10/04/2025 06:45 GMT+7 | Văn hoá
Những lùm xùm liên quan tới kẹo rau củ Kera vài ngày qua dường như khiến nhiều người ít quan tâm tới một vụ việc khác: Vụ xử phạt một du khách đăng clip gây phẫn nộ khi tới thăm quan khu di tích Nhà công tử Bạc Liêu.
Còn với riêng tôi, đây lại là một câu chuyện không nhỏ.
Vắn tắt, trong một clip trên mạng xã hội trước đó, du khách này cho rằng: "Đừng bao giờ ghé Nhà công tử Bạc Liêu vì chả có gì thu hút ngoài giá vé cao ngất 45k/1 người". Và người này còn đưa ra một sự so sánh mang tính xúc phạm: "các bạn đi sở thú, xem thú sẽ hấp dẫn hơn".
Không lạ, khi nhiều người bức xúc trước sự so sánh trước hết là thiếu khách quan và khập khiễng này. Bởi lẽ, nhà Công tử Bạc Liêu không phải là một khu vui chơi giải trí, mà là một địa danh có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, gắn liền với một giai đoạn của vùng đất Nam Bộ.
Nhà Công tử Bạc Liêu tại TP.Bạc Liêu. Ảnh: An Minh/vnexpress.net
Để rồi, vài ngày trước, các cơ quan chức năng đã xử phạt du khách này 7,5 triệu đồng về hành vi "sử dụng mạng xã hội cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức".
***
Chúng ta đang trong mùa du lịch, các lễ hội vẫn diễn ra sôi động ở nhiều địa phương trên cả nước. Riêng với cá nhân tôi, từ đầu năm đến nay cũng đã tham quan ba, bốn điểm di tích lịch sử - mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc và bài học quý giá về lịch sử, địa lý.
Tôi từng tới khu di tích Nhà công tử Bạc Liêu - công trình gắn với lối sống thượng lưu của giới giàu có Nam Bộ xưa. Đến đây, điều quan trọng không phải là sự "hấp dẫn" theo nghĩa giải trí, mà là cơ hội để chạm vào những câu chuyện, những giá trị lịch sử mà nơi này lưu giữ. Những hiện vật, kiến trúc và câu chuyện được kể lại ở đây cho ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ XX.
Giá vé tham quan là một con số cụ thể, nhưng giá trị văn hóa và bài học lịch sử mà bạn nhận được lại không thể đong đếm bằng tiền. Đánh giá một di tích không nên chỉ dừng lại ở cảm giác "vui" hay "buồn" mà cần nhìn nhận nó dưới góc độ giá trị tinh thần và lịch sử.
Trước mỗi chuyến đi, tôi thường dành thời gian tìm hiểu trước về nơi mình sắp đến: Xem qua các tài liệu lịch sử, tìm hiểu về các sự kiện gắn liền với địa danh đó. Khi đặt chân đến nơi, việc đối chiếu giữa những gì đã đọc và thực tế sẽ giúp ta cảm nhận rõ ràng và sâu sắc hơn về giá trị của điểm đến.
Giống như lần đầu vào thăm địa đạo Củ Chi. Khi nhìn thấy lối vào nhỏ hẹp, tôi tự hỏi: "Người ta làm sao có thể sống và chiến đấu dưới đó?" Nhưng khi được hướng dẫn viên giải thích, rồi tự mình chui xuống trải nghiệm, tôi mới cảm nhận được sự kiên cường, sáng tạo của đồng bào và chiến sĩ ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc tìm hiểu trước không chỉ giúp ta hiểu hơn về địa danh, mà còn giúp ta có cái nhìn công bằng và sâu sắc hơn thay vì sự hời hợt. Và nữa, khi đánh giá một công trình gắn với lịch sử hay văn hóa, ta không nên chỉ dừng lại ở cảm giác cá nhân.
Chẳng hạn, đến một bảo tàng, có thể bạn không thấy "vui" theo nghĩa giải trí, nhưng bạn sẽ cảm nhận được chiều sâu văn hóa, lịch sử mà nơi đó mang lại.
Và xét cho cùng, khi đi du lịch, điều quan trọng không phải là bạn cảm thấy vui hay buồn, mà là bạn học được gì, hiểu thêm điều gì về vùng đất và con người nơi đó. Giống như câu"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", không gì có thể thay thế được trải nghiệm thực tế. Những câu chuyện được nghe, những bức ảnh được thấy hay những hiện vật được chạm vào sẽ khiến ta có thêm nhiều suy ngẫm và trân trọng hơn những giá trị của quá khứ.
Không phải di tích nào cũng mang lại cảm giác "thích thú" ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng giá trị lịch sử, văn hóa mà nó chứa đựng là thứ không dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Du lịch không chỉ là để thư giãn, mà còn là để trưởng thành, để mở mang tầm mắt và làm giàu thêm vốn hiểu biết của chính mình. Đừng lãng phí những chuyến đi bởi sự hời hợt và lười biếng từ trong tâm hồn bạn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất