26/12/2022 08:35 GMT+7 | Văn hoá
Tối 23/12 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) đã trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2022, với 4 giải A, 15 giải B, 13 giải C, 11 giải Khuyến khích. Đây cũng là Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Từ hơn 50 nhạc sĩ - nghệ sĩ trở về từ chiến khu, lập hội giữa Hà Nội, đến nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có hơn 1.500 hội viên, thuộc 4 chuyên ngành sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo.
Khí nhạc thiếu vắng giải A
Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 261 tác phẩm của 261 tác giả là hội viên, mỗi người chỉ được dự thi một thể loại, với một tác phẩm. Trong đó có 199 tác phẩm thanh nhạc, 19 ca khúc thiếu nhi, 6 giao hưởng, 5 độc tấu - hòa tấu thính phòng, 12 hợp xướng và a cappella; 6 ca khúc nghệ thuật; 6 chương trình biểu diễn; 9 công trình lý luận, gồm sách biên soạn và các tập bài báo về âm nhạc.
Hội đồng nghệ thuật đã làm việc khoa học và công tâm để chọn ra những công trình có chất lượng và quyết định trao giải thưởng cho 72 tác phẩm xuất sắc. Theo đó, 6 giải A thuộc về các ca khúc Duyên (Huỳnh Tấn Phát), Ơi con sông mặt trời (Nguyễn Đình Nghĩ), Chúc mừng năm mới (Nguyễn Như Thắng), Tự hào là người lính (Huyền Ngọc), ca khúc thiếu nhi Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh (Tạ Duy Tuấn), 13 bài báo viết về âm nhạc của Phan Thuận Thảo.
Nhìn vào các giải thưởng, có thể thấy ca khúc vẫn là mảng chiếm đa số về số lượng tác giả tham dự, cũng như số lượng trao giải. Trong khi đó, lĩnh vực mang tính "đối xứng" với thanh nhạc, có yêu cầu chuyên môn sâu là khí nhạc (bao gồm giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, ca khúc nghệ thuật…) không có giải thưởng cao.
Cụ thể, không có giải A cho lĩnh vực khí nhạc. Ngoài ra, ở thể loại thính phòng và ca khúc nghệ thuật không có giải B và thể loại giao hưởng không có giải B và C (chỉ có giải Khuyến khích).
Nếu nhìn lại giải thưởng trong những năm gần đây, thì điều này cũng là một thực tế không mới. Tuy nhiên, việc thường xuyên thiếu vắng những giải thưởng cao ở thể loại khí nhạc cũng phần nào phản ánh sự thiếu hụt quan trọng những tác phẩm tầm cỡ, quy mô, đóng vai trò phát triển cân bằng "hai chân" trong lĩnh vực âm nhạc bấy lâu nay: Thanh nhạc và khí nhạc.
Không chỉ là khen - chê
Cũng với câu chuyện khí nhạc không có tác phẩm đoạt giải cao, Hội đồng nghệ thuật còn có nhiều "trăn trở" về chuyên môn với những tác phẩm dự thi ở thể loại này. Đó là các tác giả còn gặp nhiều lỗi trong tư duy sáng tạo, cũ, lặp lại hoặc mới quá, đến độ phủ định cái cũ, khiến tác phẩm trở nên xa lạ, không đem lại hiệu quả với người nghe. Đặc biệt là không có tác phẩm nào được thu trực tiếp cùng dàn nhạc, mà chỉ được dàn dựng từ đàn điện tử để mô phỏng âm nhạc thính phòng, làm giảm chất lượng tác phẩm.
"Nhiều khí nhạc mà thiếu nhạc khí, không có tính tương phản chủ đề, hình thức đơn giản. Hợp xướng và ca khúc nghệ thuật chưa đạt tới những tiêu chuẩn của thể loại, cấu trúc không có sự phát triển trong âm nhạc. Tính chuyên nghiệp giảm trong tư duy sáng tạo và thể hiện trong tác phẩm. Phần piano đệm cho các romance yếu, còn làm giảm hiệu quả giai điệu, các tác phẩm acappella cũng không soạn đúng quy luật hợp xướng, không nhạc đệm, nên các giọng hát không tôn nhau, chỉ có đồng âm hoặc canon".
Đây là những dẫn chứng được Ban tổ chức nêu thẳng thắn tại lễ trao giải. Cũng vì thế, dù đã có tuổi đời được duyệt vào hàng "truyền thống", nhưng đến thời điểm này, sự phát triển của khí nhạc vẫn bị cho là… non trẻ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam) nhấn mạnh: "Phải luôn sáng tạo để tìm đến điều mới, khát khao giá trị mới".
Ông nói: "Để không lặp lại chính mình cũng như bóng dáng cha ông, đồng nghiệp, việc khẳng định bút pháp, tiếng nói, phong cách của nhạc sĩ là vô cùng quan trọng. Và để mỗi nhạc sĩ là một tư duy âm nhạc, để lại những tác phẩm đi cùng năm tháng, xanh mãi với thời gian, mỗi người cần đi trên con đường của ý chí, nghị lực. Nếu không sẽ đứng trước nguy cơ: Dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, cụ thể là không vươn lên tính chuyên nghiệp mà còn bị nghiệp dư hóa trong tất cả các lĩnh vực".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói thêm: "Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, cần có phương tiện và ngôn ngữ âm nhạc để không cần phiên dịch và vượt qua biên giới, đến với thế giới. Điều này không chỉ giải quyết bằng khía cạnh ca khúc, mà còn phải đào tạo, huấn luyện để cho ra đời những tác phẩm khí nhạc mang tư tưởng lớn, đáp ứng những thay đổi mang tính thời sự và lịch sử".
"Bước vào thời kỳ mới, tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sĩ đi trước, lớp nhạc sĩ kế cận và các nhạc sĩ trẻ vẫn duy trì định hướng "Đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân". Tiếp tục cống hiến hết mình trong hoạt động âm nhạc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" - nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất