22/04/2025 06:07 GMT+7 | Văn hoá
Câu chuyện đặt tên phường trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính đang trở thành một chủ đề thời sự nóng. Và những ngày qua, ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm (trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 17/4) đã được chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng.
"Vừa qua, các phường của TP.HCM đặt tên rất hay" - người đứng đầu Đảng ta đưa ra đánh giá. Ông lấy ví dụ về việc thành phố này sẽ có thêm những tên phường như An Đông, Chợ Lớn - trong khi những cái tên trước đây gắn với số thứ tự.
Nhìn vào thực tế, quận 5 của TP.HCM trước đây gồm 10 phường có tên được đánh số (không liên tục) từ 1 - 14. Hiện, khi sắp xếp đơn vị hành chính, khu vực này dự kiến sẽ có 3 phường mang tên Chợ Lớn, Chợ Quán, An Đông.
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tương lai là phường Sài Gòn. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Cách đặt tên này dự kiến cũng được áp dụng với một số quận khác tại TP.HCM - vốn cũng "thuần" có tên các phường bằng chữ số - như các quận 4, 6, 7 hoặc Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình...
Cách đặt tên theo số có nhược điểm gây khó khăn trong nhận diện của nhân dân. Ngược lại, nói tới những địa danh được chọn đặt tên mới, cộng đồng có thể hình dung dễ dàng.
***
Ở một chừng mực, việc đặt tên phường bằng những con số tại TP.HCM (cũng như một số đô thị khác) là câu chuyện tồn tại từ một giai đoạn cũ. Dù giản tiện nhưng theo thời gian, cách làm này dần cho thấy chút hạn chế về sự "khô khan", thiếu gắn kết văn hóa với cư dân.
Bởi tên riêng của một phường không chỉ là cách định danh về hành chính. Một mặt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, những cái tên ấy cũng chính là lời chào với người lạ, là "lớp vỏ" đầu tiên của một đô thị. Chúng giúp gợi ra những khám phá, tìm hiểu và trân trọng, hơn hẳn những con số khô khan. Còn với người dân bản địa, đó lại là biểu tượng của ký ức - và của cách cộng đồng tự định vị mình giữa một thành phố lớn đang chuyển động từng ngày. Khi nhìn thấy "An Đông" hay "Chợ Lớn" trên bản đồ, mỗi người dân có cảm giác mình vẫn thuộc về nơi này, với một phần truyền thống.
Có nghĩa, xa hơn cảm xúc hay thói quen, việc đặt tên sau sáp nhập là câu chuyện của việc giữ gìn bản sắc trong bối cảnh đô thị hóa và hiện đại hóa.
Ở đó, việc chọn những tên phường gắn với số đếm - thậm chí là... na ná nhau - nên được hạn chế hoặc loại bỏ, để mỗi đô thị không trở thành tập hợp của những danh xưng hoặc khô khan, hoặc giống như một sa bàn kỹ thuật khổng lồ.
Ngược lại, việc nghiên cứu chọn tên phường dựa trên những yếu tố về lịch sử, địa chí, thói quen... lại là cơ hội để mỗi đô thị thực hiện một "cuộc khai quật văn hóa mềm" từ chiều sâu sẵn có của mình, khi mỗi cái tên sẽ là một sợi dây gắn kết cư dân hôm nay với quá khứ, truyền thống.
***
Từ sự ghi nhận của Tổng Bí thư, có thể thấy TP.HCM đã có một bước đi đúng: Thay đổi mà không đoạn tuyệt, cải cách mà vẫn giữ ký ức.
Chỉ bằng việc chọn tên gọi thân quen cho các phường sáp nhập, đô thị lớn nhất phía Nam đã làm được điều mà chúng ta luôn mong đợi: Tạo sự đồng thuận, yên tâm và gắn bó từ người dân, với những bước chuyển nhẹ nhàng về địa danh trong tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Và xa hơn thế, sự ghi nhận ấy cũng mở ra một tư duy dài hạn: Đô thị cần được xây dựng không chỉ trên hạ tầng cơ học mà cả trên nền tảng văn hóa. Trên nền tảng ấy, tên gọi được lựa chọn của mỗi địa phương sẽ chính là biểu tượng của sự gắn kết bền chặt giữa chính quyền và cộng đồng.
Bởi đôi khi, để bắt đầu cho những thay đổi lớn, điều quan trọng nhất lại là sự lắng nghe và tin tưởng!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất