13/05/2020 12:08 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến hết ngày 11/5, Pháp có 177 ngàn ca mắc bệnh Covid-19 và đã có hơn 26 ngàn trường hợp tử vong. Hy vọng tổ chức một Liên hoan phim (LHP) Cannes như thường niên đã trở nên bất khả, khi số ca nhiễm bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục tăng mạnh. Vốn ủng hộ cách làm truyền thống, Ban tổ chức đã không muốn tiến hành tổ chức sự kiện năm nay dưới hình thức online (trực tuyến) hay virtual (ảo).
LHP Cannes được biết đến là một trong những liên hoan phim lâu đời và uy tín nhất trên thế giới. Tới nay, Cannes đã có 73 năm lịch sử kể từ lần đầu tổ chức vào năm 1946. Trong suốt 73 năm đó chỉ có 2 lần không thể tổ chức theo đúng kế hoạch thường niên.
Thay đổi cách tổ chức
Khi được hỏi về cảm nhận trước tình cảnh hiện tại, Giám đốc LHP Cannes - Thierry Fremaux cho biết, những gì đang diễn ra khiến ông bất ngờ và chưa từng có tiền lệ. “Chưa bao giờ! Ngay cả Gilles Jacob (cựu Chủ tịch LHP Cannes) cũng chưa bao giờ trải qua điều gì giống như thế này. Cannes chỉ từng bị hủy bỏ 1 lần vào thời kỳ Thế chiến II và tạm hoãn 1 lần trong sự kiện 5/1968 (thời kỳ bất ổn dân sự ở Pháp). Tôi chưa từng tưởng tượng được sự việc năm nay lại xảy ra như vậy”.
Do tình hình dịch bệnh tại Pháp không có dấu hiệu tiến triển tốt, phía Ban tổ chức đã quyết định thay đổi cách tổ chức cho năm nay. Cụ thể, đầu tháng 6 tới, LHP Cannes sẽ công bố các tác phẩm tham gia tranh giải. Các bộ phim này cũng không được chiếu tại Cannes, thay vào đó sẽ được chiếu “rải rác” ở các LHP khác.
Thierry Fremaux cũng nêu ra một số LHP sẽ “hợp tác” với Cannes như: Toronto (Canada), San Sebastian (Tây Ban Nha), New York (Mỹ), Busan (Hàn Quốc) và cả 3 LHP khác của Pháp là Lumiere, Deauville, Angouleme. Bởi tất cả LHP kể trên đều được tổ chức thường niên vào mùa Thu hoặc cuối năm. Nên hy vọng vào khoảng thời gian đó, dịch Covid-19 đã phần nào giảm sút.
Với cách thức tổ chức năm nay đổi mới, nhiều khán giả cũng sẽ thắc mắc quy trình chấm giải sẽ được tiến hành ra sao. “Tất cả chúng tôi đều làm việc tại nhà, đây cũng không phải điều tồi tệ trong suốt thời gian chấm giải. Ban giám khảo cũng rất chăm chỉ và có phong độ tốt. Chúng tôi tiếp nhận các bộ phim được gửi qua đường link (liên kết), thảo luận về chúng thông qua các ghi chú bằng văn bản hoặc cuộc họp qua điện thoại” - Thierry chia sẻ.
Kiên quyết không tổ chức online hay virtual
Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ông cho biết, số lượng “ứng cử viên” không hề giảm. “Về số lượng phim thì cũng vẫn như mọi năm, khoảng hơn 1.500 phim điện ảnh. Chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều phim tới từ châu Á, nơi bắt đầu sự bùng phát Covid-19. Dù có rất nhiều ca tử vong tại châu Âu hay châu Mỹ, số lượng phim chúng tôi nhận được không hề ít đi” - ông nói.
Nhiều nước vẫn đang thực hiện lệnh “giãn cách xã hội”, do đó nhiều hoạt động văn hóa đã chuyển qua nền tảng trực tuyến. Thế nhưng, Thierry cho biết việc tổ chức như thế không được ông đánh giá cao. Ông đã đặt ra một loạt các câu hỏi để chứng minh việc tổ chức trực tuyến không mang được “sức nặng” của sự kiện và không tránh được các rủi ro trong vấn đề bản quyền.
“Tôi muốn có ai đó giải thích cho tôi một cách chính xác nhất về một lễ hội mà lại diễn ra trực tuyến sẽ là gì? Khán giả của lễ hội đó sẽ ra sao? Nó được tổ chức như thế nào về thời gian và không gian? Liệu các đạo diễn và nhà sản xuất của các bộ phim đó có đồng thỏa thuận? Làm thế nào để bạn ngăn chặn việc vi phạm bản quyền (ghi hình)? Ai sẽ là số ít có đặc quyền để xem nó? Điều kiện tài chính sẽ là gì? Những bộ phim đó có được chiếu ra rạp?
Nhiều phương tiện truyền thông muốn có một lễ hội trực tuyến nhưng chưa hề có một nghiên cứu “nghiêm túc” nào về ý nghĩa xác thực của nó và kết quả cuối cùng sẽ ra sao. Nó chỉ thực sự có tác dụng đối với những bộ phim được phát hành trên Internet chứ không phải những bộ phim mang hy vọng được công chiếu tại rạp. Và điều đó hoàn toàn khác xa với phương châm của Cannes” - ông Thierry bày tỏ.
Dù vậy, thị trường phim Cannes - nơi triển lãm và trình chiếu các phim trong thời gian tổ chức LHP Cannes và là thị trường kinh doanh phim lớn nhất thế giới - lại được diễn ra online (từ ngày 22 đến 26/6). Như vậy, phần nào LHP Cannes cũng tương đương với một lễ hội trực tuyến? Nhắc về vấn đề này, Giám đốc LHP Cannes cho rằng: “Không hẳn vậy, thị trường phim Cannes là để dành riêng cho giới chuyên gia, không phải dành cho báo chí. Đó là nơi mà các bộ phim, trailer hay một trích đoạn được trao đổi và buôn bán. Đó không phải là một lễ hội”.
3 LHP: Cannes, Venice và Berlin là 3 sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới hàng năm. Được kết hợp trình chiếu nhiều sản phẩm phim chất lượng với tổ chức chợ phim, giao lưu và thảm đỏ với nghệ sĩ nổi tiếng. Năm nay, chỉ có LHP Berlin (Đức) là được diễn ra suôn sẻ, trước khi thế giới bùng phát dịch Covid-19. |
Thành Quách
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất