18/02/2021 19:22 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đua nhau tung ra những bộ phim về quái vật. Giải mã về trào lưu làm phim này, các chuyên gia cho rằng chúng khiến khán giả kinh ngạc - và quan trọng hơn, thách thức trí tuệ người xem khi luôn thể hiện nỗi thất vọng, sợ hãi và khát vọng bị kìm nén của các nhân vật trên màn ảnh.
Điều này gắn với một thực tế: Ở các loại phim như giả tưởng, kinh dị và khoa học viễn tưởng, người xem luôn được trải nghiệm những cảm giác giống như tham quan một thế giới mới và lạc vào trí tưởng tượng của người khác.
Tấm gương phản chiếu những nỗi bất an...
Đáng nói hơn, những hình ảnh trong phim đóng vai trò như tấm gương phản chiếu không chỉ xã hội mà còn cả mọi rắc rối, bế tắc, nỗi bất an của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Các bộ phim truyền hình gần đây của Hàn Quốc như Sweet Home (Thế giới ma quái - 2020), The Uncanny Counter (Thợ săn linh hồn - 2020) và The School Nurse Files (Nữ y tá can trường - 2020) đã khai thác các thể loại “trope” (sử dụng ngôn ngữ tượng hình nhiều hơn so với lời thoại để đạt hiệu quả nghệ thuật) vốn phổ biến ở nước ngoài và mang lại cho khán giả sự thay đổi cảm xúc.
Trong làng giải trí Hàn Quốc, thời điểm khởi đầu cho thể loại “high-concept” là bộ phim The Host (Quái vật sông Hàn) của đạo diễn Bong Joon Ho. Đây là thể loại phim gắn với sự phát triển của nhân vật và mở ra những liên tưởng tinh tế. The Host có đầy đủ các yếu tố kinh dị, hài, chính kịch và châm biếm chính trị, được gói gọn trong vỏ bọc của một phim B (phim thương mại có kinh phí thấp). Tuy nhiên, nó đã trở thành bộ phim Hàn Quốc thành công nhất phòng vé trong suốt 8 năm kể từ khi ra đời.
Sau 1 thập kỷ, thành công của The Host đã truyền cảm hứng cho nhà làm phim Yeon Sang Ho bắt tay làm dòng phim “zombie”, vốn bị coi là một thể loại phim rẻ tiền, rắc rối và thường gây khó chịu cho khán giả Hàn Quốc.
Năm 2016, Yeon Sang Ho tung ra phim Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử). Đây là phim Hàn Quốc thành công nhất năm đó, đồng thời là tác phẩm điện ảnh đầu tiên tạo được sự đột nhập vào các tổ hợp rạp chiếu trên khắp thế giới.
Phim của Yeon Sang Ho có một câu chuyện hấp dẫn - những xác sống trên tàu - cũng như tất cả những yếu tố cần thiết của một bộ phim bom tấn Hàn Quốc bóng bẩy: Dàn diễn viên hấp dẫn, các thông điệp mạnh mẽ và sự pha trộn giữa tính hài hước, căng thẳng để lôi cuốn cảm xúc của khán giả. Song điều khiến phim trở nên khác biệt là các yếu tố xã hội gắn với nó. Phim được mặc định coi như một cái nhìn về phản ứng của chính phủ đối với các trường hợp khẩn cấp mang tính quốc gia, chỉ 2 năm sau vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc khiến 250 học sinh chết đuối.
Thành công của Train to Busan đã mở ra cánh cửa cho một kiểu kể chuyện mới ở Hàn Quốc. Các hãng phim và mạng lưới hiểu rằng khán giả Hàn Quốc quan tâm đến các thể loại phim gay cấn khác nhau, thường có các yếu tố giả tưởng và kinh dị. Hơn thế nữa, với hiệu ứng hình ảnh đẳng cấp thế giới và sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu, các nhà làm phim hiểu rằng họ có thể đưa những câu chuyện đầy tham vọng hơn lên màn ảnh.
Vào thời điểm Netflix quyết định chiếu phim Hàn Quốc đầu tiên, thể loại này đang phát triển mạnh mẽ ở xứ kim chi. Phim đầu tiên mà mạng lưới phát trực tuyến khổng lồ này phát sóng là phim kinh dị “zombie”: Kingdom (Vương triều xác sống - 2019), được chuyển thể từ loạt webcomic The Kingdom of the Gods của tác giả Kim Eun Hee và họa sĩ Yang Kyung Il. Phim được giới chuyên môn đánh giá khá tích cực. Phần thứ 2 của bộ phim được phát hành vào ngày 13/3/2020 và phần 3 đang được sản xuất.
Phim Kingdom cũng bao gồm những câu chuyện ngụ ngôn về chính trị và xã hội. Những gì diễn ra ở Hàn Quốc cho thấy xu hướng này đang phát triển nhanh chóng, dần định hình phong cách riêng và tạo được sự quan tâm với mọi tầng lớp khán giả.
Và những khủng hoảng về tâm lý
Ngoài tính thẩm mỹ trong cấu trúc về các sáng tác khoa học viễn tưởng của phương Tây, đặc điểm nổi bật của những câu chuyện này còn gắn với những ý tưởng cao cả chạm đến chính trị, xã hội học và thậm chí cả thần học và siêu hình học.
Ở Hàn Quốc, một số ý tưởng này có xu hướng nảy mầm từ tư duy chủ nghĩa cá nhân. Đối với các nhà sáng tạo Hàn Quốc, động lực của bất kỳ câu chuyện nào, dù là phim gia đình hay phim kinh dị hành động, luôn bắt nguồn từ những lo lắng về sự khủng hoảng tâm lý, tình cảm.
Chẳng hạn như trong phim Sweet Home, các nhân vật chính bị mắc kẹt trong một tòa nhà cao tầng, phải đối đầu với quái vật nhưng họ biết rằng bất cứ lúc nào họ cũng có thể biến thành quái vật. Một trong những nhân vật phụ trong phim, người đã biến thành một con quái vật, trở thành một phôi thai khổng lồ nhưng vô hại, tượng trưng cho những tổn thương mà cô phải trải qua khi một người mẹ mất con.
Còn trong phim The School Nurse Files, cô y tá bảo vệ một ngôi trường khỏi những tà ma đã phải luôn chú ý tới những biểu hiện cảm xúc của học sinh. Bởi, nếu không được kiểm soát, những cảm xúc ấy có thể phát triển thành những thứ nguy hiểm hơn nhiều. Ngoài câu chuyện về tình yêu, nỗi sợ hãi và sự cô đơn, phim còn đi sâu vào sức mạnh hủy diệt của áp lực và sự cố chấp trong cuộc sống.
Hoặc, phim The Uncanny Counter xoáy vào một nhóm các chủ nhà hàng mì. Mỗi người trong nhóm đều có những khả năng đặc biệt riêng và cải trang thành các nhân viên trong nhà hàng. Họ chiến đấu với những con quỷ đang săn đuổi những linh hồn yếu đuối.
Nhìn chung, dòng phim này đưa ra lời cảnh báo: Không phải ai cũng có nguy cơ bị “ám” bởi những lực lượng siêu nhiên. Chỉ những người có khuynh hướng bạo lực và tính cách thiển cận mới có thể trở thành mục tiêu cho chúng.
Một cách thú vị, cả 3 bộ phim kể trên đều bắt nguồn từ sách hoặc webtoon. Và thực tế, còn rất nhiều câu chuyện khác đang chờ được chuyển thể. Trong số này có Yumi’s Cells, một câu chuyện giống như phim hoạt hình Mỹ Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc), nói về các tế bào bên trong não của một phụ nữ trẻ. Phim sẽ được phát sóng trên màn ảnh nhỏ trong năm nay.
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất