Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Kỳ 10 & hết): Những điều đọng lại

19/12/2017 15:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên đề Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã xuất hiện liên tục 10 kỳ trên báo in và báo điện tử. Qua các góc nhìn khác nhau về sự cải cách, canh tân chữ quốc ngữ (tiếng Việt) trong suốt chiều dài lịch sử, người đọc có thể thấy đây là vấn đề luôn mang tính thời sự.

Dưới đây là những ý chính mà chuyên đề này đã đưa ra:

Cải cách phần lớn là thất bại

Có thể khẳng định đa phần các cuộc cải cách, canh tân chữ quốc ngữ thường nhận về sự thất bại, chỉ có một phần nhỏ là thành công. Bởi ngôn ngữ (gồm lời nói và cách viết) phụ thuộc rất lớn vào thói quen của cộng đồng, họ ưu thích sự thuận tiện còn hơn sự hợp lý theo kiểu khoa học.

Sự cải cách, canh tân thành công thường đến từ các tác phẩm văn chương, báo chí đủ sức lôi cuốn, còn sự thất bại thường đến từ những văn bản có tính chất “duy ý chí”, thuần kỹ thuật ngôn ngữ như gần đây ông Bùi Hiền đã làm. Sự thất bại cũng đến từ khía cạnh người ta không quan tâm chữ quốc ngữ như là một hình thái sinh động của văn hóa - lịch sử, không xét đến thực tiễn sử dụng của đa phần người dùng.

Chú thích ảnh
“Hà Hương phong nguyệt” (đăng báo năm 1912) được xem là quyển tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ, cũng là của Việt Nam. Giai đoạn này Nam bộ có khá nhiều tiểu thuyết hiện đại, lối viết mới mẻ này là một đóng góp to lớn vào việc canh tân - hoàn chỉnh chữ quốc ngữ

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh viết trên tạp chí Nam Phong (số 86, năm 1924): “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Tại sao vậy? Vì dù được viết bằng chữ Nôm, nhưng sau Truyện Kiều (xuất bản lần đầu năm 1820), tiếng Việt đã tiến một bước rất xa về khía cạnh tinh hoa - diễn đạt bằng ngôn ngữ văn chương, đến mức ngày nay đọc qua bản phiên âm chữ quốc ngữ, vẫn thấy là đỉnh cao của tiếng Việt.

Từ sau Truyện Kiều, cùng với sự canh tân - hoàn chỉnh văn bản thông qua báo chí - văn chương như Gia Định báo (1865), tiểu thuyết hành động đầu thế kỷ 20 ở Nam bộ, cách viết báo của Phan Khôi (từ các thập niên 1920 - 1930), Thơ mới, Tự lực văn đoàn (đầu thập niên 1930)…, chữ quốc ngữ đã diễn đạt gần như trọn vẹn mọi lời ăn tiếng nói của người Việt. Từ khoảng 1954 cho đến nay, sự thay đổi của chữ quốc ngữ (tiếng Việt) vẫn diễn ra, nhưng nhỏ lẻ và chậm, vì nó tương đối hoàn chỉnh. Chạm vào chỉnh thể tương đối hoàn chỉnh này luôn là một thách thức lớn, nơi đó thất bại sẽ nhiều hơn thành công.

Kể từ khi Từ điển Việt-Bồ-La được ấn hành (1651) cho đến nay, rõ ràng chữ quốc ngữ đã có một sự thay đổi đáng kể, một bước tiến dài. Sự thay đổi này đến từ hai nguồn chính: Thứ nhất, các văn bản văn chương - báo chí có sức ảnh hưởng như đã nói; Thứ hai, sự tự điều chỉnh dần dần của người dùng, vì đây là sinh ngữ.

Chú thích ảnh
Nhiều nghiên cứu nhận định cách viết báo của Phan Khôi cũng là một đóng góp to lớn vào việc canh tân - hoàn chỉnh chữ quốc ngữ. Ông cũng là người mở ra phong trào Thơ mới bằng bài thơ “Tình già” (năm 1932)

Chia “phe” với Luật Ngôn ngữ

Vấn đề tiến tới dự thảo về Luật Ngôn ngữ - văn tự cũng tạm chia làm thành hai “phe”. Phía các nhà văn - nhà báo (tạm gọi là giới sáng tạo ngôn ngữ) thì cho rằng không cần luật làm gì, cứ nỗ lực tạo ra những tác phẩm lôi cuốn, có giá trị, thì người dùng ngôn ngữ sẽ tự nhiên chịu ảnh hưởng và noi theo. Giới làm khoa học về ngôn ngữ và quản lý thì cho rằng rất cần có luật để văn bản được dùng chính xác hơn, trong sáng hơn. Và thực tế thì mấy chục năm qua, các giới này cũng đã chuẩn bị cho điều đó, nhưng đến nay Luật Ngôn ngữ - văn tự vẫn chưa thành hiện thực.

Cũng có nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng Luật Ngôn ngữ - văn tự chỉ nên áp dụng trong một vài phạm vi nhất định, như văn bản luật, văn bản hành chính, văn bản khoa học kỹ thuật… chứ không nên và không thể áp dụng đại trà, vì như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sáng tạo, đặc biệt là văn chương, báo chí.

Đặc trưng cốt lõi của ngôn ngữ đó là tính võ đoán, nghĩa là dùng chữ viết để ghi âm/ghi chép những điều mới xuất hiện trong đời sống. Văn chương, báo chí được ví với những thư ký của thời đại vì họ dùng ngôn ngữ chắt lọc, tinh hoa để ghi âm/ghi chép những điều mới mẻ đó.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Kỳ 9): Cần hiện thực hóa cho chính sách ngôn ngữ

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Kỳ 9): Cần hiện thực hóa cho chính sách ngôn ngữ

Xung quanh vấn đề “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, bên cạnh đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến cần phải có chính sách chặt chẽ cho ngôn ngữ (trong đó bao gồm tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài). Nhưng hiện thực hóa như thế nào không phải chuyện dễ.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm