17/08/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - "Con bé rưng rưng nước mắt, bảo ba đứng ra ngoài sáng và lâu hơn để con nhìn ba được không?" - lời kể của người mẹ đã khiến rất nhiều độc giả nghẹn ngào khi nhìn vào một bức ảnh đang được liên tục chia sẻ trong tuần qua.
Ở bức ảnh ấy, một cô bé 8 tuổi ngồi tại ban công, xa phía trước là người cha trong sắc phục công an đang đứng nhìn vào. Và chúng ta không khó để hiểu câu chuyện vừa diễn ra ở tỉnh Bến Tre: Làm nhiệm vụ trên tuyến đầu, người bố trong bức ảnh đã xa con hơn 1 tháng. Trên đường công tác, ghé qua ít phút, anh phải tuân thủ “5K” nên chỉ có thể nhìn con và nói chuyện từ xa.
Câu chuyện ấy hẳn khiến nhiều người nhớ về một bức ảnh cũng từng được chia sẻ hàng ngàn lượt trong tháng trước.
Cũng là một cô bé đứng nhìn cha - chỉ khác, nó diễn ra ở phía Bắc, tại thành phố Vinh (Nghệ An), và người cha là một nhân viên lái xe cấp cứu tại bệnh viện. Vắng nhà cả tháng vì những ca trực liên tục, người cha ấy còn muốn giữ an toàn cho con nên chỉ có cách nhấn một hồi còi dài nếu đi ngang nhà. Để rồi, ở tuổi lên 5, cô bé ấy đã có thói quen ra cửa sổ, mong nhìn cha mỗi khi nghe tiếng còi cấp cứu...
Nếu kể thêm, chúng ta sẽ còn vô vàn những câu chuyện khác trong những tháng ngày qua, những câu chuyện giản dị nhưng luôn khiến độc giả rưng rưng trước tình cảm mà nhiều gia đình dành cho người chồng, người cha đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch.
***
Cộng đồng đã và đang trân trọng những hy sinh ấy. Nhưng ở đây, người viết muốn nhìn thêm câu chuyện ở một hướng khác: Trong những ngày này, tình cảm và sự gắn bó với gia đình cũng chính là một điểm tựa quan trọng cho mỗi cá nhân trong mùa dịch.
Thực tế, ở một quốc gia phương Đông như Việt Nam, gia đình vẫn luôn được coi là "đơn nguyên" cơ bản nhất trong xã hội. Và, cách ứng xử trong từng đơn nguyên ấy đã hình thành nên những giá trị truyền thống về lòng yêu thương, sự thủy chung, đức hy sinh hay sự tôn trọng, hiếu lễ... rồi từ đó tạo ra những hệ giá trị bền vững cho cả xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Cũng đã có thời điểm, sự phát triển quá nhanh của xã hội hiện đại khiến những đơn nguyên gia đình ấy phần nào xáo trộn, khi chúng ta tiếp nhận và bị thu hút bởi vô vàn hệ giá trị mới. Để rồi, trong nhiều cảnh ngộ đặc biệt, khi những hệ giá trị ấy không còn đủ xác tín, gia đình lại vẫn là lựa chọn bền vững và khả thi nhất, để mỗi chúng ta tìm thấy chỗ dựa tinh thần cho mình.
Giống như trong mùa dịch này, chúng ta đang nhận ra: Sức khỏe của những người trong gia đình mới là điều vô giá nếu so với những thứ có thể định lượng được về danh vọng, tiền tài. Rồi, khi nhịp điệu vận hành của xã hội đang ít nhiều đảo lộn, rõ ràng những phút được sống cạnh người thân lại trở nên quan trọng và đáng được nâng niu hơn bao giờ hết.
Có thể, những ngày trước, vòng quay gấp gáp của cuộc sống đã khiến chúng ta phần nào xao lãng những giá trị này, hoặc đơn giản hơn, chưa thể dành cho nó sự quan tâm như mong muốn. Còn bây giờ, khi bình tĩnh để trân trọng những giá trị cốt lõi của gia đình, hẳn sợi dây gắn kết yêu thương trong mùa dịch sẽ được bền vững hơn, khi mà chúng ta biết thông cảm, có trách nhiệm và chia sẻ cùng nhau trước mọi gánh nặng trong mùa dịch.
Và cũng đừng lạ, nếu trong mùa dịch, chúng ta có thể dễ dàng hơn để nói với nhau những lời yêu thương và trách nhiệm. Nếu chưa tin, bạn hãy xem bức ảnh từ Facebook của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, vốn cũng đang được nhiều độc giả chia sẻ và cùng nhau “giải mã” trong tuần qua.
Đó là bức ảnh chụp lại mấy dòng chữ viết tay run rẩy, đứt đoạn của một cụ ông gửi cho vợ mình, khi mà họ đều ngoài 70 và đều vừa qua cơn nguy kịch sau một thời gian dài thở máy: “71 năm/ người yêu em. 71 năm. 2 đứa lấy nhau chẳng dễ gì. Nay ai còn ai mất thì người ở lại phải có trách nhiệm với các con. Em ơi, cố lên nhé!”.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất