01/08/2011 08:25 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Bộ phim kinh dị Giữa hai thế giới của đạo diễn Vũ Thái Hòa ra mắt khán giả cả nước từ ngày 22/7, mở màn cho mùa phim kinh dị Việt. Thông tin từ nhà sản xuất sau 3 ngày cuối tuần đầu tiên công chiếu, bộ phim đã thu về 2,733 tỷ trên toàn quốc. Nếu con số này là chính xác, thì đó là tín hiệu vui cho các nhà làm phim Việt Nam khi đồng thời có mặt tại rạp thời điểm này là những bom tấn Hollywood như Transformer 3, Cars 2… Thế nhưng, niềm vui từ phòng vé không thể che được sự băn khoăn về chất lượng phim.
Kịch bản tù mù, đạo diễn non tay
Có thể kể câu chuyện của Giữa hai thế giới gói gọn trong một câu: Một người đàn ông trong cơn dục vọng đã lỡ giết chết cô gái trẻ rồi che tội ác bằng việc giấu xác cô vào tường ngôi nhà đang xây dở và bí mật đó bị chính cô vợ đang sống trong cảnh u uất phát hiện, nhưng các nhà làm phim đã đưa được khán giả đi suốt 90 phút để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, trong 90 phút đó, 40 phút đầu toàn cảnh ra vào, mở cửa, đóng cửa, phơi đồ, tắm, và tắm. Cũng sử dụng thủ pháp “tung hỏa mù” để đánh lạc hướng khán giả như vẫn thấy ở những bộ phim kinh dị, nhưng cách mà biên kịch và đạo diễn của Giữa hai thế giới “tung” không hấp dẫn và chứa đựng sự thô vụng, thậm chí tạo cảm giác “hỏa mù” đã khiến cho chính người tung ra nó - biên kịch và đạo diễn - cũng… lạc lối luôn.
Phim có ít nhân vật, điều đó đòi hỏi sự xuất hiện của các nhân vật phải thật đắt giá nhưng các nhân vật ít ỏi trong Giữa hai thế giới không thể hiện được sức nặng của mình. Vai trò “hỏa mù” như nhân vật của Đình Hiếu, nhân vật anh thợ xây, bà bán thuốc lá hay ông bán sách… đều chưa xứng đáng với vai trò đó. Xuất hiện đầy bí ẩn với nhiều việc làm khó hiểu, tự nhiên nhảy xổ vào mối quan hệ giữa cặp vợ chồng nhân vật chính nhưng cuối cùng nhân vật do Đình Hiếu đóng lại lộ ra anh ta là kẻ được người chồng thuê để theo dõi vợ trong khi không có những tình tiết chứng minh sự theo dõi của anh chàng này với người vợ là cần thiết. Nhân vật anh thợ xây bị hỏng một mắt do chính đạo diễn Vũ Thái Hòa thủ diễn cũng vậy. Lẽ ra anh thợ xây này phải là một nút thắt rất quan trọng nhưng mọi việc lại diễn ra khá đơn giản, chỉ lần thứ hai xuất hiện, nhân vật đã tự “mở nút” về mình chỉ bằng lời nói, chưa kể diễn xuất của diễn viên rất kịch và giả…
Có thể nhận thấy biên kịch và đạo diễn rất bối rối với nhân vật của mình, không xử lý được tình huống, không kiểm soát được diễn xuất của diễn viên. Thắt nút rối rắm nhưng mở nút chỉ bằng những lời nói qua nói lại như trong kịch nói chứ không phải bằng ngôn ngữ điện ảnh. Bà bán thuốc lá sau một hồi bí ẩn thì kể tuột mọi chuyện trong vài giây. Anh - chàng - gián - điệp - không - rõ - nguyên - nhân và anh thợ xây chột mắt tự huỵch toẹt về mình chỉ trong một cuộc nói chuyện ở bàn cà phê. Sau khi cho 2 nhân vật này “tự giới thiệu về mình” (chẳng hề bí ẩn và quan trọng đến mức như đạo diễn đã cho khán giả thấy trước đó), dường như không biết nên giải quyết họ thế nào, đạo diễn cho cả hai chết trong một cuộc đụng xe ngay sau đó! Cũng sau cuộc cà phê này, cô vợ (Ngọc Diệp) từ một người đàn bà yếu đuối bỏ nhà đi vì sợ ma bỗng dưng quyết tâm quay trở về để tìm ra sự thật. Nhân vật con ma - cô gái trẻ bị giết (Tâm Tít) cũng khiến khán giả thấy hài vì theo lý giải của đạo diễn, cô đi nhặt ve chai, nhưng tại sao lại để một cô ve chai mặc váy ngắn, chổng mông lên nhặt bao xi măng để… bị hiếp?…
Dùng mô-típ nhân vật phát hiện ra mình đã chết như trong The Sixth Sense hay The Others nhưng Giữa hai thế giới lại có cách vận dụng rất vô lý. Lý giải về sự hư hư thực thực bằng cảnh người vợ treo cổ tự tử nhưng đạo diễn đã không giải thích được thời điểm cô vợ tự tử diễn ra trước hay sau khi cô ta đi tìm sự thật mà người chồng đang che giấu. Nếu đặt giả thiết người vợ đang kể lại câu chuyện khi đã chết thì người chồng từ đầu đến cuối phim đang sống với ma? Và nhân vật anh chàng “gián điệp” Đình Hiếu cũng đang theo dõi một con ma? Kẻ duy nhất có liên quan đến sự sống - chết của người vợ là ông bán sách nhưng vai trò của ông cũng chỉ để rao giảng một cách thừa thãi về triết lý nhân quả (bằng giọng nói rất kịch khiến người xem bật cười) chứ hoàn toàn không có tác dụng gì với nội dung câu chuyện. Đó là chưa kể, trong phim có vài cảnh nhang nhác như trong Ju On, bộ phim kinh dị của đạo diễn người Nhật Takashi Shimizu, chẳng hạn cảnh Dustin Nguyễn nằm trên giường với mái tóc của hồn ma rơi ngược xuống mặt anh.
Dường như poster phim Giữa hai thế giới mang
“tinh thần” của poster bộ phim Ju On của Nhật
Diễn viên mờ nhạt
Phim ít diễn viên và đạo diễn đã mời được những tên tuổi khá “hot”. Đó là người mẫu Đinh Ngọc Diệp, là diễn viên trở về từ Hollywood Dustin Nguyễn hay hot girl đang nổi Tâm Tít… Tuy nhiên, Ngọc Diệp chứng tỏ cô vẫn là một… người mẫu dù nơi cô xuất hiện không phải sàn catwalk. Liên tục thay đổi trang phục, mỗi lần xuất hiện cô lại thay một bộ, tất cả đều đẹp và nổi bật như cô vẫn mặc để dự các event cho dù diễn cảnh đi ăn tiệm với chồng hay mua sách ở vỉa hè. Bên cạnh đó, dẫu vui vẻ, sợ hãi, buồn phiền, lo âu, uất ức hay thậm chí vừa thức dậy sau một đêm ngất lịm ngoài mưa, cô vẫn má hồng môi đỏ với một lối diễn tẻ ngắt là gương mặt đầy nỗi niềm, đôi mắt thăm thẳm.
Và thật khó hiểu khi Dustin Nguyễn, một diễn viên có tên tuổi, tiếng tăm và thâm niên trong nghề lại nhận vai diễn chỉ có một “màu” (“màu” đó lại lộ rõ ngay từ đầu phim) mà bất kỳ diễn viên nào cũng có thể đóng. Để rồi xem anh, người ta thấy giọng nói của Sĩ trong Dòng máu anh hùng, thấy vẻ ngô nghê của Dũng trong Để Mai tính và sự cục súc của ông Võ trong Cánh đồng bất tận.
Kỹ thuật: “kinh dị”
Phim mất nét từ đầu đến cuối. Hầu hết các cảnh đêm và cảnh nội màu bị nhòe và bị “muỗi”. Công đoạn DI (Digital Intermediate), tạm gọi là xử lý hậu kỳ bằng kỹ thuật số gồm những việc như tô màu, chỉnh sửa... nét gần như không có. Hơn nữa, thể loại phim kinh dị cần có không khí kinh dị được tạo bởi 3 yếu tố: ánh sáng, màu sắc và âm thanh nhưng ở Giữa hai thế giới, công thức này không được sử dụng. Màu sắc đặc trưng của phim kinh dị là màu sậm, độ tương phản sáng tối rõ rệt nhưng ở phim này, màu luôn luôn rực rỡ dù ở ngoài trời cũng như trong nhà, ánh sáng là kiểu ánh sáng dành cho phim truyền hình với công thức “sáng mặt ăn tiền”.
Tệ hơn cả là âm thanh, như một thứ vá víu, lúc sử dụng âm thanh hiện trường còn nguyên tạp âm, lúc sử dụng âm thanh của phòng thu, tiếng nói của nhân vật lúc là thu trực tiếp, lúc lại sử dụng tiếng lồng vá vào... Việc sử dụng âm nhạc trong phim cũng rất đáng bàn. Nhiều đoạn nhạc dự báo được sử dụng dày đặc khiến cho khán giả “lờn thuốc”, không còn cảm thấy hồi hộp. Và đáng nói hơn, phim có sử dụng những bản nhạc cổ điển quen thuộc một cách rất tùy hứng, tùy hứng đến nỗi cuối phim không hề có một dòng chữ nào đề cập đến tên các bản nhạc cũng như nguồn của chúng, cứ như luật bản quyền không tồn tại trên đời!
Kỹ xảo có lẽ là phần “hài hước” nhất. Hầu hết các cảnh có sử dụng kỹ xảo như tông xe, người chồng chụp con ma rớt từ trên lầu xuống đất…, đều thô vụng và ngô nghê.
Thật khó hiểu khi một bộ phim không đạt chuẩn về kỹ thuật như thế lại được Hội đồng duyệt phim quốc gia cho qua cửa để ra rạp. Một điểm khác cũng liên quan tới chất lượng kỹ thuật, phim dường như được phát hành theo 2 định dạng: bản nhựa và bản sử dụng ổ cứng chiếu bằng máy phóng. Xem suất chiếu lúc 13h tại rạp BHD Star Cinema, chúng tôi thấy nhiều lần phim bị vấp cảnh, mất tiếng giống như hiện tượng vấp đĩa DVD; chưa hết phần giới thiệu cuối phim, người phụ trách kỹ thuật đã tắt máy và trên màn hình hiện lên thông số kỹ thuật của máy chiếu. Trả lời thắc mắc về kỹ thuật này, đạo diễn Vũ Thái Hòa cho biết: “Phim Giữa hai thế giới được sản xuất cả hai định dạng: phim nhựa 35mm và phim kỹ thuật số (digital). Bản chiếu ở BHD Star Cinema là bản kỹ thuật số. Phim kỹ thuật số cho âm thanh, hình ảnh rõ nét, đẹp hơn phim nhựa 35mm nhưng cũng có nhược điểm là chịu ảnh hưởng nhiều về thiết bị như máy chiếu, card màn hình, máy phóng, nguồn điện và nguồn từ trường của các thiết bị điện xung quanh. Vì vậy, việc bị giật hình méo tiếng thỉnh thoảng vẫn xảy ra”. Tuy nhiên, nếu như vậy, thiết nghĩ nhà sản xuất, phát hành nên thông báo rõ với khán giả về định dạng phim họ sẽ xem khi bán vé.
Thiền Đăng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất