29/06/2021 20:15 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều lần bị trì hoãn, cuối tuần qua Fast & Furious 9 (Quá nhanh quá nguy hiểm: Huyền thoại tốc độ) đã có mặt tại các rạp chiếu Bắc Mỹ và “bỏ két” được 70 triệu USD sau 3 ngày công chiếu.
Đó là kỷ lục gắn với cuộc “mở màn” lớn nhất của một tác phẩm điện ảnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Và điều ấy cũng có nghĩa, sự sống vẫn đang tồn tại ở... các rạp chiếu phim.
Phần thứ 9 trong loạt phim bom tấn Fast & Furious (F9), với sự tham gia của ngôi sao siêu nam tính Vin Diesel và Michelle Rodriguez, được phát hành rộng rãi nhất so với bất kỳ phim nào kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Mở đầu từ sự gay cấn “khiêm tốn”
Jim Orr, phụ trách phát hành của Universal vui mừng nói: “Chúng tôi không thể hài lòng hơn khi thấy khán giả đón nhận thành viên mới của gia đình Fast và đến xem F9 với số lượng cực lớn. Bộ phim đã thực sự hâm nóng mọi phòng vé ở Mỹ”.
Trước đó, F9 đã được phát hành trên các thị trường quốc tế từ ngày 19/5 và đến nay đã thu về được hơn 400 triệu USD trên toàn cầu.
Loạt phim Fast & Furious được bắt đầu tung ra cách đây 20 năm với phần đầu được đánh giá là có sự gay cấn ở mức độ... khiêm tốn. Nhưng đến giờ nó đã góp phần thay đổi cách làm phim bom tấn trong thế kỷ 21, khi mỗi tập phim ngày càng có quy mô hơn và độ gay cấn cũng gây “nghẹt thở” hơn.
Bộ phim đầu tiên - The Fast And The Furious - được hình thành từ việc đạo diễn Rob Cohen đọc một bài báo trên tạp chí Vibe của Mỹ hồi năm 1998, trong đó mô tả chi tiết về những cuộc đua xe đường phố bất hợp pháp ở thành phố New York. The Fast And The Furious là một bộ phim vui nhộn về đua xe đường phố, kể về việc cảnh sát chìm Los Angeles Brian O'Connor (Paul Walker) thích thú với lối sống của một nhóm tay đua, do Toretto (Diesel) dẫn đầu.
Mức kinh phí tương đối của The Fast And The Furious (38 triệu USD) phản ánh quan điểm khác biệt của cách làm phim ở Hollywood vào đầu thiên niên kỷ. Hồi đó, vào năm 2001, các hãng phim đầu tư nhiều hơn vào các phim hành động như Ocean's 11 (11 tên cướp thế kỷ), A Knight's Tale (Huyền thoại hiệp sĩ) và Training Day (Ngày huấn luyện). Đây là những bộ phim dựa trên hành động thực tế hữu hình thay vì hiệu ứng hình ảnh và không được đầu tư vào cái mà bây giờ được gọi là “xây dựng vũ trụ”, tức là phát triển cho các phần tiếp theo trong một loạt phim.
Đó cũng là thời điểm Hollywood bắt đầu có sự thay đổi lớn cùng với loạt phim Harry Potter và Lord Of The Rings (Chúa tể những chiếc nhẫn) được khởi động trong năm đó và bộ phim X-Men đầu tiên được phát hành vào năm trước.
Liên tục... biến hóa
Sau The Fast And The Furious, loạt phim đã chứng tỏ sự “biến hóa” trong cách làm phim một cách đáng ngạc nhiên, trong khi vẫn tham gia cuộc chiến với những quả bom tấn khác. Sự sẵn sàng xé bỏ quy tắc cũ có thể được nhìn thấy từ phần thứ 2 trong loạt phim - 2 Fast 2 Furious (2003). Câu chuyện trong tập phim này có bối cảnh ở Florida và gần như hoàn toàn lệch khỏi thế giới của phần phim trước, ngoại trừ việc giữ chân O'Connor, người không còn là cảnh sát mà là một tay đua xe đường phố.
Tiếp đó, phần thứ 3 - The Fast And The Furious: Tokyo Drift (2006), do Justin Lin làm đạo diễn, tiếp tục đưa khán giả vào những cuộc đua “khét lẹt”. Trong những năm 2000, loạt phim tiếp tục thay đổi để phù hợp với thị hiếu khán giả và cạnh tranh với các đối thủ bom tấn mới. Năm 2008, bộ phim Marvel đầu tiên - Iron Man - được phát hành và do đó bắt đầu một kỷ nguyên mới của phim siêu anh hùng được xác định bởi 2 yếu tố: Hiệu ứng do máy tính tạo ra và sự đan xen phức tạp giữa các nhân vật và cốt truyện trong một “vũ trụ”.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, loạt phim Fast & Furious cũng phát triển và tập phim Fast & Furious (2009) thứ 4 trong loạt phim và thứ 2 do Lin làm đạo diễn, đã quy tụ các nhân vật khác nhau từ các phần khác nhau. Và tập phim này đã đặt nền móng cho phần tiếp theo của đạo diễn Lin vào năm 2011 là Fast Five - được đánh giá là một bước ngoặt và tạo sự nổi tiếng đặc biệt cho loạt phim.
Tập phim thứ 5 này đã đưa mọi thứ theo một hướng khác hẳn. Khi Toretto và O'Connor tập hợp một nhóm gồm những người bạn cũ của họ từ Fast 1 đến 4, và lên kế hoạch cho vụ trộm bất khả thi, trọng tâm của loạt phim được chuyển từ các trò đua xe đường phố, sang các pha hành động gay cấn hơn cùng với sự xuất hiện của Dwayne "The Rock" Johnson trong vai đặc vụ chính phủ Luke Hobbs.
Loạt phim tiếp tục phát triển với Fast & Furious 6 (2013), Furious 7 (2015) và The Fate Of The Furious (2017), với lịch sử ngày càng phức tạp về những mối thù, cùng những pha chiến đấu vượt trội trên ô tô. Mỗi bộ phim kể trên đều kiếm được nhiều tiền hơn so với bộ 3 trước đó. Cụ thể Fast & Furious 6 kiếm được gần 790 triệu USD, Furious 7 là hơn 1,5 tỷ USD và The Fate Of The Furious là hơn 1,2 tỷ USD.
Những thành công này đã đặt nền móng cho tương lai của loạt phim với các pha nguy hiểm lớn hơn, kịch bản phi lý hơn. Các cuộc rượt đuổi được mở rộng, trong đó có chiếc máy bay chở hàng lao xuống đường băng dài 23 dặm và tàu ngầm hạt nhân lao qua băng Bắc Cực, trong khi ô tô thường xuyên “nhảy dù” từ trên trời xuống để chiến đấu với xe tăng. Giống như trong Furious 7, ô tô được “nhảy dù” từ máy bay và “bay” xuyên qua 2 tòa nhà chọc trời.
Có thể khẳng định rằng loạt phim Fast & Furious đã tạo ra một sự khác biệt trong bối cảnh Hollywood bị ám ảnh với các nhân vật siêu anh hùng và kỳ ảo khác. Những phần sau của phim ít phô trương hơn so với các phim bom tấn khác khi chúng gắn với diễn xuất của Diesel (trong vai Toretto), một diễn viên có kiểu nam tính cổ điển. Nhưng chắc chắn, Fast & Furious đã thành công theo cách mà không ai có thể tưởng tượng được 20 năm trước - khi tính đến nay loạt phim này đã thu về được hơn 6,2 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu (gồm cả doanh thu tuần đầu của F9).
Trailer phim “Fast & Furious 9”:
“Fast & Furious” kết thúc sau 2 tập phim nữa Sau khi F9 ra rạp vào ngày 25/6, Vin Diesel nói rằng câu chuyện Fast & Furious sẽ kết thúc sau hai 2 phim nữa. Dự kiến, 2 phần có khả năng ra rạp vào năm 2023 và năm 2024. “Mỗi câu chuyện đều xứng đáng có cái kết của riêng nó. Tôi biết mọi người sẽ cảm thấy như loạt phim không cần phải kết thúc nhưng tôi nghĩ rằng tất cả những điều tốt đẹp đều nên có giới hạn” - Diesel nói trong một cuộc phỏng vấn với AP” - “Fast & Furious đã vượt qua các loạt phim khác nhưng cũng đến lúc nó phải được nghỉ ngơi”. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất