20/10/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Hãy đón ngày 20/10 hôm nay bằng một câu đùa thường nói với nhau. Rằng, ở Việt Nam, phụ nữ luôn sướng nhất - khi chúng ta mỗi năm có tới hai “ngày phụ nữ”: 8/3 và 20/10.
Thực tế thì cho tới giữa thập niên 1990, khái niệm về ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 vẫn chưa phát triển mạnh trong cộng đồng. Trong cách tiếp nhận của chúng ta khi ấy, đây vẫn chỉ là một ngày kỉ niệm gắn với các cơ quan của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - còn ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mới có tính đại chúng và in dấu ấn trong đời sống thường nhật.
Nhưng từ những năm 2000, khi xã hội phát triển hơn, sự quan tâm của cộng đồng tới ngày 20/10 cũng dần thay đổi.
Ở đó, bên cạnh nhu cầu quan tâm - và được quan tâm - gắn liền với phái yếu trong đời sống thường nhật, chúng ta còn thấy được dấu ấn của xu thế tôn vinh những giá trị truyền thống, khi mà khái niệm “phụ nữ Việt Nam” được sử dụng với nội hàm bao quát toàn bộ nữ giới trong lịch sử Việt Nam cho tới giờ.
Để rồi, từng bước, ngày Phụ nữ Việt Nam được đón nhận trong đời sống với những món quà tặng bạn gái của người trẻ, những bó hoa trong gia đình của các đức ông chồng - và tất nhiên, không thể thiếu những bữa liên hoan hay kì nghỉ ở nơi công sở. Và như mọi ngày lễ đang có, cách tiếp cận ngày 20/10 ấy theo mỗi năm lại đa dạng và nhiều sắc màu hơn - khi nó còn gắn cả với sự phát triển thương mại và dịch vụ mang màu sắc tiêu dùng.
Bây giờ, cũng chẳng sai, nếu nói rằng bên cạnh ngày 8/3, chúng ta đã dần có thêm một ngày 20/10 với sự hào hứng không thua kém.
Một ngày gắn với xu thế tiến bộ và tôn trọng nữ quyền của nhân loại, một ngày Phụ nữ Việt Nam hướng về vai trò của tất cả phụ nữ trong dòng chảy lịch sử Việt Nam - đó là hai ngày lễ có nhiều nét chung nhưng vẫn xứng đáng để tồn tại độc lập với những gam màu riêng của mình.
Và, với quan điểm hiện đại trong giai đoạn hội nhập, cũng chẳng có gì sai khi trong cả 2 ngày này, rất nhiều người vẫn nói tới sự cần thiết của những phụ nữ hiện đại với học vấn và bản lĩnh, với tâm niệm phải sống vì mình và cho mình, phải biết yêu thương bản thân trước khi chờ đợi sự yêu thương từ người khác hoặc chấp nhận hi sinh vì bất cứ ai.
Dù vậy, cũng hãy nhìn lại quá khứ để thấy rằng: Do hoàn cảnh và điều kiện sống, việc “hi sinh” cho chồng con và gia đình đã gần như trở thành một bản năng của người phụ nữ Việt Nam, trong từng giai đoạn hoặc cả cuộc đời. Hiểu điều ấy không phải để khuyến khích sự hi sinh - mà đơn giản để có thêm sự yêu thương, sẻ chia với một phần gánh nặng mà những người vợ, người mẹ, người chị đã mang theo trong cuộc sống.
Không đâu xa, vài ngày trước dịp 20/10 năm nay, chúng ta vừa chứng kiến sự ra đi của Nguyên Thảo, một nữ sinh lớp 11 tại Đà Nẵng, trong trận mưa lũ tối 14/10. Lội nước dắt 2 em đi tránh lụt, rồi quay lại đặt nốt cậu em trai lên mảnh ván gỗ để được an toàn, Thảo bị nước cuốn trôi sau khi làm tròn bổn phận của một người chị cả trong gia đình.
Muốn hay không, trong “ngày phụ nữ”, vẫn phải nghĩ và ngậm ngùi vì những hi sinh như thế.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất