(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần này, mùa giải V-League mới khởi tranh. Lại một sự day dứt nữa về sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Cà phê thể thao trở lại đề tài này với nhà báo Hồng Ngọc.
Cà phê thể thao: V-League 2014 chuẩn bị khởi tranh. Anh đón chào mùa giải mới như thế nào?
Hồng Ngọc: Tôi chắc cũng như hầu hết người hâm mộ bóng đá nước nhà hiện tại đang quan tâm tới việc đội tuyển U19 thi đấu tại một giải giao hữu quốc tế, hơn là việc V-League chuẩn bị khởi tranh.
Trên quan điểm của bóng đá đỉnh cao thì đội tuyển U19 chỉ là một đội trẻ, và giải đấu đó chỉ là giải giao hữu. Còn V-League mới là bóng đá đỉnh cao của nền bóng đá Việt Nam, và là giải chính thức.
Về danh nghĩa là vậy. Nhưng khán giả thì không bao giờ nhầm. Sân Thống Nhất chật cứng khán đài khi đội tuyển U19 đá giải giao hữu, còn tại V-League thì ngay cả khi Sài Gòn Xuân Thành lúc còn là ứng cử viên vô địch mở cửa tự do mà khán đài vẫn trống.
Vì khán giả không xem danh nghĩa. Họ xem một trận đấu bóng đá, được giải trí, được đam mê, được hy vọng. Đội U19 làm được điều đó, còn các đội V-League thì hầu hết là không.
Chúng ta thấy điều gì? Đội U19 này dựa trên nòng cốt là lứa 1 của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, mới đào tạo được 6 năm. Còn V-League có lịch sử hơn gấp đôi như thế. Một bên tạo ra lạc quan và hy vọng, một bên mang lại sự thất vọng thậm chí chán chường.
Anh so sánh có vẻ không công bằng. V-League là giải đấu gồm nhiều CLB, cần nỗ lực tập thể. Còn với Học viện của HAGL, đó là nỗ lực đột phá của một cá thể - đội bóng riêng biệt?
Bạn nói đúng. Nhưng tập thể là gì? Trước hết đó là tập hợp của các cá thể. Sau nữa là mối quan hệ giữa các cá thể ấy. Nếu chỉ có hai cá thể, thì mối quan hệ ấy mang nặng tính chất cá nhân. Nhưng khi số lượng cá thể tăng lên, các mối quan hệ tăng lên với cấp số nhân, thì việc kiểm soát nó không còn là mối quan hệ cá nhân nữa. Nó phải được xây dựng và kiểm soát dựa trên thể chế, thiết chế nội bộ. Nhưng xây dựng thể chế, thiết chế nội bộ như thế nào lại là việc của người đứng đầu và nhóm tinh hoa của tập thể ấy.
Sau nữa, tập thể ấy còn chịu ràng buộc với các mối quan hệ bên ngoài, trong khuôn khổ của thể chế, thiết chế của tổ chức lớn hơn bao trùm nó.
Chúng ta trở lại với phần đầu của khái niệm, V-League là tập hợp của các cá thể. Nếu mà tất cả các đội bóng đều nỗ lực làm đào tạo như HAGL hiện tại, thì chỉ cần V-League này họ đồng loạt tung đội U19 vào đá, thì chắc chắn nó sẽ thu hút không kém gì đội tuyển U19 đang thi đấu giao hữu cả, thậm chí còn thú vị hơn. Ngay cả khi có chừng 5-6 đội bóng làm như thế, thì tính chất của V-League sẽ rất khác rồi.
Vấn đề là chúng ta chỉ có một bầu Đức, chứ không phải 5 đến 13 ông bầu như vậy? Đó là vấn đề cá thể, chứ 5 hay 13 ông bầu lại là vấn đề tập thể?
Tôi lại nghĩ ngược lại. Nếu giải quyết vấn đề tập thể tốt, ở đây là xây dựng thể chế và thiết chế tốt, bóng đá Việt Nam không chỉ có một bầu Đức. Có rất nhiều bầu Đức tiềm năng đang ở đâu đây, nhưng họ thất vọng với môi trường bóng đá đỉnh cao nên không hoặc chưa tham dự cuộc chơi này. Như tỷ phú Phạm Nhật Vượng chẳng hạn, một doanh nhân Việt Nam hàng đầu có lẽ là hiếm hoi hiện vẫn chơi đá bóng.
Chính ông ấy đỡ đầu cho Qũy đào tạo tài năng trẻ bóng đá Việt Nam (PVF), mà trong vài năm qua đã gặt hái rất nhiều thành tích ấn tượng ở các giải bóng đá trẻ quốc gia. Nhưng ông ấy chưa tham dự V-League. Tôi phải tự hỏi, nếu ông ấy thật sự tham dự cuộc chơi bóng đá, và mang cách làm như từng làm với Mivina, Vincom, Vinpearl, mà gần đây chúng ta chứng kiến những dự án như Royal City, Times City vào làm bóng đá, thì liệu Học viện HAGL Arsenal JMG có còn là tất cả niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam như hiện nay hay không? Bạn có thể còn nghi ngờ, nhưng cá nhân tôi thì có ngay câu trả lời!
Vấn đề là những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam đã xây dựng nên một V-League mà thiếu tầm nhìn, thiếu dự án phát triển, và thiếu các thể chế thu hút nguồn lực phục vụ bóng đá phát triển, tôi gọi đó là lỗi hệ thống. Họ chỉ cần quan tâm có tiền đổ vào bóng đá. Vậy thì V-League có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Nhưng chả có doanh nhân đích thực nào chơi trò đốt tiền cả. Nên họ chỉ đến với bóng đá trong ngắn hạn để đổi lấy những nguồn tài nguyên, hoặc đơn giản vì thói trưởng giả học làm sang.
Nếu có một dự án thật sự thuyết phục, tôi tin rằng không chỉ bầu Đức hay Phạm Nhật Vượng chung tay, mà những ông bầu một thuở hoặc hiện tại như Đặng Thành Tâm, Võ Quốc Thắng chắc hẳn đã chơi bóng đá theo cách khác.
Đáng tiếc là, các dự án của bóng đá Việt Nam chỉ để trình lên FIFA nhằm kiếm ít tiền tài trợ xây trung tâm bóng đá bỏ hoang, hay trình ra Đại hội VFF làm đề tài trào phúng cho báo giới. Tôi chưa bao giờ nghe thấy việc VFF mời các ông bầu để “giãi bày tâm sự”, chứ chưa nói tới việc mời các doanh nhân lớn tới góp sức để làm thay đổi bóng đá Việt Nam. Nếu họ thiếu tầm nhìn nhưng có đủ sự cầu thị, tôi tin rằng các doanh nhân hàng đầu sẽ mang đến cho họ tầm nhìn.
Sự ra đời của VPF liệu có phải là cách để các doanh nhân mang đến cho những nhà lãnh đạo bóng đá Việt tầm nhìn? Và VPF đã và đang đột phá, khi từng mời một chuyên gia Nhật Bản vào ghế Phó Tổng giám đốc VPF, giờ đây là mời một chuyên gia khác làm Trưởng ban tổ chức V-League?
VPF giống như một sự nổi loạn của những doanh nhân làm bóng đá trước sự bất lực trong việc kiến tạo phát triển của VFF hơn là một sự đột phá. Không phải tất cả những doanh nhân hàng đầu rót tiền cho bóng đá đều tham gia kiến tạo VPF, như vai trò của bầu Hiển chẳng hạn. VPF nắm vai trò chủ đạo với V-League có gì đó tương tự với việc vừa đá bóng, vừa thổi còi. Và V-League cũng không thể là một tháp ngà độc lập với bóng đá Việt Nam. Để bóng đá phát triển vững chắc cần có mạng lưới và mô hình kim tự tháp, và VFF phải là người lãnh đạo hệ thống ấy, chứ không phải giao khoán V-League cho một tổ chức nào đấy và ngồi chờ thành quả.
Với lối tư duy không kiến tạo nền tảng phong trào, chỉ chăm chú mỗi cái tháp ngà, thì hệ quả là những thành phố lớn đáng lẽ phải có phong trào bóng đá phát triển, giờ trở thành vùng đất trắng ở V-League, như TP.HCM. Kể cả thủ đô Hà Nội cũng chỉ có một đội duy nhất. Hải Phòng, thành phố bóng đá một thuở thậm chí chỉ có một CLB duy nhất ở mọi hạng đấu. Trong cách nhìn của tôi, đó là tội ác với bóng đá Việt Nam.
Tôi không hiểu với một V-League mà các địa phương kém về truyền thống bóng đá lâu nay chiếm số lượng áp đảo, thì chất lượng và sức hút sẽ tạo ra từ đâu!
Anh kỳ vọng những đội bóng nào sẽ mang đến sức hút chủ đạo cho V-League 2014?
Như những năm qua, vẫn là SLNA, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T. Điều đáng tiếc là hai đội sau lại được kiểm soát bởi một bầu Hiển, chứ không phải hai bầu Hiển.
Nhưng vẫn không có sự đột phá nào cả, cho đến khi chúng ta thay đổi hẳn cách làm bóng đá, và có chừng 5-6 đội bóng có Học viện như của HAGL đồng loạt tung sản phẩm của mình vào sân.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần