỗi gia đình. Còn nếu muốn cầu kỳ với thú chơi đào thế, các thế đào dân gian được uốn cũng đều có những ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, thế quần tụ là biểu tượng cho cảnh con cháu sum vầy, thế bạt phong là hình ảnh vươn lên trong gió...
***
Sự xuất hiện của đào rừng thuở ban đầu là những cành đào nhỏ, mang vẻ đẹp lạ mắt và mộc mạc. Nhưng, theo thời gian, cũng giống như câu chuyện đang phần nào diễn ra ở đào phai, đào bích, những cành đào ấy đang ngày càng có xu hướng to dần. Và, chục năm vừa qua, chúng ta cũng không còn lạ với hình ảnh của những đoàn xe tải ào ạt chở các cành đào rừng khổng lồ, thậm chí là nguyên cả gốc, nối nhau đổ về Hà Nội để bán với giá vài chục hay cả trăm triệu đồng cho người có điều kiện.
Đời sống đi lên, đường xá nối tới các vùng cao tốt hơn hẳn (khiến xe tải dễ dàng về Hà Nội sau vài giờ đồng hồ) chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại, như cách nói vui của vài chuyên gia về văn hóa, đó là sự chuyển đổi từng bước từ nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp” sang thú chơi “to, độc, lạ” ở một số người.
Những cành đào khủng ấy, tất nhiên, cũng chỉ có thể giúp người ta chơi trong vòng một tháng, rồi sẽ phải vứt bỏ và trở thành gánh nặng cho người dọn rác hay những công nhân môi trường đô thị. Và xa hơn, khi cái sự “to, độc, lạ” ấy liệu có ý nghĩa gì để bổ sung cho giá trị vốn có mà những cành đào Tết mang theo mình - hay chỉ là câu chuyện về cái gọi là “đẳng cấp” của người chơi? Đó có thực sự là “đẳng cấp” không?
Nếu chỉ là một trào lưu nhất thời, đào rừng đâu cần phải to, khủng và tốn tiền đến thế!
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất