25/04/2023 07:44 GMT+7 | Văn hoá
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 đã qua, những hoạt động hưởng ứng diễn ra khắp ba miền cũng khép lại. Đời sống của sách vẫn tiếp tục, các độc giả vẫn chờ đón những cuốn sách mới, vẫn chờ đợi những hội sách để tìm cuốn sách của mình.
Bởi suy cho cùng, việc đọc, học hỏi là việc cả đời, và có những cuốn sách dài hơn cả một đời người, bao năm nghiền ngẫm cũng vẫn thấy có điều mới mẻ, thích thú. Đó là niềm vui của sự đọc, sự học.
Nhưng một ngày sách nhắc nhở rằng theo cách nào đó, sự đọc vẫn được quan tâm, vẫn cần được lan tỏa, khuyến khích. Nhìn những độc giả bất chấp cái nóng thiêu đốt của để tìm mua sách, có thể thấy đọc sách vẫn còn là hoạt động ưa chuộng trong đời sống tinh thần của nhiều người, kể cả những người trẻ đang sống trong môi trường bị chi phối bởi công nghệ và những hoạt động giải trí khác.
Có một thực tế dễ nhận thấy, dù số lượng đầu sách tăng cao, dù nhiều đơn vị làm sách mới ra đời, nhưng số lượng bản in trung bình trên mỗi đầu sách đang giảm, và có thể sẽ còn tiếp tục giảm. Việc giảm số lượng bản in đến từ áp lực phát hành của mỗi đầu sách. Không hiếm những cuốn sách hay, thậm chí có thể xem là kinh điển ngậm ngùi chịu cảnh hẩm hiu xếp trên quầy giảm giá từ ngày sách năm này sang ngày sách năm khác, và không chỉ trong ngày sách.
Câu hỏi "người Việt Nam đọc bao nhiêu quyển sách 1 năm" đã có con số thống kê. Bây giờ ta nên đặt vấn đề người Việt đang đọc gì, sự chênh lệch giữa sự đọc của các vùng miền như thế nào, tại sao có sự chênh lệch này, cách nào để cải thiện…?
Đọc - dẫu sao vẫn là một thói quen tự giác mà không dễ gây dựng được chỉ bằng vài ngày hội, vài buổi nói chuyện hay những lời khuyến khích. Thói quen đó đáng lẽ có thể xây dựng ngay từ trên ghế nhà trường. Ta sẽ tự hỏi dù tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng được dạy trong chương trình, nhưng bao nhiêu học sinh đã đọc trọn tác phẩm, thậm chí là đã cầm trên tay cuốn sách "Tắt đèn", "Số đỏ"…vốn là những cuốn sách không dày?
Sau những ngày sách, thiết nghĩ ta nên bàn về những giải pháp, sau khi đã nhìn ra được những hiện tượng. Như đã nói ở đầu bài viết, đọc là việc cả đời. Nhưng ngay cả với một cuốn sách mỏng nhất, nếu bạn không bắt đầu giở ra, từ trang đầu tiên, thì khó có thể hoàn thành việc đọc nó.
Việc đọc đó có thể dừng lại nửa chừng nếu thấy cuốn sách không hấp dẫn bản thân hoặc có thể đọc nhảy cóc, lướt qua những phần mình thấy không quan trọng hay cần thiết. Nhưng nếu không bao giờ chạm vào cuốn sách, không bao giờ giở trang đầu tiên thì chẳng bao giờ biết mình đã tìm thấy hay bỏ lỡ điều gì.
Điều chúng ta có thể làm, và trước nhất làm cho các bạn học sinh, là tạo điều kiện để những cái chạm tay vào sách đó trở thành hiện thực. Có như thế, những ngày sách, hội sách mới không chỉ đơn giản là dịp tìm kiếm sách giảm giá, mà là dịp tạo dựng được những lứa độc giả tiềm năng, tránh tình trạng số lượng sách thì nhiều nhưng người đọc chẳng bao nhiêu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất