28/11/2017 11:18 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Bất luận có hay không một cuộc đua tiếp sức, dồn điểm, thì sự thật không thể phủ nhận, Quảng Nam đã có một mùa giải tuyệt vời và xứng đáng lên ngôi.
1. Trong Top 4 đội dẫn đầu, Quảng Nam đã tìm được 4/6 điểm tuyệt đối trước FLC Thanh Hóa; 3 điểm trước Hà Nội và 6 điểm tuyệt đối trước Than Quảng Ninh. Ngoài ra, họ cũng có 4/6 điểm trước SHB Đà Nẵng và giành chiến thắng 4-2 ngay trên sân của SLNA. Tức là thành tích đối đầu với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, các đội bóng được cho là có lực nhất, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc chiếm ưu thế khá rõ rệt. Nói họ không có lực, là thiếu thiện chí!
Lịch sử các mùa giải V-League, không hiếm lần những nhà vô địch thường chỉ “năng nhặt chặt bị”. Với 26 lượt trận, cựu vương Hà Nội T&T thậm chí còn không tìm được 46 điểm trong mùa giải mà họ đăng quang lần đầu (2010). V-League 2011 và 2012, các nhà vô địch SLNA, cũng như SHB Đà Nẵng cũng chỉ tìm được 49 điểm, bằng với thành tích của B.Bình Dương mùa giải 2015. Nói tóm lại, một nhà vô địch V-League thậm chí không cần đạt tới cột mốc trung bình 2 điểm/trận đấu.
Tại V-League 2017, Quảng Nam đã giành 13 trận thắng, 9 hòa và 4 trận thua, bằng với FLC Thanh Hóa, mặc dù xứ Quảng chỉ mua vào rất hạn chế so với xứ Thanh. Sự ổn định về lực lượng, kéo theo cả sự ổn định về biểu đồ thành tích. V-League 2015, HLV Hoàng Văn Phúc tiếp quản chiếc ghế của đồng nghiệp Vũ Quang Bảo để lại, chỉ đưa Quảng Nam cán đích ở vị trí thứ 8. Mùa giải 2016, thành tích được cải thiện đáng kể, khi lần đầu tiên xứ Quảng lọt vào Top 6. Và năm nay, họ lên ngôi.
Theo con mắt nhà nghề, cùng với Hà Nội, Than Quảng Ninh và Sài Gòn FC, Quảng Nam thuộc số các CLB chơi bóng có bản sắc, bài miếng và ý đồ khá rõ ràng về chiến thuật. Quân ông Phúc không đa, nhưng tinh ở những vị trí then chốt. Ví như bộ đôi tiền vệ Huy Hùng - Thanh Trung, đều là tuyển thủ quốc gia và chơi rất ổn định. "Tiểu tướng" Hà Minh Tuấn đã trưởng thành dưới bàn tay của HLV Hoàng Văn Phúc. Trận đấu nào Tuấn đá chính hay vào sân từ băng ghế dự bị, đội đều có bàn thắng và chiến thắng.
Chân sút chủ lực Claudicer ghi 12 bàn, đội trưởng Thanh Trung có 10 bàn và Hà Minh Tuấn sở hữu 8 bàn thắng. Đây là số bàn thắng ghi được nhiều nhất, trong sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp, từ SHB Đà Nẵng đến Quảng Nam của Hà Minh Tuấn. Cùng với Minh Tuấn, Hoàng Thiên (Sài Gòn FC) cũng đã lột xác sau khi rời ải Chi Lăng, rời SHB Đà Nẵng. Điều này cho thấy, cách dụng binh là rất quan trọng. Ngôi sao không làm nên một đội bóng mạnh, mà chỉ có đội bóng, HLV mới giúp cầu thủ cất cánh.
2. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, có thể nói Quảng Nam hội tụ mọi yếu tố để xưng vương ở mùa giải năm nay. Cơ hội bắt đầu mở ra cho họ, sau trận thắng 3-2 trước FLC Thanh Hóa, vòng 18, ngay tại cứ địa của đối thủ. Và, việc thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc bị SLNA loại khỏi bán kết Cúp Quốc gia sau đó không lâu, càng giúp cho đội bóng toàn tâm toàn ý dồn lực vào một mặt trận. Đấy gọi là trong cái rủi có cái may, bởi đáng lý ra, mặt trận Cúp Quốc gia mới là ưu tiên số 1, khi đội bóng xứ Quảng giành quyền vào tứ kết và chỉ phải gặp XSKT Cần Thơ.
Quảng Nam đăng quang tại một mùa giải mà các đối thủ hàng đầu, hoặc sa sút phong độ, hoặc chơi không đúng sức, hoặc không gặp may. B.Bình Dương và SHB Đà Nẵng tự mua dây cột mình, trong khi đó, trận hòa 4-4 trong thế dẫn trước 2 bàn và hoàn toàn làm chủ vận mệnh của Hà Nội, đã phần nào "tố cáo" tham vọng thực sự của đại diện Thủ đô. Đẳng cấp của nhà vô địch và bản lĩnh của một đội bóng lớn giàu tham vọng, không cho phép họ mắc phải những sai số không thể sửa chữa.
Ngoài những biểu hiện dễ nhận thấy trên bảng điểm về một cuộc đua có vẻ như kịch tính, rõ ràng, tính cạnh tranh của V-League 2017 là không cao. Cả ở cuộc đua đến ngôi vương và việc tránh suất duy nhất phải xuống hạng (Long An đã gần như "đắp chiếu" từ quá sớm). Các giá trị hình ảnh và thương mại của giải đấu, vì thế ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nói ngay như SVĐ Tam Kỳ dù được làm mới khán đài B, nhưng ở khu mặt tiền khán đài A, đang xuống cấp trầm trọng. Nó không xứng là ngôi nhà dành cho quân vương.
1. Đây là chức vô địch quốc gia đầu tiên của Quảng Nam kể từ sau khi tách tỉnh (1997). Trước đó, mùa giải 1992, Quảng Nam - Đà Nẵng đã từng vô địch giải bóng đá cao nhất Việt Nam. 2. Lần đầu tiên kể từ V-League 2010, Hà Nội (tên gọi tiền thân là Hà Nội T&T) bị đánh bật ra khỏi Top 2 đội dẫn đầu. 3. Trước lượt trận cuối, tiền đạo Anh Đức chỉ có 14 bàn thắng, bằng với Stevens (Hải Phòng) và Nsi (XSKT Cần Thơ). Nhưng cú hat-trick vào lưới Sanna Khánh Hòa BVN, giúp tiền đạo B.Bình Dương đoạt luôn danh hiệu "Vua phá lưới" với 17 bàn. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất