29/12/2020 07:19 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những phản biện về tòa nhà Panorama tại đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) lại hâm nóng dư luận trong tuần qua, như cách mà nó từng diễn ra hơn một năm trước. Gần nhất, Bộ VH,TT&DL cũng đã có văn bản yêu cầu ngành văn hóa Hà Giang cung cấp rõ các thông tin liên quan tới việc cải tạo công trình này.
Cần nhắc lại, ở thời điểm tháng 10/2019, sự xuất hiện của tòa nhà 7 tầng đồ sộ và thô kệch này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và gọi nó là “cái mụn ghẻ” đang phá vỡ cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại Mã Pì Lèng. Để rồi, với sự vào cuộc của ngành văn hóa, công trình ấy được yêu cầu cải tạo lại và không có chức năng lưu trú.
Còn bây giờ, như những bức ảnh được một số người chụp tại chỗ, quả thật tòa nhà Panorama này dù đang trong quá trình cải tạo nhưng cũng không bớt đi nhiều sự thô kệch từng có. Ở đó, chưa có gì tạo sự liên tưởng với những yêu cầu từng được nhắc tới trong phương án cải tạo như phủ xanh, sử dụng các vật liệu và họa tiết địa phương. Thậm chí, như nhiều ý kiến, tòa nhà này lại còn có vẻ đồ sộ và hoành tráng hơn so với trước.
Và, khi kết luận về sự đúng/sai trong khâu cải tạo này còn chưa có, rõ ràng tòa nhà Panorama này vẫn tiếp tục hứng chịu sự bức xúc của cộng đồng - vốn đã sẵn thiếu cảm tình với việc tòa nhà này được phép tồn tại thay vì đập bỏ.
Thực tế, ai cũng biết, việc cải tạo lại một tòa nhà bê tông được xây kiên cố chỉ là giải pháp tình thế. Nó không thể thay thế cho một bản thiết kế đã được lựa chọn cẩn thận theo những tiêu chí đặc thù để ăn nhập với cảnh quan tự nhiên, mang đậm màu sắc văn hóa bản địa và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Cũng như, một nhà 7 tầng được xây làm khách sạn lưu trú rồi miễn cưỡng cắt bỏ chức năng này cũng không thể thay thế cho một bản quy hoạch hợp lý, với những điểm ngắm cảnh, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng... được chuẩn bị chu đáo để phục vụ cộng đồng và chỉ giữ một phần khiêm tốn làm “của riêng” để phục vụ du khách ở phân khúc cao.
Như phân tích của các chuyên gia du lịch, nếu có hướng tiếp cận hợp lý, sự đầu tư cho một điểm dừng ngắm cảnh như thế - vốn phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới - hoàn toàn có thể “đánh thức” cả một vùng không gian đang heo hút và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Bởi, đó là cơ hội để cung cấp dịch vụ và cơ sở lưu trú, miễn là chúng ở những điểm cận kề và được quy hoạch để phù hợp với cảnh quan chung mà không phá vỡ vẻ đẹp thiên nhiên.
Thực tế, ở thời điểm du lịch sinh thái và du lịch địa chất đang bắt đầu phát triển mạnh, chính quyền địa phương tại những nơi sở hữu cảnh thiên nhiên độc đáo và hoang sơ như Mã Pì Lèng rất cần được hỗ trợ bằng những bản quy hoạch cụ thể, kèm theo hướng dẫn về mô hình xây dựng điểm nghỉ chân, công trình nghỉ dưỡng. Trên cơ sở của bản quy hoạch ấy, ngành quản lý mới có thể thu hút đầu tư và khuyến khích người dân tham gia làm du lịch.
Câu chuyện tưởng cũ, nhưng sẽ luôn còn giá trị, khi mà bên những địa điểm tại Hà Giang và Cao Bằng, chúng ta vừa có thêm một Đắk Nông được UNESCO ghi danh vào hệ thống công viên địa chất toàn cầu. Trong khi, cảnh dùng dằng của một tòa nhà Panorama như hiện tại vẫn khiến chúng ta lo ngại về những “chiếc mụn” cắm sâu vào cảnh quan thiên nhiên, bất chấp rất nhiều bức xúc và phẫn nộ trong xã hội.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất