21/06/2016 12:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Về ngữ nghĩa, “giám khảo” là người có năng lực thị sát để xem xét, điều phối, kiểm tra, cho điểm một vụ việc thuộc phạm vi chuyên môn của mình. Nếu chấp nhận khái niệm này thì giám khảo truyền hình hiện nay thật phập phù, hên xui, vì không phải ai cũng có đủ năng lực thị sát, và không phải ai cũng được thị sát đúng chuyên môn của mình.
>>> Chuyên đề: Khóc cười quanh ghế nóng Gameshow
Phập phù giám khảo
Ca sĩ nhỏ tuổi Phương Mỹ Chi có giọng hát được nhiều người yêu thích, điều này đã rõ, nhưng chỉ ngồi ghế nóng Cùng nhau tỏa sáng một lần đã bị nhiều người chỉ trích, ném đá không tiếc tay. Điều này cũng giống như ca sĩ Mỹ Tâm có giọng hát được nhiều người mến mộ, nhưng khi ăn nói và làm giám khảo, thì lượng người không thích lại xuất hiện khá nhiều. Rõ ràng năng lực ca hát và ăn nói rất khác nhau.
Gần đây, nhiều gương mặt 8X-9X như Đông Nhi, Tóc Tiên, Isaac, Bích Phương, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Hari Won, Hoàng Touliver, Hương Giang Idol, Hương Tràm… làm giám khảo Vietnam Idol Kids 2016, Biến hóa hoàn hảo, Tài năng DJ, The Remix 2016… cũng nhận về không ít gạch đá cùng lời phàn nàn, chê bai.
Họ không chỉ trích các nghệ sĩ này thiếu nổi tiếng, thiếu chuyên nghiệp, mà tỏ ra nghi ngờ năng lực giám khảo, sự chuẩn mực, trung dung trong lời bình luận. Nói chung họ chưa đủ niềm tin về các giám khảo còn quá trẻ như vậy.
Còn nhớ đêm thi đầy sóng gió của Cặp đôi hoàn hảo hồi 24/3/2013, không phải đến từ các thí sinh, mà đến từ các giám khảo như Lưu Thiên Hương, Lê Minh Sơn và Lê Hoàng. Mâu thuẫn của họ trong cách đánh giá cặp thí sinh Thảo Trang - Thuận Việt gây sóng gió một, thì ý kiến của Lê Minh Sơn về chuyện Việt Nam chỉ có mỗi Tùng Dương biết hát nhạc jazz gây sóng gió mười. Phát ngôn này của Lê Minh Sơn không chỉ cho thấy sự thiếu thông tin về giới chơi nhạc jazz tại TP.HCM, mà còn gián tiếp gây thù chuốc oán cho Tùng Duơng.
Cuối năm 2015, Hari Won còn là một thí sinh tham dự cuộc thi ca hát, diễn xuất trên truyền hình, đến tháng 5/2016 thì đã thấy nữ nghệ sĩ này đã ngồi giám khảo cuộc thi ca hát, diễn xuất Biến hóa hoàn hảo, quả là một sự bất ngờ. Trong công việc của một nghệ sĩ, Hari Won vui vẻ, duyên dáng, ngộ nghĩnh nên được nhiều người yêu thích, nhưng trong vai trò giám khảo thì hoàn toàn ngược lại. Những nhận xét thiếu chuyên môn, vô thưởng vô phạt của cô đã bị khán giả đem ra mổ xẻ.
Trong các chương trình truyền hình, host còn quan trọng hơn cả một MC, nên việc người mẫu Vĩnh Thụy được mời làm host của The Face, nhiều người cho rằng “để làm đẹp đội hình” mà thôi. Còn Vĩnh Thụy thì thú nhận: “Tôi gặp nhiều áp lực ngay từ khi nhận lời làm host chương trình The Face. Host là người chủ nhà và có vai trò hơn cả một MC, đồng thời đòi hỏi sự am hiểu về lĩnh vực mà mình đảm nhận. Bản thân tôi không phải là người hoạt ngôn. Tôi cũng ít khi thể hiện cảm xúc, đôi lúc tôi còn ít nói”.
Đôi khi có chuyên môn cũng khó thành giám khảo duyên dáng, bởi truyền hình, nhất là trực tiếp, nhiều khi “quá nhanh quá nguy hiểm” lắm. Dày dặn kinh nghiệm như ca sĩ Thanh Lam mà còn hớ, trong chương trình Nhân tố bí ẩn, chị nhận xét thí sinh Trương Kiều Diễm: “Chị thích một người nghệ sĩ ngoài giọng hát, khả năng sáng tác, phải có ngoại hình đẹp. Chị mê sắc lắm”. Cũng ở chương trình này, tập 2, khi xem Trần Minh Dũng thi thố, ca sĩ Tùng Dương nhận xét: “Tôi là chuẩn men đây mà còn mê em”.
Hay như chương trình Vietnam’s Next Top Model 2016, tại vòng sơ tuyển ở Hà Nội, giám khảo Lý Quý Khánh đã quỳ trước giám khảo Thanh Hằng để xin vé đi tiếp cho thí sinh. Tương tự ở Vietnam Idol Kids 2016, khi thí sinh nhí Thiên Phước hát dở, giám khảo Isaac cũng quỳ xuống an ủi, khích lệ.
Phai nhạt vai trò “thị sát” của giám khảo
Những ví dụ ở trên chỉ là những lát cắt rất nhỏ về chuyện phập phù của giám khảo truyền hình hiện nay. Nhưng đó là nói theo khía cạnh giám khảo phải là người có năng lực thị sát để xem xét, trong khi cái gốc của nó, các cuộc thi, cũng là “chơi/vui thôi mà”, cần gì phải thị sát.
Phần lớn các chương trình được gọi là thi trên truyền hình thật ra chỉ mang ý nghĩa vui/chơi, nên đội nào đoạt giải không quan trọng bằng việc nó thu hút người xem và quảng cáo thế nào. Những chương trình hút khách như Nhân tố bí ẩn, Ơn giời, cậu đây rồi!, Người bí ẩn, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Solo cùng bolero, Cười xuyên Việt, Hợp ca tranh tài, Vũ điệu đam mê…, người ta nghiêng sang yếu tố vui/chơi hơn là thi thố.
Giải thích về sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi trong vai trò giám khảo Cùng nhau tỏa sáng, NSƯT Vũ Thành Vinh (đạo diễn chương trình) từng chia sẻ: “Phương Mỹ Chi chỉ là một trong số rất nhiều giám khảo khách mời nổi tiếng mà chúng tôi đã mời. Không nói về việc Phương Mỹ Chi có xứng đáng với vai trò đó hay không, vì suy cho cùng, đây cũng chỉ là một chương trình mang tính giải trí chứ không phải mang tính học thuật hay chuyên môn sâu, sự xuất hiện của cô bé nếu đúng hoàn cảnh, đúng vai trò còn mang lại sự thú vị cho chương trình”.
Cũng tương tự, khi Chương Tử Di làm giám khảo Nhân tố bí ẩn bên Trung Quốc, ca sĩ Na Anh đã đặt câu hỏi trên báo chí: “Tôi không hiểu Chương Tử Di sẽ nhận xét hay sẽ dạy cho thí sinh điều gì khi cô ấy không biết gì về âm nhạc?”.Thậm chí, vì danh hão, vì những lời tâng bốc của giám khảo mà người chơi sinh ra ảo tưởng, cao ngạo.
Cuối năm 2015, theo thống kê sơ bộ thì có hơn 40 trò chơi và trò thi ca hát trên truyền hình, để tìm đủ giám khảo vừa nổi tiếng vừa giỏi chuyên môn không phải dễ, nên tình trạng chay sô “mòn mặt” hoặc “bắt cóc bỏ dĩa” đã diễn ra. Thậm chí với một vài cuộc chơi (khoác áo là thi), cứ giám khảo nổi tiếng là được, còn nói gì thì nói, miễn sao được phép phát sóng là thành công.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất