23/09/2021 19:33 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi các nhà nghiên cứu tìm thấy một loạt tác phẩm điêu khắc hình lạc đà có kích thước như ngoài đời thật vào năm 2018 ở sa mạc phía Bắc Saudi Arabia, họ đã ước tính những tác phẩm nghệ thuật này có niên đại khoảng 2.000 năm và được tạo ra sau khi kết thúc Thời đại đồ sắt. Còn bây giờ, kết quả nghiên cứu mới cho thấy những hình khắc này có niên đại cao hơn gấp 4 lần, nghĩa là 8.000 năm.
Cũng cần nhắc lại, sau thời điểm phát lộ, khu vực này đã được gọi là “Di chỉ Lạc đà” và giành được sự quan tâm đặc biệt trên thế giới.
Phù điêu động vật 3 chiều cổ xưa nhất thế giới
Theo Arab News đưa tin, mốc thời gian mới được xác định có thể sẽ khiến loạt điêu khắc lạc đà này trở thành phù điêu 3 chiều có tuổi đời cao nhất thế giới – khi Kim tự tháp Giza của Ai Cập có 4.500 năm tuổi, còn khu vòng tròn đá cổ Stonehenge của Anh được xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm.
Để xác định niên đại cho di chỉ, các nhà khoa học đã phân tích hóa học các dấu vết công cụ và dấu ấn thời tiết trên các tác phẩm điêu khắc này, cũng như các mảnh vỡ từ lớp trên cùng củacác tảng đá.
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Maria Guagnin thuộc Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Đức, nói với tờ National: “Có những con lạc đà có kích thước giống như thật và khắc chồng lên nhau hai hoặc ba lớp. Chúng đẹp vô cùng, dù trong tình trạng bị xói mòn nặng”.
Về tổng thể, tại di chỉ này, các nghệ sĩ cổ đại đã chạm khắc các hình ảnh vào các mỏm đá. Ngoài khoảng một chục con lạc đà, các tác phẩm nghệ thuật còn mô tả các loài động vật có thể là lừa, la hoặc ngựa. Ban đầu, việc ước tính niên đại của tác phẩm được thực hiện một phần dựa trên sự tồn tại của các bức phù điêu lạc đà khác tại Petra của Jordan. Chúng được tạc vào đá và có tuổi thọ khoảng 2 thiên niên kỷ. Tuy nhiên với những phát hiện mới, rõ ràng những bức khắc tại Jordan “chưa đủ tuổi” để so sánh với Di chỉ Lạc đà.
Cũng cần nói thêm, giới nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu của đồ gốm hoặc việc sử dụng các công cụ kim loại tại Di chỉ Lạc đà. Bài viết của Stephanie Pappas trên Live Science cho rằng, những người thợ chạm khắc lạc đà đã sử dụng các công cụ làm từ đá có tên “chert”, được mang đến từ cách đó ít nhất 10km. Khi làm việc, họ đã cần một số loại giàn giáo để tiếp cận các phần cao hơn của bề mặt đá. Việc khắc mỗi bức phù điêu mất từ 10 đến 15 ngày và dự án đầy tham vọng này có thể là một nỗ lực của rất nhiều người
Đáng nói, một số con lạc đà được mô tả trong tác phẩm phù điêu có đường viền cổ phình ra và bụng tròn - những đặc điểm điển hình của các loài động vật trong mùa giao phối.
“Các cộng đồng thợ săn và người chăn nuôi có xu hướng rất phân tán và di động. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải gặp nhau vào các thời điểm thường xuyên trong năm, để trao đổi thông tin và cho động vật phối giống. Như vậy, từ tính biểu tượng của các tác phẩm điêu khắc, đây có thể là một nơi để gắn kết cả cộng đồng lại với nhau” – TS Guagnin nói thêm.
Một biểu tượng đặc biệt?
Các sử liệu cũ cho thấy: Vào thời điểm các bức tượng được tạo ra, (khoảng thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên), bán đảo Arab tràn các ngập đồng cỏ và ẩm ướt hơn nhiều so với hiện tại.
Các nhà nghiên cứu tin rằng những tác phẩm điêu khắc này có thể là một phần của “cuộc họp thường niên” hàng năm của một cộng đồng người người trong thời kỳ đồ đá mới. Việc tái tạo các quá trình chạm khắc và thời tiết tại địa điểm cho thấy nó đã được sử dụng trong một thời gian dài, trong đó các tấm được khắc lại và định hình lại.
Theo Guagnin: “Các cộng đồng thời kỳ đồ đá mới nhiều lần hoạt động tại Di tích Lạc đà, có nghĩa là tính biểu tượng và chức năng của nó đã được duy trì qua nhiều thế hệ”. Có nghĩa, trong một chừng mực, có thể thấy khu di chỉ này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc duy trì các mối liên kết trong cộng đồng.
Guagnin cũng cho biết thêm, những con lạc đà được hiển thị trong hình ảnh có thể là lạc đà hoang dã. Bởi, quá trình thuần hóa lạc đà sớm nhất chỉ có thể diễn ra vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Cư dân thời kỳ đồ đá mới ở Arab chỉ chăn nuôi cừu và dê, song song với việc săn lạc đà hoang dã.
Trước nguy cơ các bức khắc này đang bị xói mòn theo thời gian, các nhà nghiên cứu đề nghị chúng cần được tìm hiểu càng nhanh càng tốt. “Việc bảo tồn di chỉ này hiện là chìa khóa quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai” - Guagnin nói.
Có tác phẩm nghệ thuật trên đá 12.000 năm tuổi
Thực tế, sự hiện diện của con người ở bán đảo Arab đã có từ 1 triệu năm trước. Trong số 4.000 di chỉ khảo cổ đã phát lộ ở Saudi Arabia, có 1.500 di chỉ bao thuộc dạng khắc trên đá, trong đó các tác phẩm sớm nhất có niên đại khoảng 12.000 năm trước. Những tác phẩm điêu khắc này (ở dạng đơn giản, không phải là bức khắc 3 chiều như tại di chỉ Lạc đà) thường có hình ảnh những người đàn ông và phụ nữ đeo mặt nạ đang nhảy múa, và các chuyên gia tin rằng họ có thể là những vị thần, mặc dù ý nghĩa vẫn chưa rõ ràng.
Từ 10.000 đến 8.000 năm trước, con người bắt đầu chăn gia súc và tiến hành nông nghiệp nguyên thủy. Trong thời kỳ này, các bức khắc ngày càng thể hiện nhiều gia súc và chó. Các chuyên gia tin rằng những con vật này đã được thuần hóa và là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Một số bức khắc bao gồm hình ảnh của linh dương quý hiếm, lạc đà hoang dã và lừa châu Phi, trước đây không được biết là sống ở khu vực này.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết: “Giờ đây, chúng ta có thể kết nối Di chỉ Lạc đà với một thời kỳ tiền sử, khi các cư dân mục vụ ở phía Bắc Arab bắt đầu có ý thức tạo ra nghệ thuật đá”.
Đáng nói, các hình chạm khắc theo kiểu phù điêu 3 chiều trên mặt đá có thể được tìm thấy ở các vùng của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng rất hiếm ở Saudi Arabia. Trong khi đó, khu vòng tròn đá cổ Stonehenge của Anh được coi là di tích nổi tiếng nhất gắn với kiểu điêu khắc này. Các nghiên cứu cho rằng khu vòng đá được xây dựng từ khoảng 5000 năm trước. Một số viên đá được cho là có nguồn gốc từ một mỏ đá ở Wales, cách đài tưởng niệm Wiltshire khoảng 225 km.
Nghiên cứu là một nỗ lực chung của Bộ Văn hóa Saudi Arabia, Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp và Đại học King Saud. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất