29/08/2024 08:28 GMT+7 | Bóng đá Việt
Theo lịch trình thì chưa đầy 1 tháng nữa, trái bóng giải hạng Nhất 2024/25 sẽ được lăn đi trên khắp sân cỏ cả nước. Tuy vậy, nhìn vào những chuyển động trước thềm mùa giải mới đã thấy nhiều ưu tư.
Sau rất nhiều thắc thỏm đợi chờ, cho đến lúc này đã có 11 CLB chắc chắn tranh tài. Thời gian qua, BTC các giải chuyên nghiệp Việt Nam cũng rất đau đầu để "ngóng" động thái của các CLB như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Long An.
Khi hạn chót để các đội bóng đăng ký tham dự giải hạng Nhất Quốc gia 2024/25 trôi qua, CLB Khánh Hòa bất ngờ thông báo xác nhận sẽ tham dự giải. Tương tự, là CLB Đồng Nai. Còn Long An cũng đã kịp đăng ký để được chơi ở giải hạng Nhất khi được "giải cứu" ở phút cuối. Như vậy, "vét" đến phút cuối cùng, giải hạng Nhất vẫn chỉ có 11 đội dự tranh chiếc vé thăng hạng duy nhất.
Bóng đá Việt Nam đứng trước nguy cơ báo động ở giải hạng Nhất khi 4 mùa liên tiếp đều có đội bỏ giải. Nguyên nhân dẫn đến việc các đội bóng giải thể hay bỏ giải là... thiếu tiền. Định Hướng Phú Nhuận giành suất thăng hạng cùng với Trẻ TP.HCM.
Tuy nhiên, trong lúc Trẻ TP.HCM đổi tên thành Thanh niên TP.HCM và "đổi đời" với cả chục hợp đồng chất lượng, thì Định Hướng Phú Nhuận đành "giải tán" khi không tìm ra nguồn tài trợ.
"Cựu vương" V-League, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Nam bộ là Long An ban đầu quyết định rút lui với lý do không lo đủ kinh phí hoạt động sau khi được trả về địa phương để chơi theo kiểu phong trào. Tuy nhiên, với những động thái tích cực, lãnh đạo địa phương đã tìm và vận động được, cũng như thống nhất với các phương án tài trợ của một số đơn vị để hỗ trợ cho đội bóng Long An tiếp tục tham gia giải hạng Nhất quốc gia mùa giải tới.
Cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là thách thức nghiệt ngã là CLB vừa xuống hạng Khánh Hòa. Sau khi thanh lý hàng loạt hợp đồng với các trụ cột, bất ngờ đội bóng phố Biển lại bị FIFA cấm chuyển nhượng cầu thủ. Khi FIFA gỡ bỏ án phạt, thầy trò HLV Trần Trọng Bình đối mặt với nỗi lo lực lượng, bởi nhiều trụ cột đã ra đi, còn nguồn bổ sung giờ chỉ là "cây nhà lá vườn" từ các tuyến trẻ.
Có thể thấy, hiện tượng rút lui giải đấu xếp hàng thứ 2 của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói lên nhiều mặt của một vấn đề. Đó là, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn tài trợ cho các đội bóng ngày càng bị hạn chế, nếu có cũng chỉ tập trung vào một vài đội bóng dạng tiềm năng. Chính chênh lệch "giàu - nghèo" này đã phân cực mạnh - yếu ngay từ khi giải chưa khởi tranh.
Ở hạng Nhất, ngoài cuộc chiêu binh mãi mã rầm rộ của Thanh Niên TP.HCM và Trường Tươi Bình Phước, hầu hết các đội bóng đều "có bao nhiêu đá bấy nhiêu", bởi không chỉ không kéo về được hảo thủ, mà còn bị các đội bóng ở V-League và "đại gia" hạng Nhất rút ruột.
Rõ ràng, chưa đá, giải hạng Nhất đã xảy ra vô vàn biến động. Bên cạnh các hiện tượng Thanh Niên TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước rầm rộ tuyển trạch cầu thủ từ giải hạng trên, phần lớn CLB còn lại đều gặp khó khăn về kinh phí. Đứng trước sự đầu tư "hơn cả khủng" của những cái tên mới, cũ như Thanh Niên TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước, PVF - CAND, chưa đá thì "giấc mơ" thăng hạng đã sớm tan biến với nhiều đội bóng khác.
Điều lệ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có quy định: Đội nào tự ý rút lui hoặc bị loại khỏi giải trong quá trình giải đấu đang diễn ra, đội đó phải chuyển xuống thi đấu ở giải hạng Ba. Hạng Ba cũng đồng nghĩa là hạng đấu phong trào, hay chính xác hơn là hạng nghiệp dư.
Có lẽ, chẳng ai muốn "làm bóng đá phong trào" trong khi trước đó đã tiêu tốn rất nhiều tiền để góp mặt ở sân chơi được gọi là chuyên nghiệp. Nói chính xác hơn, nhiều CLB chấp nhận cuộc chơi để "tồn tại" sau chuỗi đầu tư tốn kém, hơn là mơ mộng trèo cao lên hạng V-League. Ngược lại, nếu bỏ giải, quay về hạng Ba, nguy cơ "rã đám" là hiện hữu.
Vì vậy, có thể nói nhiều CLB vẫn đồng hành với giải hạng Nhất 2024/25 theo kiểu bỏ thì thương cầu thủ, mà vương thì cũng rất mệt vì tiền.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất