"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng

08/04/2025 07:11 GMT+7 | Giải trí

Ngay sau khi ra mắt công chúng từ những buổi chiếu sớm tại TP.HCM và Hà Nội, phim điện ảnh Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyện đã lập tức tạo nên một "cơn sốt" phòng vé. Đây là điều không dễ gặp, khi một bộ phim về đề tài chiến tranh lại có được sức hút mạnh mẽ như vậy với khán giả, trong đó có rất nhiều người trẻ.

Cơn sốt này đến từ câu chuyện về huyền thoại địa đạo Củ Chi, từ cách làm phim, hay từ những lý do nào khác?

11 năm ám ảnh của Bùi Thạc Chuyên

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối được công chiếu trên toàn quốc từ 4/4. Và theo các thống kê tạm thời, tính tới chiều tối 7/4, phim đã có doanh thu rất ấn tượng với con số 75 tỷ đồng. Trước đó, phim có 1 năm chuẩn bị và 1 năm ghi hình.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết anh từng ám ảnh về trận chiến Củ Chi suốt 11 năm. Anh cùng dàn diễn viên nhiều lần đến vùng "đất thép" để nghe những câu chuyện xung quanh trận chiến, lấy tư liệu từ những người đã chiến đấu để được sống lại trong bầu không khí chiến tranh.

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 1.

Thái Hoà có cảnh “đinh” trong phim

Phim lấy bối cảnh Củ Chi từ năm 1967, vốn phải hứng chịu những trận càn quét bằng bom rơi lửa đạn của quân đội Mỹ khiến nơi đây như một vùng đất chết. Đội quân du kích 21 người của Bảy Theo (Thái Hòa đóng) nhận nhiệm vụ "bảo vệ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến" của nhóm Hai Thưng (Hoàng Minh Triết). Nhưng thực chất, nhiệm vụ của họ còn nặng nề hơn nhiều: Bảo vệ địa bàn an toàn để nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng truyền đi những tài liệu mật quan trọng bằng sóng vô tuyến. Nhưng cũng từ đây, các chiến sĩ đối diện với các cuộc càn quét địa đạo ngày càng khốc liệt hơn.

Không tái hiện sự tàn khốc của chiến tranh bằng những thước phim tư liệu, đoàn phim dựng nên một phim trường hoành tráng và sống động, do vậy từng khung cảnh đều chân thật, chạm đến cảm xúc người xem. Những vũ khí ấn tượng được Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ đoàn phim như xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 cùng các loại khí tài quân sự khác đã góp phần tạo nên sự hoành tráng trong phim.

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 2.

Vai diễn của Thái Hòa

Trong phim, chú Sáu (NSƯT Cao Minh) đã tuyên bố trước kẻ địch: "Tụi bây không thể nào thắng được vì đây là chiến tranh nhân dân. Trước tụi bây là quân Pháp cũng không tài nào thắng được". Nhưng quả thật, đây là một cuộc chiến không cân sức. Quân đội Mỹ với máy bay, trực thăng và vũ khí hạng nặng trong khi đội quân du kích của Bảy Theo chỉ có 21 người. Địch thả bom từ trên trời, lùng sục dưới mặt đất, thiêu rụi mọi thứ chúng đi qua trong khi các chiến sĩ du kích trốn dưới lòng đất để cầm cự, để chiến đấu bằng vũ khí được chế tạo từ xác bom của quân địch. Nhưng các du kích lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu, họ luôn sẵn sàng hy sinh vì đồng đội.

Trừ cảnh đầu phim có đôi chỗ vụn vặt, nhịp phim sau đó căng như sợi dây đàn, từ cảnh quân đội Mỹ lùng sục cả một vùng đất để tìm diệt các chiến sĩ "Việt cộng" đến những trường đoạn đấu tranh tâm lý của đội quân du kích.

Tất cả tạo nên sự dồn dập, kịch tính khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình. Đây là bộ phim chiến tranh hiếm hoi giữ chân khán giả, dù thời lượng kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Dù vậy mạch phim nhanh và bầu không khí nghẹt thở tạo ấn tượng mạnh với người xem.

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 3.

Poster phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"

Một lời khen khác dành cho Bùi Thạc Chuyên: Màu phim rất điện ảnh, từng khung hình, từng chuyển động đều rất đặc sắc khiến người xem trầm trồ, dù điều kiện quay phim rất tối giản.

Trước đó, ê-kíp phải dựng một đường hầm để quay phim do không thể đưa máy quay vào địa đạo thật. Dù vậy, việc di chuyển và điều kiện ánh sáng rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, đoàn phim vẫn tạo nên những thước phim đắt giá.

128 phút của bộ phim làm khán giả sửng sốt vì trận chiến hoành tráng nhưng cũng lấy không ít nước mắt vì nghĩa khí của quân du kích.

Theo các thống kê tạm thời, tính tới chiều tối 7/4, phim đã có doanh thu rất ấn tượng với con số 75 tỷ đồng.

Tình yêu trong mưa bom lửa đạn

Trước khi quay phim, dàn diễn viên gồm Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Hằng Lamoon… được huấn luyện trên thao trường. Họ phải siết cân, tập bơi và thở dưới nước, bắn súng… dưới sự huấn luyện của Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Như lời kể, Hằng Lamoon khóc và muốn bỏ cuộc nhiều lần bởi trước đây, nữ ca sĩ chỉ biết cầm micro nhưng giờ phải trải qua khóa huấn luyện dù liên tục đứng bét trên bảng xếp hạng. Còn Hồ Thu Anh cho biết cô may mắn có mặt trong hầu hết cảnh quay lớn nên rất nghiêm túc tập luyện, mỗi ngày ở phim trường như sống trong thời chiến, chứ không phải "cưỡi ngựa xem hoa".

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 5.

Hồ Thu Anh và Diễm Hằng Lamoon trải qua khóa huấn luyện gian khổ “như chiến tranh thật sự)

Sự dấn thân của dàn diễn viên được chứng minh trong suốt 128 phút xem phim. Ở đó, diễn viên Quang Tuấn phải giảm 14kg để vào vai Tư Đạp - chiến sĩ được lấy cảm hứng từ anh hùng vũ trang Tô Văn Đực - cho phù hợp thực tế. Hình ảnh một thanh niên mảnh khảnh, gầy rộc và đen nhẻm, lúc nào cũng để lưng trần khiến không ít người kinh ngạc trước sự xả thân của anh.

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 6.

Tư Đạp (phải) và Ba Hương có tình yêu đẹp trong khói lửa chiến tranh

Nhưng họ không chỉ gây ấn tượng về mặt tạo hình, mà còn ở một cuộc chiến tâm lý khi trải qua mất mát, tang thương. Trong phim, Ba Hương (Hồ Thu Anh) là một chiến sĩ du kích tính tình nóng nảy, cộc cằn nhưng hết lòng lo cho Út Khờ (Hằng Lamoon). Còn Tư Đạp giữa làn mưa đạn của kẻ thù vẫn một lòng hướng về Ba Hương. Tình yêu của họ nảy nở vượt qua cả hiểm nguy để trở thành nét thơ mộng trong cuộc chiến căng thẳng. Cảnh nóng của cặp đôi đặt trong làn mưa bom bão đạn trút xuống địa đạo bỗng xoa dịu bớt sự tàn khốc của chiến tranh.

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 7.

Quang Tuấn giảm 14 ký để vào vai Tư Đạp

Cảnh quay ấn tượng nhất có lẽ thuộc về Thái Hòa. Khi Bảy Theo hỏi Hai Thưng rằng chú Sáu và con gái mình đã đến chỗ an toàn chưa, không nhìn mặt, Hai Thưng chỉ nói "không nghe tin tức gì, chắc an toàn". Nhưng nhìn các chiến sĩ khác vội tránh ánh nhìn của mình, đội trưởng đội du kích đã biết được tin xấu. Ánh mắt Bảy Theo bần thần, cảnh quay bỗng rung lắc cho thấy một trận chiến khác đang diễn ra trong anh. Giữa tình riêng và nhiệm vụ cấp bách, môi Bảy Theo chỉ mấp máy "không sao, vẫn ổn. Sẵn sàng cho nhiệm vụ" khiến người xem xúc động theo anh.

Đây là chi tiết đắt giá nhưng lại không phải cảnh khó với Thái Hòa. Bởi một khi đã sống với nhân vật, nắm bắt được tâm lý chặt chẽ và lắng nghe chỉ đạo của Bùi Thạc Chuyên, anh cảm thấy mọi thứ dễ dàng và trơn tru. Để rồi, điều nam diễn viên chia sẻ khi hoàn thành xong bộ phim này là: "Tôi nghĩ rằng được sinh ra và sống trong thời bình là may mắn rồi".

"Giải mã" cơn sốt "địa đạo" (Kỳ 1): Tái hiện trận chiến Củ Chi sống động, hoành tráng - Ảnh 8.

Vai diễn của Hồ Thu Anh

Các diễn viên khác dù thời lượng xuất hiện không nhiều nhưng cũng đủ để lại ấn tượng. Các chiến sĩ du kích vừa là lính, vừa là anh chị em của Bảy Theo nên trước trận chiến lớn, anh đưa họ đến một nơi an toàn hơn để "còn có đứa lo cho bà già nữa chứ". Dù vậy, không một ai rời đi, quyết bám trụ đến cùng. Bởi vì khi vào địa đạo, họ xác định "rồi sẽ chết". Và khi chứng kiến người em, đồng đội hy sinh, không một chút sợ hãi, họ dũng cảm lao ra biển lửa để báo thù.

Nhưng bộ phim của Bùi Thạc Chuyên không chỉ có chiến tranh và cái chết. Giữa lằn ranh mong manh của giết và bị giết, tính nhân văn lại được đề cao dù chỉ lướt qua. Đó là khi Ba Hương và Tư Đạp chứng kiến kẻ thù còn sống, môi mấp mé xin nước uống. Thay vì lựa chọn trả thù cho đồng đội, họ chọn cứu sống kẻ vừa mấy phút trước đã tìm cách giết mình. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy cũng đủ giúp Địa đạo đẹp hơn rất nhiều so với chúng ta chờ đợi.

Không việc gì phải căng thẳng

Vào vai Ba Hương, Hồ Thu Anh từ những ngày đầu ra phim trường đã tự đặt cho bản thân nhiều áp lực nên cô luôn trong tình trạng "căng cứng". Điều đó thể hiện rõ trong những cảnh đầu phim, khi nhân vật Ba Hương còn khá "gồng", đến giữa phim cô mới thoải mái và dần gây ấn tượng.

Diễn viên xuất thân từ người mẫu tiết lộ rằng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận ra điều này nên gọi cô đến nhắc nhở "không việc gì phải căng thẳng như vậy". Từ đó, Hồ Thu Anh mới dần thả lỏng và nhập vai tự nhiên hơn.

(Còn tiếp)

Kim Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm