Atletico Madrid: Đến chết, vẫn ôm sắc đỏ-trắng vào lòng

18/10/2014 20:58 GMT+7 | Atletico Madrid

(Thethaovanhoa.vn) - Những tiếng gào thét đến chói tai, những tiếng huýt sáo nhạo báng đối thủ liên hồi, âm thanh ầm ào đến váng vất là sức mạnh của Vicente Calderon. Và là sức mạnh của Atletico Madrid.

Nhà vô địch Liga biến sân bóng có sức chứa hơn 54 ngàn người trở thành mồ chôn các đối thủ, và bàn đạp cho các giấc mơ.

Pháo đài, địa ngục

Kể từ trận thua 1-2 trước Barcelona ngày 12/5/2013 ở Liga, Atletico Madrid bất bại ở Vicente Calderon. Chuỗi trận đã kéo dài đến con số 23. Thời gian là 17 tháng. Chính xác hơn là 522 ngày. Giành 57 điểm, ghi trung bình 2,47 bàn/trận và chỉ nhận 0,56 bàn thua/trận. Hơn 500 ngày, không kẻ thù nào đủ sức làm đau Atletico ở Calderon. Kỉ lục vẫn kém xa chiến quả mà các tiền bối làm được: Giai đoạn từ mùa 1960-61 đến 1962-63, Atletico đã bất bại đến 46 trận trên sân nhà. Nhưng bóng đá mỗi thời mỗi khác. Và kì tích này là của hiếm.

Điểm lại cả châu Âu, không đội bóng nào làm được như Atletico. Juventus dày xéo Serie A 3 năm qua đã thua Sampdoria 1-2 trên sân nhà vào tháng 1/2013. Bayern Munich, Manchester City và PSG, các đội vô địch giải Đức, Anh và Pháp mùa trước, cũng đều bị đánh bại ít nhất 1 lần trên sân nhà. Những đội chơi cực kì hứng khởi như Liverpool, Roma, Dortmund không duy trì được hiện tượng.

Từ Barccelona đến Real Madrid. Từ Valencia đến Sevilla. Messi, Ronaldo, Benzema, Neymar, Gareth Bale… đủ kiểu sao lớn bé, mọi nỗ lực đều bế tắc trước Pháo đài đặt bên bờ sông Manzanares. Xét rộng ra Champions League, từ ngày Diego Simeone nắm quyền, Atletico chỉ thua duy nhất 1 trận trên sân nhà tại các cúp châu Âu, 0-2 trước Rubin Kazan vào tháng 2/2013. Barca thua 0-1. Milan thảm bại 1-4. Valencia bị hạ 1-2. Porto thua 0-2. Chelsea bị cầm hòa 0-0. Juventus vừa rồi là nạn nhân mới nhất của thày trò Simeone, và là nạn nhân thứ 19 của họ tại các cúp châu Âu.

Chỉ cần Calderon dậy sóng

Một đặc điểm rất kinh khủng ở Calderon là các CĐV cổ vũ có… bài. Họ vờ im lặng trong vài phút, trước khi bùng nổ dữ dội những tiếng huýt sáo, la ó, gào thét, tạo thành những làn sóng người… Vừa phút trước còn im như tu viện, đến phút sau đã nổ tung như bom nguyên tử. Các đối thủ của Atletico không run mới lạ, khi cứ cầm bóng là hứng chịu những tiếng huýt sáo thù địch. Ở biên, Simeone đôi khi không đóng vai một HLV, mà trở thành đội trưởng đội cổ vũ, giơ tay thúc giục CĐV trên khán đài hò hát. Nếu ví Simeone là nhạc trưởng, thì Calderon là dàn nhạc chết chóc.

Tứ kết Champions League mùa trước, Barcelona của Gerardo Martino nếm trải không khí này. Barca thua 0-1. Leo Messi mới trước đó được tung hô, sang Calderon chạy như bánh mì nhúng nước. Một thống kê sau trận chỉ ra Messi chạy chỉ nhiều hơn mỗi… thủ môn Pinto. “Không khí này rất khó thấy ở châu Âu, nhưng lại rất phổ biến ở Argentina”, HLV Martino cảm thán. Diego Simeone khen ngợi sân bóng, bởi nó “mang lại nguồn năng lượng tích cực” cho đội nhà.

Từng là cầu thủ Atletico, giờ làm HLV, “đại ca” Simeone hiểu quá rõ tác động khủng khiếp từ sân bóng này lên tâm lý cầu thủ. Trong giai đoạn tức giận vì các “đệ tử” và bản thân bị chỉ trích, Simeone đặt niềm tin ngược trở lại vào Calderon (9/2014): “Tôi ước Vicente Calderon sẽ bảo vệ các cầu thủ khi họ đang chiến đấu vì CLB”, ông nói. “Tôi không yêu cầu gì hơn nữa. Tôi muốn sân kín người. Họ biết các cầu thủ cảm nhận được gì, vì tôi đã cảm nhận nó cả khi làm cầu thủ lẫn HLV”.

Sau 50 năm gắn bó, Atletico sẽ chia tay Calderon vào mùa Hè năm 2016, để chuyển đến một sân bóng phía Tây Bắc thành phố có tên La Peineta, dự kiến sau khi nâng cấp sẽ có sức chứa hơn Calderon khoảng 18 ngàn người. Từ giờ cho đến phút cuối, Calderon huyền thoại vẫn hát bài ca của nó. Đến chết, vẫn ôm sắc đỏ-trắng vào lòng.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm