28/07/2024 13:52 GMT+7 | Giải trí
Ngày 15/4/2019, một trận hỏa hoạn gần như thiêu rụi Nhà thờ Đức bà Paris. Trong 5 năm qua, nhiều nghệ nhân đã được giao nhiệm vụ xây dựng lại nhà thờ đã ra đời từ thế kỷ 12, vốn được mệnh danh là "linh hồn của nước Pháp".
Ngày đó, những người có mặt tại Paris chết lặng khi nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà đang cháy. Những lưỡi lửa khổng lồ màu đỏ và cam phóng ra từ mái nhà và có thể nghe thấy từ trên đó, tiếng gỗ nứt ra như tiếng khóc.
Kế hoạch tái thiết đầy táo bạo
Ngay khi nghe tin về đám cháy, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các lãnh đạo Thượng viện và Quốc hội, toàn bộ chính phủ đã đổ xô đến phía Nhà thờ Đức Bà Paris.
Vào lúc 21h30, ông Macron cho phép 150 lính cứu hỏa liều lĩnh thực hiện nỗ lực cứu nhà thờ bằng cách tấn công ngọn lửa từ bên trong tháp chuông phía Bắc. Chưa bao giờ khẩu hiệu của lính cứu hỏa Paris, (Cứu sống hay chết), chân thực hơn vào đêm 15/4/2019. Như Jean-Claude Gallet, tướng ba sao và chỉ huy đội cứu hỏa Paris, nói : "Tình hình rất nghiêm trọng, táo bạo là lựa chọn duy nhất".
"Nhà thờ Đức Bà là lịch sử, văn chương, trí tưởng tượng chung của chúng ta, nơi chúng ta đã sống qua tất cả những khoảnh khắc vĩ đại, những cuộc chiến tranh và giải phóng của chúng ta. Nó là tâm điểm trong cuộc đời chúng ta… thánh đường của tất cả người dân Pháp…" - Tổng thống Pháp nói với cả nước rằng nhà thờ đã được cứu vào lúc 23h30 tối - "Giờ đây, tôi long trọng nói với mọi người rằng chúng ta sẽ xây dựng lại nó. Chúng ta sẽ kêu gọi những tài năng vĩ đại nhất đóng góp vào việc tái thiết nhà thờ… Đó là điều mà người Pháp mong đợi, đó là điều lịch sử của chúng ta xứng đáng có được. Nó là, theo nghĩa sâu sắc nhất, định mệnh của chúng ta".
Sự tàn phá là vô cùng lớn. Ngọn tháp đã biến mất. Sự sụp đổ của nó đã phá hủy một phần mái vòm ở điểm giao nhau của lối đi ngang. "Khu rừng" - khung lưới gỗ bên dưới mái chì của nhà thờ - được làm bằng hàng nghìn thanh xà bằng gỗ sồi có niên đại từ thế kỷ 13, đã biến thành than và bụi. Mái nhà bằng chì đã tan chảy và bốc hơi.
Nước dùng để chữa cháy đã làm yếu đi phần thô. Nhiều tác phẩm điêu khắc cùng tượng đầu thú giờ đây cần được sửa chữa hoặc thay thế một cách tỉ mỉ. Mọi thứ khác đều cần được lau chùi và phục hồi kỹ lưỡng, bao gồm các cột trụ, kính màu, nhà nguyện, vỉa hè. Và khoảng 8.000 ống của chiếc đàn organ lớn… Nhiệm vụ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà là vô cùng nặng nề.
Ngày hôm sau, ông Macron ấn định thời gian hoàn thành việc tái thiết: năm 2024. Năm năm! Thật táo bạo làm sao! Nhưng ông đã làm được. Sáng 8/12 năm nay, ông sẽ có mặt trong ngày mở cửa trở lại của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Xúc động hơn, Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy không chỉ là nỗi đau với riêng nước Pháp. Cả thế giới đã hướng về Paris. Những người dẫn chương trình ở Mỹ cũng bật khóc, tự hỏi tại sao chính họ cũng cảm thấy đau buồn đến vậy.
Để hiểu rõ hơn về tình cảm huynh đệ phổ quát này, nhà văn - nhà báo người Pháp Agnes Poirier đã viết cuốn sách Notre Dame, The Soul of France (Nhà thờ Đức Bà, linh hồn của nước Pháp) và sau đó bắt tay vào làm bộ phim tài liệu trên đài BBC. Điều này cho phép cô có cơ hội tiếp cận công trình tái thiết, trực tiếp gặp gỡ các nghệ nhân trong các nhà xưởng trên khắp nước Pháp. Họ ở mọi nơi, dưới sàn cũng như trên chóp và mái nhà cao tới 90 mét.
Theo thời gian, và sự nỗ lực của 1.000 nghệ nhân, Nhà thờ Đức Bà Paris dần trỗi dậy, như phượng hoàng từ tro tàn.
Những nghệ nhân lâu đời
"Tôi đã từng là kiến trúc sư buồn nhất thế giới. Hôm nay tôi là người hạnh phúc nhất" - Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng phụ trách việc tái thiết, nói với Agnes Poirier vào tháng 3 năm ngoái. Ông thậm chí còn xăm hình Nhà thờ Đức Bà trên cánh tay trái.
Lúc này, ông cùng Jean-Louis Georgelin - vị tướng 5 sao phụ tránh chung việc tái thiết - và nhiều nghệ nhân khác đang tập hợp để ráp thử chân đế của ngọn tháp mới. Villeneuve hồ hởi khoe rằng họ sẽ thực hiện đúng tiến độ, mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà vào sáng 8/12/2024.
Nghe những lời này, hai tá thợ mộc mỉm cười nhưng có vẻ mệt mỏi. Trên vai họ gánh một trách nhiệm to lớn: xây dựng lại "Linh hồn nước Pháp" theo một lịch trình chặt chẽ.
Pháp luôn đánh giá cao những nghệ nhân, đặc biệt là những người duy trì truyền thống và kỹ năng lâu đời, và đây là những người giỏi nhất. Được biết đến với cái tên Compagnons du Devoir (Những người bạn đồng hành trong nghĩa vụ), họ thuộc về một tổ chức có từ thời trung cổ.
Bắt đầu học nghề từ năm 15 tuổi, họ dành nhiều năm đi du lịch Pháp, trau dồi các kỹ năng khi đi từ thị trấn này sang thị trấn khác để hỗ trợ những nghệ nhân lớn tuổi bậc thầy. Họ không chỉ được dạy về nghề mà còn được dạy đạo đức với phương châm: "Không tư lợi, không phục tùng mà là phục vụ".
Paul Poulet, 27 tuổi, đang làm việc cho công ty xây dựng Cruard Charpente. "Sửa chữa những tòa nhà cũ là điều quan trọng đối với tôi. Nó giống như chăm sóc những người bị thương. Và tôi thích sử dụng những kỹ thuật cũ" - anh nói với Poirier. Anh từng làm việc ở Bảo tàng Louvre và khu chợ thời trung cổ Milly-la-Foret, nhưng "làm việc ở Nhà thờ Đức Bà đơn giản là cơ hội có một trong đời".
Những gì họ đang làm thật quá mức choáng ngợp. "Hai dầm chéo dài 20 mét và được làm từ 8 cây sồi khổng lồ" - một thợ mộc trẻ cho biết. Chân tháp dài tới 15 mét, rộng 13 mét và cao 6 mét. Và họ đang phải kiểm tra xem 110 mảnh sồi khổng lồ khác nhau, được lắp ráp theo 150 mẫu phức tạp, khác nhau, có khớp với nhau hay không.
Thời điểm này, tổng cộng 1.000 nghệ nhân - những người giỏi nhất - đang nỗ lực làm việc tại nhà thờ cũng như ở nhà xưởng của mình. Sự giúp đỡ đã đến từ khắp nơi trên thế giới. Giống như các khoản quyên góp đổ về trong đêm cháy và những ngày tiếp theo từ khắp các châu lục, các nghệ nhân trên thế giới đã cung cấp tay nghề của họ.
Thợ mộc người Mỹ Jackson Dubois nằm trong số này. Vào mùa Hè năm 2021, Dubois tham gia xây dựng bản sao của một trong những giàn của "khu rừng", nhằm thể hiện tình đoàn kết với Nhà thờ Đức bà và cũng để chứng minh rằng những kỹ năng như vậy vẫn còn tồn tại.
Tướng Villeneuve, trong chuyến thăm Washington DC, nơi bản sao nhà thờ được trưng bày, đã rất thích những gì ông nhìn thấy, và mở ra một quan hệ mới. Dubois nộp CV và thế là anh lập tức có thị thực 3 tháng ở Pháp, giúp tái thiết nhà thờ với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng gỗ nặng.
Cùng với đồng nghiệp Pháp và nước ngoài, Dubois đã tái tạo lại những chi tiết gỗ phức tạp từ bản vẽ gốc của kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc. Họ dùng rìu, đục, rũa,… với sự khéo léo của bác sĩ phẫu thuật.
Theo thời gian, Nhà thờ Đức Bà Paris dần trỗi dậy, như phượng hoàng từ tro tàn. Người Paris thích thú nhìn tượng Chúa Jesus bay qua sông Seine - nhờ sự trợ giúp của một chiếc cẩu khổng lồ - về phía nhà thờ. Hay vào một buổi tối, họ thấy chỏm nhọn của ngọn tháp từ từ bay lên độ cao 100 mét rồi được cố định vào đỉnh tháp.
Trước Giáng sinh năm ngoái, người dân lại xúc động khi tổng giám mục Paris đặt thánh tích của Thánh Genevieve, vị thánh bảo trợ của Paris, vào bên trong chú gà trống bằng đồng mạ vàng mới của Nhà thờ Đức Bà. Sau lời chúc phúc, chú gà được nâng lên trời xanh, cố định vào đầu chỏm nhọn.
Nhà thờ Đức Bà sẽ không thể mở cửa trở lại đúng thời gian diễn ra Thế vận hội Paris - vào cuối tháng 7 này - nhưng nó sẽ sống lại vẻ huy hoàng vào tháng 12 như lời hứa. Và khi đó, cả thế giới sẽ hân hoan được gặp lại "Linh hồn nước Pháp".
Đôi nét về Nhà thờ Đức bà Paris
Notre Dame - Nhà thờ Đức Bà Paris nằm ở quận 4 của Paris, Pháp. Đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc Gothic của Pháp. Nhà thờ được xây dựng vào thời trung cổ, từ năm 1163 và phần lớn được hoàn thành vào năm 1260, dù được sửa đổi trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Những năm 1790, nhà thờ bị phá hủy nặng nề. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1831 Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo đã truyền cảm hứng đề nhà thờ được trùng tu từ năm 1844 đến năm 1864, dưới sự giám sát của Eugene Viollet-le-Duc.
Nhà thờ là biểu tượng được công nhận rộng rãi của Paris nói riêng và nước Pháp nói chung. Tuy bị mất đi nhiều đồ quý giá theo thời gian, nhà thờ vẫn còn chứa các tác phẩm điêu khắc Gothic, Baroque hồi thế kỷ 19, các bức trang trí sau ban thờ từ thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, cùng một số di vật quan trọng nhất trong Kitô giáo - bao gồm Vương miện gai, mảnh vỡ và đinh từ Thập giá Đích thực.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất