Góc nhìn 365: 'Di sản' bất đắc dĩ

06/07/2023 11:03 GMT+7 | Văn hoá

Phá "chuồng cọp" giải cứu 3 người trong đám cháy - đó là những gì đang được nhắc tới tại vụ hỏa hoạn vừa xảy ra ở TP.HCM cách đây 2 ngày.

Chuồng cọp ấy tất nhiên không nằm trong vườn thú, và cũng chưa hề xuất hiện trong bất cứ từ điển kiến trúc nào. Nhưng, nó lại vô cùng quen thuộc với người dân tại các đô thị, dưới hình dạng của những lồng sắt gắn cố định vào các khoảng không ở logia, ban công hay bất cứ không gian mở nào tiếp xúc với bên ngoài.

Mang cái tên dân dã, về bản chất, chuồng cọp cũng là một sản phẩm tự phát - khi các gia đình tìm cách thích ứng với điều kiện sinh hoạt còn hạn chế.

Như thống kê vui của người trong nghề, "lược sử" của loại sản phẩm ấy có thể chia làm 3 giai đoạn chính. Thoạt đầu, vào thập niên 1980, chuồng cọp xuất hiện ở những căn hộ tập thể cũ có diện tích khiêm tốn. Chỉ nhô ra ngoài ban công khoảng nửa mét, khoảng không gian mà nó mang về đã lập tức mở rộng công năng của căn hộ - khi tùy điều kiện, các gia đình có thể dùng phần cơi nơi ấy làm nhà kho, đặt chậu cây cảnh, nuôi gà, hay nơi nấu bếp.

Góc nhìn 365: 'Di sản' bất đắc dĩ - Ảnh 1.

Nhiều gia đình làm "chuồng cọp" bằng lưới sắt hoặc khung sắt kiên cố. Nguồn: Internet

Hơn chục năm sau, với độ "liều" của gia chủ, nhiều nhà đã liều lĩnh phá hẳn lan can, làm lồng sắt kéo dài từ sàn và lao hẳn ra vài mét không gian phía ngoài. Ở thế hệ chuồng cọp thứ 2 ấy, không gian chuồng cọp ít khi để thoáng mà thường được quây kín bằng cót ép, ván, nhôm kính…

Rồi, tới những năm 2000 đổ về sau, chuồng cọp xuất hiện ở cả những khu chung cư mới lẫn nhiều nhà riêng trong đô thị. Cuộc sống thay đổi, việc cơi nới mở rộng diện tích của cộng đồng không cấp thiết như trước, vậy nhưng loại sản phẩm này lại đáp ứng rất tốt một nhu cầu mới phát sinh: Vừa ngăn ngừa kẻ gian đột nhập, vừa giữ an toàn cho trẻ em (hoặc người già) khi tiếp xúc với những không gian mở trong nhà.

***

Đến giờ, ở mỗi đô thị, cả 3 "thế hệ" chuồng cọp ấy đều vẫn còn tồn tại. Và gắn với nó là câu chuyện về các vụ hỏa hoạn, khi những lồng sắt kiên cố lại thành rào cản khóa chặt chủ nhà khi cần thoát hiểm qua phía ban công.

Ở vụ cháy vừa qua tại TP. HCM, phía hàng xóm đã phải rất vất vả để phá tung chuồng cọp, giúp người trong nhà thoát khỏi biển lửa đang loang rộng sau lưng. Với những gì được kể lại, những người hàng xóm ấy tình cờ có sẵn cưa sắt chạy điện và xà beng trong tay để phá lồng sắt. Nhưng chúng ta cũng từng chứng kiến khá nhiều thảm kịch, khi sự may mắn không dễ gặp như thế.

Ai cũng hiểu, chuồng cọp nên được xóa bỏ, cả ở góc độ thẩm mỹ lẫn sự an toàn trong phòng chống cháy nổ. Hoặc ở mức thấp hơn, các lồng sắt ấy cũng nên được trổ bản lề làm cửa thoát hiểm hoặc cải tạo theo hướng thông thoáng, dễ tiếp cận hơn với bên ngoài như nhiều chuyên gia từng chỉ rõ.

Nhưng, khi thứ "di sản" bất đắc dĩ ấy gắn với cả một giai đoạn chưa xa của xã hội, mọi việc sẽ cần thêm thời gian. Nó chỉ có thể dần biến mất hẳn, khi cả cộng đồng cùng tiến thêm vài bước, cả về điều kiện kinh tế cũng như cách nghĩ.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm