Góc nhìn 365: Quẩn quanh… bỏ Tết

05/01/2023 07:41 GMT+7 | Văn hoá

Câu chuyện "giữ Tết - bỏ Tết" vừa được một trường THPT phía Nam khơi lại trong tuần qua và ít nhiều gây sự chú ý trên các mặt báo.

Cụ thể, đề thi học kỳ lớp 10 của trường yêu cầu học sinh trình bày quan điểm về các ý kiến đề nghị nên bỏ tết ta (Tết Nguyên đán) vì "còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa" (trích lời một chuyên gia).

Không định hướng mà chỉ mang tính gợi mở để các em làm văn nghị luận, vậy nhưng bài thi ấy lại khiến chúng ta nhớ về ý tưởng "bỏ tết Ta" vẫn luôn râm ran trong cộng đồng từ hơn chục năm qua, mỗi dịp Xuân về.

Cần nhắc lại, "bỏ Tết" chỉ là cách nói tắt dễ gây hiểu lầm. Về bản chất, ý tưởng ấy gắn với việc "hoán đổi" Tết âm và Tết dương lịch. Nghĩa là, cộng đồng sẽ ăn cái Tết Nguyên đán truyền thống vào đầu năm mới theo lịch dương trong một kỳ nghỉ dài, giống như  lịch nghỉ đầu năm của hầu hết các nước trên thế giới. Còn, Tết âm sẽ được "đối xử" như Tết dương lịch hiện nay, tức là chỉ nghỉ một, hai ngày.

Góc nhìn 365: Quẩn quanh… bỏ Tết - Ảnh 1.

Bánh chưng, món bánh cổ truyền không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt

Dù có những điểm tích cực trên lý thuyết, ai cũng biết ý tưởng này không hề có tính khả thi, ít nhất là trong tương lai gần.

Bởi đơn giản, bất kể thế nào cái Tết âm lịch vẫn gắn bó một cách sâu sắc và lâu bền, không chỉ ở tâm lý của những người nông dân tại làng quê truyền thống mà còn ở cả bộ phận thị dân vốn có những mối quan hệ rất bền chặt với gốc gác của mình. Có nghĩa, với đại đa số người Việt, Tết âm mới là ngày Tết thực sự, còn  Tết dương chỉ là ngày nghỉ của những người ăn lương nhà nước.

Nhưng cũng rất thú vị, dù chưa có bất kì cơ quan chức năng nào chính thức nhắc chuyện "bỏ Tết" cuộc tranh luận về nó cứ đều đặn rộ lên mỗi năm, khi ngày Tết truyền thống tới gần. Tranh luận sôi nổi - với cả 2 phía đồng thuận và bác bỏ - rồi tự động biến mất, khi tất cả đều hân hoan trong dịp Tết về. Và lại tiếp tục dai dẳng ở những cái Tết năm sau...

***

Không khó để nhận ra, những bất cập trong việc tổ chức Tết Nguyên đán hiện nay là lý do để nhiều người nhắc tới chuyện "bỏ Tết" như một lời than về những phiền nhiễu, nề hà đang tồn tại quanh chuỗi ngày này.

Với doanh nghiệp và cơ quan, nó gắn liền với một thực tế rằng quãng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm người lao động tương đối bê trễ, cả về sự uể ải "chờ nghỉ" lẫn tâm lý xả hơi kéo dài cuộc vui sau Tết, như câu khẩu ngữ về "tháng ăn chơi" trong quá khứ.

Với các gia đình, nó gắn với vòng quay của việc mua sắm cúng bái, đối nội đối ngoại, rồi tiếp đó là chuỗi ngày chị em phụ nữ tất bật trong bếp, còn cánh đàn ông chìm trong rượu chè, chúc tụng với những buổi Tất niên lịch  dương - Tân niên lịch dương - Tất niên lịch âm - Tân niên lịch âm. Rồi sau ngày Tết, đến lượt cánh đàn ông lại sốt ruột trước những lễ hội liên tu bất tận đang cuốn hút chị em phụ nữ.

Có nghĩa, câu chuyện không nằm ở Tết Nguyên đán, mà nằm ở những bất cập về mô hình làm việc - và cả cách ứng xử của chúng ta - gắn với ngày Tết truyền thống này. Để rồi cứ mỗi dịp Tết về, ý tưởng "bỏ Tết" lại được xới lên như một cách giúp nhiều người chia sẻ bức xúc, lẫn những tâm sự riêng của bản thân.

Và một khi Tết nguyên đán không thể bỏ, thì "đáp số" cho những lời than ấy rõ ràng chỉ còn nằm ở cách chúng ta tự điều chỉnh cách làm việc, cũng như những thói quen vốn đang mang lại gam màu u ám cho chuỗi ngày truyền thống ấy.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm