Giải thưởng Trần Văn Giàu (Bài 1): Ngày càng ít tác phẩm tham gia vì... quá khó?

13/09/2009 13:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua 12/9, tại TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 4 cho công trình nghiên cứu lịch sử Những di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - Hậu Óc Eo ở An Giang của PGS-TS Phạm Đức Mạnh và các cộng sự. Thế nhưng, vẫn như 3 lần trao giải trước, lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng vẫn chưa tìm được công trình nào.

Giải uy tín, trị giá giải cao nhất Việt Nam

Giải thưởng mang tên GS-NGND, AHLĐ Trần Văn Giàu bắt đầu từ năm 2003. Đến nay, giải đã được trao cho các công trình nghiên cứu lịch sử: Lần 1 cho công trình Nguyễn Tri Phương của nhà nghiên cứu Thái Hồng, lần 2 cho công trình nghiên cứu về địa chí Nam bộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, lần 3 cho Lịch sử Nam bộ kháng chiến của nhóm tác giả cách mạng lão thành...


PGS Phan Đức Mạnh (trái) nhận giải từ nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám


Giải thưởng mỗi năm sẽ trao một lần, mỗi lần duy nhất một giải ở hai lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng, vậy nhưng sau 7 năm mới chỉ có 4 công trình nhận giải. Dù giải thưởng luôn rộng mở cho tất cả người Việt Nam trên khắp thế giới.

 GS Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911, giải thưởng mang tên ông được trao vào tháng 9 hằng năm. Năm nay, GS gần 100 tuổi, nên điều kiện sức khỏe không cho phép ông đến trao giải như 3 lần trước. Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám chia sẻ: Tâm nguyện của GS Trần Văn Giàu khi thành lập giải thưởng này là muốn thế hệ sau tiếp tục công việc mà cả đời ông đã theo đuổi. GS thường nói, lịch sử nước ta rất lâu dài nhưng chúng ta biết về tổ tiên mình còn rất ít. Với lịch sử Nam bộ lại càng được biết ít hơn, do đó phải nghiên cứu nhiều hơn nữa.
Giới nghiên cứu sử học đánh giá rất cao uy tín của giải thưởng, uy tín bởi giải mang tên GS Trần Văn Giàu, do GS dùng tiền của cả đời mình thành lập quỹ để trao, lại được xét chọn rất kỹ càng, khoa học. Mỗi công trình hay tác phẩm đoạt giải Trần Văn Giàu được thưởng hàng trăm triệu đồng. Như năm nay, giá trị hiện kim mà PGS-TS Phạm Đức Mạnh và các cộng sự nhận được lên đến 150 triệu đồng, trong khi trung bình chỉ 100 triệu đã được xem là giải có tiền thưởng cao nhất Việt Nam hiện nay. Ủy ban điều hành giải thưởng cho biết: Giải cao hay thấp còn tùy thuộc vào sự trượt giá của đồng tiền. Theo báo cáo tài chính của quỹ Trần Văn Giàu, quỹ này luôn có 1 ngàn lượng vàng trong ngân hàng để lấy lãi trao giải hàng năm. Song vì trao giải không liên tục, nên số tiền gộp lại cũng như các chi phí khác tiết kiệm được đến hơn 2 tỷ đồng.


Nhưng như đã nói, giải thưởng này uy tín ở chỗ được xét rất cẩn trọng, khoa học bởi những nhà nghiên cứu lịch sử đầu ngành trong nước. Vị chủ tịch ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu hiện nay là nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám, trước đó là nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã qua đời tháng 4/2007, cùng với 6 vị ủy viên khác là những GS, TS uy tín. Chưa kể giải mang tên Trần Văn Giàu - người đã gắn bó cả đời mình với lịch sử cũng đã tạo ra một uy tín bao trùm với những ai có tác phẩm dự thi.

Nhưng vẫn lo cho sự tồn tại

     PGS-TS Phạm Đức Mạnh, chủ nhân giải thưởng Trần Văn Giàu năm nay cho biết: Sẽ dùng tiền của giải để khắc phục những mặt còn tồn tại của công trình và làm từ thiện.
Nghịch lý là, giải uy tín, giá trị giải thưởng bằng hiện kim rất cao nhưng tác phẩm, công trình gửi về tham dự mỗi ngày mỗi ít. Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám gọi hiện tượng đó là một nguy cơ về sự tồn tại của giải. Ông Tô Bửu Giám công khai: Lần đầu có 43 tác phẩm dự giải, sau đó còn 14, rồi 7 và lần này chỉ được 5 công trình. Chưa kể là nhiều công trình gửi về dự giải đã phạm quy. Như trong 43 tác phẩm gửi về dự giải Trần Văn Giàu lần 1 thì có đến 34 tác phẩm không hợp lệ.


Tại sao giải thưởng Trần Văn Giàu ngày càng ít tác phẩm gửi về tham dự? Câu hỏi này được rất nhiều cử tọa tham gia lễ trao giải sáng qua quan tâm. Phần đông cho rằng, những tiêu chí của giải thưởng là “quá khó”, ngay cả với những người làm khoa học chứ chưa nói đến những người chỉ có lòng đam mê nghiên cứu lịch sử. Khó bởi, giải thưởng khoanh vùng cho những công trình nghiên từ cực Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận) và Nam bộ, lại chỉ trao một giải duy nhất cho mỗi lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng. Riêng lịch sử tư tưởng lại càng khó, vì thế từ ngày thành lập giải đến nay chưa có tác phẩm nào được vinh danh. Lĩnh vực này khó đến độ, ủy ban giải thưởng phải có hẳn một gợi ý gồm nhiều “gạch đầu dòng” để những ai quan tâm tìm tòi nghiên cứu. Chẳng hạn như lịch sử tư tưởng không chỉ có trong triết học mà còn có ở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cũng như của các danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Ngô Nhân Tịnh... cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Nam bộ.

“Mỗi năm có hai giải, giá trị như nhau: Một cho lĩnh vực lịch sử và một cho lịch sử tư tưởng. Yêu cầu mỗi lĩnh vực phải phát hiện, sáng tạo những gì mới, nghĩa là những vấn đề chưa được nghiên cứu hay đã nghiên cứu nhưng chưa sâu, chưa có luận cứ khoa học vững chắc, chưa in thành sách hoặc đã in không quá 2 năm kể từ ngày in. Cái mới hoàn toàn không có nghĩa xuất phát từ con số không mà có sự nối tiếp, kế thừa nhưng có điểm khám phá mới” (nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu).

Kỳ sau: Vì sao 4 năm liền không có giải “lịch sử tư tưởng”?

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm