10/05/2022 06:53 GMT+7 | Văn hoá
Và như chia sẻ từ phía quản lý, trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, lượng người tới tham quan trong 3 đêm tổ chức tour (vào các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần) là khá tích cực, với con số tổng cộng xấp xỉ 400 lượt khách.
Trong “cơn khát” du khách sau 2 năm dịch bệnh, phải chăng những gì đang diễn ra là tín hiệu tích cực cho việc khai thác di sản về đêm - điều chúng ta từng mong mỏi?
Thực chất, tour du lịch dài 90 phút này từng được triển khai vào năm 2021 nhưng phải tạm hoãn vì bệnh dịch. Để rồi, khi tái khởi động, "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đã mang lại một trải nghiệm mới cho du khách.
Ở đó, dưới các thiết bị đèn đặc biệt và hệ thống ánh sáng để tái hiện lại một số hiện vật tiêu biểu hoặc hình ảnh tư liệu, du khách lần lượt được khám phá không gian của Hoàng thành từ dấu tích còn sót lại như Đoan Môn, Hậu Lâu, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu… Kèm theo hành trình ấy là sự góp mặt của những cung nữ, lính cấm vệ trong trang phục xưa, là việc thưởng thức trà sen, mứt sen cung đình, là lễ dâng hương tại nền điện Kính Thiên và chương trình đố vui “giải mã” những kiến thức về Hoàng thành để nhận phần quà lưu niệm.
Như chia sẻ từ phía quản lý Hoàng thành Thăng Long, tour tham quan này được thiết kế dựa trên sự liên kết cùng một công ty du lịch và đã lên kế hoạch duy trì dài hơi trong các tối cuối tuần sắp tới. Thậm chí, giai đoạn trước mắt vẫn là thời điểm tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đang áp dụng mức vé ưu đãi để thu hút du khách. Như thế, đây là một chương trình được đầu tư nghiêm túc và nhiều kỳ vọng.
***
Sự nghiêm túc, cũng như cách bắt tay giữa di sản và các công ty du lịch, của chương trình khiến người ta không khỏi nhớ tới một thực tế: Theo khảo sát của các chuyên gia quốc tế, Hoàng thành Thăng Long đủ sức đón một lượng khách du lịch vào khoảng 2,4 triệu người/năm. Trong khi đó, cho tới năm 2019 - thời điểm trước đại dịch - lượng khách tới đây mới chỉ chạm tới khoảng 20% con số trên.
Nó cũng giống với một thông số khác được đưa ra cùng năm: Chỉ tính riêng Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô trước đại dịch đã đón khoảng 29 triệu lượt du khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng ngược lại, thành phố cũng đang có 10 triệu người dân sinh sống và khách nước ngoài lưu trú dài hạn. Nếu mỗi năm vài lần, lượng du khách tới Hà Nội cùng cư dân tại chỗ có nhu cầu tham quan và vui chơi vào ban đêm, nguồn lợi thu về sẽ là vô cùng lớn.
Có nghĩa, những di sản mà các đô thị đang sở hữu hoàn toàn có thể trở thành hạt nhân để phát triển nền kinh tế đêm - cụm từ đang được nhắc tới trong thời gian gần đây. Đó không chỉ là câu chuyện tăng thêm nguồn thu trong di tích, mà xa hơn, còn là cơ hội tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù và có thương hiệu riêng trong du lịch.
Bởi, như phân tích của nhiều chuyên gia, với đặc thù của không gian đêm, sản phẩm du lịch tại các di tích, di sản kiến trúc có lợi thế lớn về cảm giác tĩnh mịch, không xô bồ và nâng cao tính thiêng liêng ở những nơi gắn với tín ngưỡng hoặc có chiều sâu về lịch sử. Cộng với những điểm nhấn tạo ra từ ánh sáng, âm nhạc hoặc nghệ thuật sắp đặt trình diễn, du khách có cơ hội lớn để ghi lại những hình ảnh đặc biệt, cũng như có những trải nghiệm ấn tượng cho mình.
Thực tế, trước Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội cũng đã từng có tour du lịch “Đêm thiêng liêng” tại di tích nhà tù Hỏa Lò. Rồi, quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang ấp ủ tổ chức tour du lịch khám phá di sản về đêm kết hợp với phố đi bộ tại Hồ Văn và không gian liền kề. Chắc chắn, mọi thứ sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện - khi những tour khám phá di sản về đêm đòi hỏi rất nhiều yếu tố đặc thù về cách tiếp cận. Nhưng, đó cũng là những tín hiệu vui về một đời sống khác của di sản sau... giờ hành chính.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất