Vực dậy danh tiếng của Paul Gauguin

20/09/2010 13:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc triển lãm “bom tấn” mang tên Gauguin, Maker of Myth (tạm dịch: Gauguin, Người tạo nên huyền thoại) đang diễn ra tại Bảo tàng Tate Modern ở Anh trong tháng 9 này. Triển lãm cho thấy, họa sĩ Pháp Paul Gauguin (1848-1903) không chỉ là một nghệ sĩ phóng túng, mà ông còn tạo ảnh hưởng quan trọng tới nghệ thuật hiện đại.

Triển lãm này mang mục đích tái lập danh tiếng của Gauguin - một trong ba gương mặt quan trọng nhất của trào lưu hậu ấn tượng cùng với Paul Cézanne, Vincent van Gogh - với nhiều hình ảnh, mà trong đó có những tác phẩm ít được thấy.
 
1 trong 3 gương mặt của trường phái hậu ấn tượng


Một bức chân dung tự họa
của Paul Gauguin

Sinh năm 1848 ở Paris, là con trai của một nhà báo và là cháu của nhà lãnh đạo bênh vực bình quyền phụ nữ Flora Tristan, Gauguin có một tuổi thơ không yên bình, phải di chuyển giữa Pháp và Nam Mỹ. Gauguin thấp lùn, nhưng có diện mạo gây ấn tượng và có hành động rất dữ dội. Ông có khả năng thúc ép những người xung quanh mình, gây ồn ào bất cứ tình huống nào mà ông tham gia, hoặc tốt hoặc xấu.

Đến với nghệ thuật muộn và chỉ quyết định trở thành một nghệ sĩ khi đã ngoài 30 tuổi, Gauguin tạo mình trở thành người phù hợp với vai trò mới mà ông đã ấn định cho mình - một thiên tài nghệ thuật - bằng cách vận dụng những yếu tố trong cuộc sống riêng. Là một cựu thủy thủ, người đã có cơ hội đi vòng quanh trái đất bằng đường biển nhiều lần, Gauguin đã từ bỏ công việc môi giới chứng khoán, để lại người vợ Đan Mạch và 5 đứa con cùng cha mẹ vợ ở Copenhagen khi nhận thấy cuộc sống gia đình truyền thống không phù hợp với đam mê theo đuổi nghệ thuật của mình.

Khi vẫn còn là một người vô danh trên thế giới, nhưng ông đã tạo được uy tín trong một nhóm nghệ sĩ trẻ. Là người không đọc nhiều, nhưng Gauguin lại có khả năng nắm được những kiến thức và tư tưởng có giá trị của những người khác và vận dụng những kiến thức đó còn ưu việt hơn cả những người sở hữu chúng. Chẳng thế mà họa sĩ Emile Bernard đã chỉ trích Gauguin đã đánh cắp những ý tưởng của ông. Còn Emile Schuffenecker thì kết tội Gauguin “nẫng” mất vợ mình, trong khi mối quan hệ của Gauguin với Van Gogh đã kết thúc với một chiếc dao cạo.

Mặc dù khởi điểm là một nghệ sĩ theo trường phái ấn tượng, nhưng Gauguin lại không kiên nhẫn với cách tiếp cận thị giác của người thầy đầu tiên, Camille Pisarro.

Sau một thời gian sống ở những hòn đảo vùng Caribbe thuộc địa của Pháp tràn ngập ánh sáng, ông đi tìm một con đường mới để bộc lộ được bản chất bên trong của mọi thứ. Và ở Brittany (Tây Bắc nước Pháp) ông đã tìm thấy “sự hoang dã và nguyên thủy... cộng hưởng ở miền đất này”.

Gauguin tới ngôi làng Pont-Aven ở Brittany vào năm 1886 và một chiều Thu năm 1888, một chàng sinh viên trẻ tên là Paul Sérusier đã tới tìm Gauguin ở Pension Gloanec, nơi thường lui tới của các nghệ sĩ ở Pont-Aven, khẩn nài nghệ sĩ lớn tuổi hơn cho anh một bài học trước khi đáp tàu về Paris vào chiều hôm sau. Ngay trước khi Sérusier về, Gauguin đã đưa chàng thanh niên này tới Bois d’Amour, nơi hẹn hò nổi tiếng, giảng giải cho anh và chỉ trong vài phút ông đã vẽ một bức tranh nhỏ ở đằng sau hộp thuốc lá của Sérusier, và bức tranh đó đã tạo nên một trong những hành trình cơ bản trong nghệ thuật vài trăm năm sau, từ trường phái dã thú của Matisse và Derain tới những cánh đồng màu sắc của Rothko và Barnett Newman.


Bức tranh Nevermore O Tahiti của Paul Gauguin vẽ năm 1897
Tàn tạ vì rượu

Năm 1891, Gauguin tới Tahiti ở Nam Thái Bình Dương để thoát khỏi mọi thứ “giả tạo và mang tính quy ước” và ở nơi điền viên rất gợi tình này, ông đã vẽ được nhiều tác phẩm có giá trị.

Trong cuộc triển lãm tranh lớn của Gauguin ở London hồi năm 1955, nếu khách tham quan bị ấn tượng với cách ông sử dụng ánh sáng và màu sắc để tạo nên sự trừu tượng, thì triển lãm mới lại chinh phục người xem với những gì nằm sau sự xa xỉ về thị giác.

Là một nguyên mẫu cho một loạt nghệ sĩ “xấu xa” của thế kỷ 20, Gauguin qua đời năm 1903 ở tuổi 54 với cơ thể tàn tạ vì rượu và cuộc sống phóng đãng trong khi phải đối diện với án tù vì một loạt các tội chống lại các nhà chức trách thuộc địa Pháp, trong đó gồm cả việc khuyến khích trẻ em bản địa không tới trường. Mặc dù nóng lòng muốn trở về Pháp, nơi ông sẽ được điều trị y tế tốt hơn, nhưng họa sĩ lại sợ sự trở về sẽ gây hại tới huyền thoại mà ông đã rất vất vả tạo nên.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm