19/10/2021 06:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc trà dư tửu hậu, bạn tôi bỗng buột miệng: “Trẻ con ở mình thật thiệt thòi. Chúng chỉ có mỗi ngày 1/6, còn mẹ chúng có tới 2 ngày, 8/3 và 20/10”.
Câu tưởng như đùa bâng quơ ấy hoá ra nói lên một phần sự thật: trong đất nước của những người rất thích kỉ niệm và đặc biệt yêu phái đẹp, chúng ta dễ chú ý tới những ngày 8/3 và 20/10 hơn. Ngày 1/6 trở nên lọt thỏm giữa hai ngày ấy, và từ lâu nó trở thành ngày để các cơ quan, các tổ dân phố tổ chức ca hát, tặng quà - thậm chí là quà “to” cho các học sinh giỏi. Còn những phụ huynh chúng ta, trong dịp ấy cũng thường chỉ nghĩ tới việc cho con đi chơi, hoặc mua quà cho chúng.
Và khi ngày 1/6 ở không ít nơi đã trở thành một cái lễ mang nhiều tính hình thức, có ai nghĩ riêng đến các trẻ em gái? Hẳn bạn sẽ bảo, trẻ em gái có thể được tính vào ngày 1/6 được rồi. Nhưng, hãy nhớ, các trẻ em gái của chúng ta đang ở trong một xã hội vẫn còn rơi rớt những tư tưởng lạc hậu của Á Đông, và phần nào vẫn là đối tượng thiệt thòi hơn so với các em trai.
Cũng cần nhớ, từ năm 2011, Liên hợp quốc đã lấy ngày 11/10 hàng năm là để nhắc nhở thế giới về các quyền của trẻ em gái và những thách thức mà các em đang phải đối mặt mỗi ngày, nhất là trẻ em gái ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Và mục đích của ngày này là nâng cao nhận thức của xã hội để cung cấp cho trẻ em gái các cơ hội được tiếp cận giáo dục và y tế, được bảo vệ chống lại bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên giới tính, cũng như được bảo vệ khỏi việc hôn nhân cưỡng ép ở tuổi thiếu niên.
Đáng tiếc, ít người ở Việt Nam nhắc đến ngày của các bé gái. Và dư luận cũng như các hoạt động kinh doanh tiếp thị cũng thường hướng đến cái dịp tặng quà phụ nữ trong 9 ngày sau đó.
Đấy là một sự thiếu sót và bất công. Ở một số gia đình, trẻ em gái dễ bị phân biệt đối xử từ khi bố mẹ mới lấy nhau, còn chưa ra đời, khi ông bà và thậm chí chính những đôi vợ chồng mới kết hôn ấy vẫn muốn ưu tiên đẻ con trai để theo những quan niệm rất lỗi thời. Và, cũng không ít trẻ em gái khi lớn lên cũng bị phân biệt đối xử vì giới tính, giống như cha mẹ chúng cũng từng bị phân biệt vì không có một “cậu ấm”.
Nếu không tin, bạn hay quan sát trong cuộc đời thật và thử đếm những lần nghe thấy câu đùa theo kiểu “ôi vịt giời à”, “không biết đẻ à”, “thế sau này ai chống gậy cho”... Những câu tưởng là đùa, nói cho vui mồm vui miệng - thực ra là rất độc địa - vẫn có trong đời sống hàng ngày. Một khi người ta còn nghĩ và nói được những câu đó, nghĩa là họ vẫn coi thường phụ nữ.
***
Sự phân biệt giới tính đối với các bé gái là một trong những lý do khiến Việt Nam rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh trung bình ở Việt Nam là 111 bé trai so với 100 bé gái. Tư duy đẻ con trai đã khiến số lượng nữ có thể ít hơn nam từ 2,5 đến 4 triệu người trong khoảng thời gian 30 năm nữa. Nhưng đáng tiếc là trong dịp khả dĩ nhất để có thể nói về những câu chuyện đáng buồn này trong năm, để đề cập đến những vấn đề mà người phái nữ nói chung và các trẻ em gái nói riêng đang đối mặt, người ta chỉ nghĩ đến mỗi việc tặng và nhận quà.
Trẻ em gái chưa phải là phụ nữ theo cách nghĩ chung. Và cũng ít khi, chúng ta tặng hoa hay quà cho các em gái trong ngày 20/10 hay ngày Quốc tế phụ nữ. Để rồi, dù đã có ngày 1/6 rồi, vàcó hô hào quan tâm đến trẻ em đến mấy, cuộc sống vẫn có không ít những bé gái vốn vẫn rất thiệt thòi - nhất là các em gái ở các vùng sâu vùng xa, các địa phương nghèo - hay những em gái nghèo đã phải lên thành thị lao động và luôn đứng trước các nguy cơ bị xâm hại, những cạm bẫy.
Vậy, nếu chưa chú ý tới riêng một ngày 11/10 như Liên hợp quốc đã đưa ra, trong ngày 20/10 này, chúng ta có thể nói nhiều hơn nữa đến các em gái và những vấn đề mà các em đang đối mặt có được không - thay vì chỉ tặng hoa và nói những lời có cánh cho những người phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành?
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất