Giải mã cuộc đời của 'Thánh nữ hội họa' Frida Kahlo

12/08/2021 08:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù cực kỳ nổi tiếng khi sinh thời, nhưng trong đời mình, nữ họa sĩ Mexico Frida Kahlo (1907-1954) vẽ ít tranh đến mức đáng kinh ngạc. Nhưng giờ đây, toàn bộ 152 bức tranh của bà đã xuất hiện trong cuốn sách mới mang tựa đề Frida Kahlo: The Complete Paintings (tạm dịch: Frida Kahlo - Những bức tranh hoàn chỉnh).

Frida Kahlo & Diego Rivera - Cặp họa sĩ danh tiếng nhất Mexico

Frida Kahlo & Diego Rivera - Cặp họa sĩ danh tiếng nhất Mexico

Phòng trưng bày Pallant House (Anh) đang tổ chức triển lãm về nữ họa sĩ Mexico nổi tiếng Frida Kahlo (1907 - 1954) và chồng là Diego Rivera (1886 - 1957).

“Trước hết, Kahlo là ai? Bà nghĩ gì về tác phẩm của chính mình? Bà muốn đạt được điều gì với tư cách là một nghệ sĩ? Và bản thân những bức tranh này có ý nghĩa gì?” - nhà sử học nghệ thuật Mexico Luis - Martin Lozano nói về cuốn sách trong một cuộc phỏng vấn với BBC.

30 năm nghiên cứu về Frida Kahlo

Cuốn sách có giá 200 USD, sẽ được xuất bản vào ngày 15/8, bao gồm bản sao và phân tích tất cả các bức tranh nổi tiếng của Kahlo, trong đó có một số tác phẩm đã bị thất lạc. Ngoài ra, sách có nhiều bức ảnh về họa sĩ Mexico vĩ đại này và những câu chuyện đằng sau các tác phẩm của bà.

Thực tế, 152 bức tranh của Kahlo được thực hiện từ năm 1924 đến năm 1954, được xác định theo nguồn gốc và lịch sử triển lãm của chúng. Những bức tranh đã bị phá hủy hoặc không rõ nơi lưu giữ, hiện tại, chỉ được xác định bằng những bức ảnh.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Frida Kahlo: The Complete Paintings"

Để hoàn thành dự án đầy tham vọng này, Lozano và cộng sự đã có 30 năm nghiên cứu về nữ họa sĩ cũng như các tác phẩm nghệ thuật – đa phần nằm trong các bộ sưu tập tư nhân hiếm khi được cho mượn hoặc sao chép. Nói với Artnet News, Lozano lưu ý rằng một số bức tranh trong số này đã không được triển lãm trong hơn 80 năm qua: “Những người viết về Kahlo có xu hướng lặp đi lặp lại những ý tưởng giống nhau và những bức tranh giống nhau. Họ không nghiên cứu thực sự về Kahlo”.

Ngoài việc giới thiệu các tác phẩm ít được biết đến của Kahlo, Lozano hy vọng rằng cuốn sách cũng sẽ mở rộng sự hiểu biết của độc giả về họa sĩ, từ đó hiểu hơn về cách mà chúng minh họa cho suy nghĩ của Kahlo, bản sắc Mexico, các cuộc đấu tranh về sức khỏe cũng các mối quan hệ lãng mạn của bà.

“Các bức tranh của Kahlo nói nhiều về các vấn đề xã hội và lịch sử hơn là những gì đã được chỉ ra. Tôi tin, chúng bộc lộ về nữ họa sĩ còn hơn cả cuốn tiểu sử về bà” - Lozano khẳng định.

Chú thích ảnh
Bức chân dung tự họa được Frida Kahlo vẽ vào năm 1929

Cầm cọ vẽ sau bi kịch

Kahlo được xem là nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời, được mệnh danh là “Thánh nữ” hội họa của thế kỷ 20. Những bức chân dung và bức chân dung tự họa của bà đã phản ánh một cách trần trụi tấn bi kịch cuộc đời mình, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới trong 5 thập kỷ qua.

Frida Kahlo sinh ngày 6/7/1907 tại vùng ngoại ô Mexico. Năm lên 6 tuổi, Kahlo mắc bệnh bại liệt, chân phải teo đi. Thời tuổi trẻ, Kahlo mong muốn trở thành bác sĩ, tuy nhiên năm 18 tuổi, bà gặp một tai nạn xe buýt nghiêm trọng khiến không thể đi lại trong 3 tháng. Khi ấy, bà bắt đầu cầm cọ vẽ.

Kahlo có một giá vẽ được chế tạo đặc biệt cho phép bà vẽ trên giường, kèm theo một chiếc gương được đặt phía trên nó để bà có thể nhìn thấy chính mình. Kahlo tuyên bố rằng vụ tai nạn và giai đoạn phục hồi khiến bà “bắt đầu vẽ tranh giống như thấy sự vật với đôi mắt của chính mình và không có gì hơn”.

Chú thích ảnh
Một bản phác thảo bằng bút chì của Kahlo là sự khác biệt với màu sắc rực rỡ thường thấy trong các bức tranh của bà

Chiếm 1/3 trong số toàn bộ tác phẩm của Kahlo, những bức chân dung tự họa của bà từ lâu đã là tác phẩm “hái ra tiền” khi chúng trở thành những hình ảnh trang trí cho các loại đồ dùng từ chậu hoa đến đệm yoga, thậm chí là mặt nạ, dành cho người hâm mộ Kahlo.

Nhiều tài liệu trong cuốn sách cũng cung cấp thông tin về tai nạn thay đổi cuộc đời của Kahlo ở tuổi 18, khi bà phải nằm liệt giường và chuyển sang nghệ thuật để giải tỏa cảm xúc. Những tài liệu đó còn đề cập mối quan hệ rạn nứt của bà với nghệ sĩ Mexico Diego Rivera, đến sự ngoại tình của cả hai bên, thậm chí là việc họa sĩ quan hệ với cả hai giới. Ngoài ra, người đọc cũng được biết về nỗi đau đớn khi làm mẹ, niềm đam mê đối với động thực vật sự ảnh hưởng từ văn hóa Mexico trong tính cách mãnh liệt của bà.

Câu chuyện đằng sau những bức tranh

Tuy nhiên, cuốn sách dày 624 trang của Lozano mang lại đến những điều thú vị không chỉ cho những người hâm mộ mà còn cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về Kahlo.

Độc giả có thể ngạc nhiên khi xem nhiều tác phẩm ít được biết đến của Kahlo. Chúng bao gồm các bản phác thảo bằng bút chì như Showing the Scar (1938), các bức tranh tĩnh vật bao gồm Long Live Life (1953), các tác phẩm siêu thực như What the Water Gave Me (1938-1939) và các bức chân dung thời kỳ đầu cho thấy rõ sự khác biệt về phong cách của bà với các bức tranh nổi tiếng sau này.

Chú thích ảnh
Chụp X-quang bức tranh “Itzcuintli Dog With Me” cho thấy bức tranh này vẽ đè lên một tác phẩm bên dưới

Song, trung tâm của cuốn sách này là danh mục dài hơn 100 trang, trong đó Lozano và các đồng nghiệp của ông đã dày công nghiên cứu lịch sử và bối cảnh và đôi khi là cả mốc thời gian xuất hiện các tác phẩm của Kahlo. Kèm theo các cuộc phỏng vấn, các bài báo, hình ảnh, ghi chú, trang nhật ký và thư cá nhân bằng chữ viết tay của chính Kahlo đã xác định rõ những câu chuyện xung quanh những tác phẩm của bà.

Điều nổi lên ở đó là những câu chuyện rất “đời thường” trong cuộc sống của nghệ sĩ. Ví dụ, bức tranh Ixcuhintli Dog with Me mà Kahlo vẽ vào khoảng năm 1938, đã được vẽ đè lên một bức tranh trước đó. Sau đó, kết hợp các hoàn cảnh khác trong cuộc đời của Kahlo, các nhà sử học suy đoán rằng bà đã sử dụng lại bức tranh thời điểm đó, khi eo hẹp tiền bạc và bị thúc ép giao tác phẩm cho một cuộc triển lãm.

Chú thích ảnh
Bức chân dung tự họa tặng bác sĩ Farill của Kahlo đã từng khiến độc giả thắc mắc suốt hàng chục năm

Tương tự, đó là tác phẩm mà Kahlo để lại cho bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình yêu quý của mình, Tiến sĩ Juan Farill, với tựa đề Still Life (Tĩnh vật dành riêng cho Tiến sĩ Juan Farill). Trên lá cờ Mexico nhỏ nhắn đâm vào quả dưa hấu bà đã viết: “Cuộc sống muôn năm và D Juan Farill”. Song, những bức ảnh cũ hơn của tác phẩm này tiết lộ rằng ban đầu Kahlo đã viết “Juanito” - một cách xưng hô thân mật hơn với mọi người bằng tiếng Tây Ban Nha. Theo phỏng đoán, bà đã suy nghĩ rằng Farill là người mà mình kính trọng nên đã viết đè lên khiến cho bức tranh hơi lem nhem.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, cuốn sách là hành trình của một biểu tượng nghệ thuật, người đã nắm bắt tuyệt vời nhân tính của mình trên toan vẽ.

“Bí mật” về bác sĩ Juan Farill

Năm 1951, Kahlo đã viết trong nhật ký của mình: “Trong 1 năm qua, tôi không khỏe. Bảy lần phẫu thuật cột sống, bác sĩ Farill đã cứu tôi. Ông đã trả lại cho tôi niềm vui trong cuộc sống.Tôi đã bắt đầu vẽ bức tranh nhỏ mà tôi sẽ tặng bác sĩ Farill và đang vẽ với tình cảm sâu nặng”.

“Bức tranh nhỏ” đó là bức chân dung tự họa cuối cùng mà Kahlo vẽ và thêm vào chữ ký của mình. Và những dòng nhật ký đã khiến nhiều người thắc mắc: Bác sĩ Farill là ai? Tại sao Kahlo lại ăn mặc như vậy? Bảng màu nằm trên đùi bà có phải là hình một trái tim? Theo tác giả Lozano, câu trả lời đang nằm trong cuốn sách.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm