'Săn' tuyết ở miền nhiệt đới

28/11/2015 18:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên chuyện tuyết rơi, băng đóng vốn không nhiều. Vì thế cứ đến mùa Đông, khi gió mùa Đông Bắc tràn về, nhiệt độ càng xuống thấp, thì các diễn đàn du lịch, thể thao lại càng nóng. Nóng chuyện rủ nhau đi săn tuyết ở Mẫu Sơn; Fansipan hay Bạch Mộc Lương Tử. Đẹp lắm, buốt giá lắm, nhưng độc đáo không gì sánh bằng.

Thượng sơn thưởng tuyết hoa

Thú vui tao nhã này hoàn toàn không dành cho người yếu. Bởi nếu không đủ sức khỏe, không chịu nổi cái rét khủng khiếp vào thời điểm tuyết rơi, băng đóng tầng tầng lớp lớp thì chưa thưởng hoa mai, hoa mận, hoa đào thì có lẽ đã "chết cóng" mất rồi.

Thanh Sơn, một dân chuyên trekking (một hình thức du lịch mạo hiểm và người trekking chỉ có phương tiện di  chuyển duy nhất chính là đôi chân của mình) vượt núi ngắm tuyết, săn mây còn bồi hồi: “Nhiều khi ước gì mình là người Dao hay người Mông, Mèo. Bởi ở đây, những người Dao ở vùng núi cao này là những người đầu tiên may mắn đón hoa tuyết rơi trước cửa nhà. Chẳng khác gì châu Âu vậy. Trong buốt giá, làm thêm chén rượu nóng Mẫu Sơn, sao mà ấm áp, thấm thía đến thế.”

Nằm cách thành phố Lạng Sơn 30km về phía Đông, trên độ cao 1.541m so với mặt biển, núi Mẫu Sơn được bao bọc bởi hơn 80 quả núi nhỏ quanh mình. Đông về, mây mù phủ kín đỉnh Mẫu Sơn suốt mùa. Hè đến, nắng vàng rực rỡ. Vào xuân, khắp vùng Mẫu Sơn rực sắc hoa đào thắm. Đào trái Mẫu Sơn vừa to, rất ngọt. Khí hậu Mẫu Sơn đã ấp ủ cho vùng đất này loại chè tuyết đượm nước, ngon nổi tiếng xưa nay.

Nhưng nhờ có tuyết, Mẫu Sơn nhiều năm nay, trở thành điểm "săn" tuyết nổi tiếng cả nước. Thậm chí, nhiều “dân chơi” miền Nam sẵn sàng bay vội ra Bắc để đến thưởng thức tuyết rơi mùa đông miền nhiệt đới – kỳ cảnh hiếm có, có khi cả mùa đông đất Bắc chỉ có duy nhất một lần.

Đặc biệt, tuyết chỉ rơi 1 đến 2 ngày là tan. Trong làn sương mù mịt, gió rét căm căm, tuyết rơi nhẹ nhàng lên cỏ. Cỏ gồng mình cõng tuyết, đỡ chân đỡ khách. Băng rạn vỡ dưới chân người trèo lên đỉnh ngắm tuyết lạo xạo. Căn chòi sắt nhỏ, mái lợp tôn bốn bề thông thống gió, được dựng trên đỉnh núi Mẫu cho du khách đứng ngắm cảnh tuyết trùm trắng mái. Cảnh tượng nguy nga, như phim “Nữ hoàng băng giá” ấy chỉ kéo dài từ 7h sáng, khi trời sáng mờ mặt người, cho đến 10h là hết. Tuyết dừng rơi là băng bắt đầu tan bởi chỉ là một lớp tuyết mỏng.

Ngắm tuyết xong, mấy ai rũ áo về ngay, còn thưởng rượu Mẫu Sơn nữa chứ. Mà thưởng rượu nâng tầm thưởng tuyết, thưởng hoa lên nhiều lắm, kỷ niệm cũng là ở lúc này mà nhớ mãi khôn nguôi, quay chở lại đất Mẫu Sơn không chỉ để ngắm tuyết cũng là nhờ lúc này.

"Bàn tay nâng chén rượu

Đôi má em thắm đào

Dạt dào trong ánh mắt

Ngọt êm câu mời chào"

Chân đạp tuyết, ngắm đất trời bao la

Thời tiết âm u, sương mù giăng mờ đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Ở Mẫu Sơn, tuyết đã rơi. Dân treckking kinh nghiệm dạn dày xách ngay balo lên đường đi Sapa để leo đỉnh Bạch Mộc, bởi nhiều năm nay, dân “phượt” đã truyền tai nhau, đỉnh Bạch Mộc tuyết không chỉ là một lớp mỏng manh như Mẫu Sơn, với độ cao hơn 3.000m, ở đây, dân trekking đạp tuyết mà ngắm đất trời trong giá buốt. Nhiều lần, tuyết rơi vài ngày, dầy đến bắp chân.

Lò Văn Sìn, thợ săn ở bản Dền Sung khề khà bảo: “Bạch Mộc Lương Tử nhiều tuyết lắm, trâu bò lăn ra chết hết, tao chỉ muốn ngồi uống rượu, chúng mày lại thích lên chịu khổ. Thích thì chiều, để tao đưa lên. Trên đầu có mây, dưới chân có tuyết, tay cầm bầu rượu. Về ốm đừng có kêu nhé.”

Để đến Bạch Mộc Lương Tử là đỉnh núi cao thứ tư Việt Nam, có nhiều đường vào bởi đây là ngọn núi chia cắt hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, đi từ hướng nào cũng được, nhưng để trekking, nên đi từ Lai Châu, vào Thèn Sin xã Sin Súi Hồ, bắt đầu hành trình bằng “động cơ chạy bằng cơm” vào bản Dền Sung để leo núi.

Cảnh đẹp mê hồn đến quên cả buốt giá. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ước là có được một con Ô vân đạp tuyết để thoát khỏi tình trạng chân mất cảm giác, mũi muốn rụng khỏi mặt.

Đúng là đi săn tuyết, không có sức khỏe, không thể làm nổi, treckking bắt đầu. Cuộc vật lộn với đừng con suối, từng vách núi cheo leo, vừa đi vừa lấy dao mở đường thách thức sức khỏe dù toàn những người trẻ, tập luyện thường xuyên để sẵn sàng cho những chuyến đi.

Trekking là gì?

Trekking là một hoạt động du lịch dã ngoại mà người đi trekking (hay được gọi là trekker) có những chuyến đi bộ đường dài nhiều ngày (multi-day hiking) tới những vùng ngoại ô, ngoài đô thị, phần lớn tới vùng đồi núi có địa hình gồ ghề, lởm chởm. Trekking ở đây khác với trekking mang ý nghĩa “đi di cư”. Nhiều trekker còn tham gia vào những chuyến đi dài ngày hơn, vượt qua nhiều vùng miền trên khắp thế giới, họ coi trekking như là một cách để di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.

Hoạt động trekking không giống so với các hình thức du lịch khác bởi một số lý do. Điều kiện thời tiết và địa hình ảnh hưởng tới kế hoạch di chuyển của trekker nhiều hơn so với du lịch bằng các phương tiện khác như môtô, xe máy. Khi đi trekking, bạn có thể có được những điểm nhìn cận cảnh.

Rất nhiều trekker di chuyển tới những khu vực gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, họ có kinh nghiệm đi dã ngoại khác rất nhiều so với những người đi du lịch theo nhóm, tới những địa điểm nổi tiếng, đã có nhiều người tới. Điều này cho phép trekker có thể tương tác được với thế giới tự nhiên đầy thú vị.

Bạn có thể đi trekking ở bất kỳ nơi nào. Trên thế giới, có một số khu vực đặc biệt hấp dẫn đối với trekker như dãy Himalayas ở Châu Á, dãy Andes ở Nam Mỹ. Những chuyến đi trekking có thể được tổ chức ở những khu vực ít người lui tới, trên bất kỳ lục địa nào.

Độ dài của mỗi chuyến đi dài hay ngắn do những người tham gia quyết định, có thể từ một vài ngày đến cả năm. Độ mạo hiểm của chuyến đi đến mức nào cũng do những người tham gia quyết định. Bởi tính chất tự do của hoạt động trekking cũng nhưng độ đa dạng của những địa điểm đi trekking khiến hoạt động này thu hút số lượng lớn người tham gia.

* Các trang thiết bị trekking

Các trang thiết bị trekking sẽ giúp các trekker tận hưởng chuyến đi một cách thú vị hơn. Thứ nhất là một chiếc balô dã ngoại vừa vặn. Những người đi trekking dài ngày, họ cần mang theo tất cả trang thiết bị bên mình. Một chiếc balô cứng cáp có thể giúp bạn thoải mái mang theo từ 9 đến 19kg quần áo và trang thiết bị trekking.

Một vật dụng nữa cũng cần phải cân nhắc tới chất lượng đó là giày leo núi (hiking boots). Như đã đề cập ở bài viết hướng dẫn cách chọn giày leo núi, đôi giày này sẽ giúp bạn rất nhiều, sẽ quyết định giữa việc bạn có thể tận hưởng chuyến đi không hay là phải chịu đau đớn. Hãy tham khảo bài viết hướng dẫn cách chọn giày leo núi đúng kích cỡ tại WeTrekology để có được đôi giày phù hợp nhất.

Các thiết bị cứu sinh, dụng cụ sinh tồn như quần áo ấm, bộ sơ cứu y tế, một nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống khẩn cấp cũng là những thứ rất cần thiết đối với trekker.

(Theo WETREK.VN)


Như Hoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm