Navibank.SG: Khi sân nhà là “tử địa”

18/03/2010 12:02 GMT+7 | V-League

(TT&VH) -  “Tôi không hiểu sao cứ về sân nhà là các cầu thủ lại đá đấm như thế, nhiều pha bóng chỉ cần xử lí đơn giản lại đá rườm rà. Nhiều quả chỉ cần một phát ăn ngay, lại loay hoay như gà mắc tóc”. HLV Vũ Quang Bảo bình luận chuyện các học trò đá “dở” trên sân nhà Thống Nhất. 

Gần như có một kịch bản “na ná” nhau giữa 2 trận thua trước V.Ninh Bình (vòng 2), TĐCS.ĐT (vòng 5) và trận hòa HP.HN (vòng 4). Đội quân của ông Bảo rơi vào tình trạng bị động ngay những phút nhập cuộc và bị đối thủ bắn thủng lưới, thậm chí tới 3 bàn chỉ sau 17 phút trước TĐCS.ĐT.

Bàn chuyện này ông Bảo lắc đầu: “Tôi cũng không biết tại sao”. Tương tự, những học trò của ông cũng nói rằng: “Chẳng biết sao cứ đá sân nhà lại bị cóng chân…”. Đây là hình ảnh trái ngược so với cái tên QK4 năm 2009, khi sân nhà đã mang về hơn 2/3 số điểm giúp họ trụ hạng, dù “bí kíp” của đội bóng Quân khu chỉ là “đội khỏe, Tây hay, chạy nhiều là ra chiến thuật”.

Vì vừa đá vừa nhìn khán đài?


Rõ ràng, đang có sự bất ổn về tâm lí đối với các cầu thủ Navibank.SG; hay nói thẳng ra, có một sợi xích vô hình trói buộc đôi chân và ghì lên cái đầu của các cầu thủ Navibank.SG. Có một chuyện hay xuất hiện là mỗi khi đá trên sân Thống Nhất, hầu như cả đội phải đánh ánh mắt nhìn về phía khán đài VIP, cũng những khán đài xung quanh để mà cân nhắc chuyện đá đấm…



Các cầu thủ Navibank SG (phải) chưa đủ khả năng để vượt qua sức ép đòi phải đá đẹp và thắng đẹp

Dễ hiểu cho phản xạ đó, vì thầy trò ông Bảo đã là người Sài Gòn. Cũng như chuyện người Sài Gòn cũng bắt đầu chấp nhận cái tên Navibank.SG đứng trong hàng ngũ của bóng đá Thành phố mang tên Bác. Vẫn biết thế là tín hiệu vui, nhưng có vẻ như đang có quá nhiều cái nhìn khắt khe đối với đội bóng quê gốc ở xứ Nghệ.

Với những người chịu quan sát và hay lắng nghe khi xem Navibank SG chơi ở sân Thống Nhất, chỉ cần một đường chuyền bóng sai của các cầu thu, trên khán đài sẽ vang lên những tiếng la ó, chế giễu, thậm chí văng tục. Không ít tình huống như thế làm các học trò của ông Bảo rối và bị sức ép, không còn là chính mình, và cuối cùng là tâm lý sợ sai, sợ thua chế ngự.


Bản thân các cầu thủ Navibank SG giờ đây cũng đang đứng trước đòi hỏi chơi đẹp, và họ phải gồng mình vì điều đó, khi mà bản thân năng lực và thói quen của họ chỉ tương thích với lối chơi thực dụng tới mức thô ráp. Nó chính là con đường đã đem đến sự thành công cho QK4, từ khi thăng hạng cho tới lúc trụ hạng.


Cách giải thoát cho Navibank SG giờ đây có lẽ là thôi không bắt một người thợ sắt phải bỏ búa, bỏ rìu để cầm cây cọ đứng bên giá vẽ!


TỊCH ĐIỀN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm