CLB V-League đau đầu vì lương ngoại binh

20/04/2020 05:43 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn vào ý kiến đề xuất các phương án cho ngày LS V-League 2020 trở lại từ các đội bóng, có thể thấy rằng vấn đề nổi cộm khiến nhiều CLB trăn trở là kinh phí hoạt động sẽ đội lên nếu mùa giải kéo dài. Do vậy, biện pháp được coi là vô cùng tế nhị là cắt giảm lương cầu thủ cũng đã được tiến hành trong sự hợp tác và chia sẻ của các thành viên.

VIDEO: Điểm mặt những Vua phá lưới V League

VIDEO: Điểm mặt những Vua phá lưới V League

Giải vô địch bóng đá quốc gia V League mới chỉ ghi nhận một lần các chân sút nội giành được ngôi Vua phá lưới, đó là trường hợp của tiền đạo Anh Đức.

Tuy nhiên, vấn đề gây bối rối hơn lại nằm vào việc trả lương cho ngoại binh. Chính những bản hợp đồng cầu thủ ngoại thật sự là gánh nặng kinh phí hiện nay. Cũng có thể hiểu vì sao lại có đội bóng đề xuất ý kiến rằng nếu LS V-League 2020 không có đội xuống hạng thì không còn phải chịu áp lực, qua đó các đội có thể thanh lý ngoại binh.

Thực tế, việc trả lương cầu thủ ngoại chiếm một khoản kinh phí không nhỏ dù mỗi đội chỉ có 3 suất ngoại binh. Chưa kể, phí lót tay bao nhiêu hay lương tháng cụ thể ra sao, đó đều là điều khoản bí mật trong hợp đồng.

Chúng ta hãy thử làm phép tính đơn giản trên bình diện chung sẽ thấy được vấn đề. Mỗi ngoại binh hiện nay ở V-League, tiền lương mỗi tháng dao động trên dưới 5.000 USD/ cùng với đó khoản phí lót tay vào mức 50.000 USD. Đấy là con số cho các ngoại binh trình độ vừa phải. Những cầu thủ trình độ cao sẽ nhận mức lương lớn hơn, lên đến 10.000 USD mỗi tháng.

Nhìn vào con số đó, có thể thấy rằng nếu đề xuất LS V-League 2020 đá không xuống hạng, áp lực thành tích hay nỗi lo rớt hạng không còn, thì khi đó chắc hẳn những CLB không mấy rộng dài về tiền nong sẽ nghĩ tới phương án thương thảo để thanh lý hợp đồng sớm với các ngoại binh, cho dù vấn đề này không hề đơn giản và có thể gặp rắc rối về thủ tục pháp lý.

Khi không phải đối mặt với nỗi lo xuống hạng, các CLB có thể sớm thanh lý hợp đồng với ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Nếu thỏa thuận mọi việc êm xuôi với ngoại binh trên giả thiết vừa đưa ra như thế, kinh phí sẽ rút giảm là điều rõ ràng.

Lúc đó, con số tiết kiệm được mỗi tháng của các CLB rơi vào khoảng từ 15.000 đến 20.000 USD. Rõ ràng, đây là con số không nhỏ trong bối cảnh các nguồn thu bị co hẹp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quang Hải, Hà Nội FC, V League
Việc LS V-League 2020 kéo dài ngoài dự kiến sẽ khiến những CLB như Nam Định (trái) gặp khó khăn với vấn đề trả lương cho ngoại binh. Ảnh: Hoàng Linh

Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Đây là thời điểm khó khăn nhất với tôi nên vừa rồi trên cương vị Chủ tịch CLB, cá nhân tôi đã có những dòng email gửi cho thành viên đội bóng, với những con người luôn chiến đấu hết mình vì màu áo quê hương.

CLB luôn hướng mình tới thứ bóng đá đẹp và sạch. Chúng tôi là doanh nghiệp, chúng tôi có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, sử dụng nguồn thu từ các hoạt động bán vé, quảng cáo.

Trong bối cảnh này thì các nhà tài trợ hay đối tác cũng đều gặp khó khăn nên sự hỗ trợ sẽ ảnh hưởng. Vậy nên, các thành viên đội bóng phải thật sự hiểu được điều đó, cảm thông và cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm các thành viên (từ lãnh đạo, ban huấn luyện, cầu thủ) đã đồng ý cắt giảm lương ở các mức khác nhau (20% - 25% - 30%).

Ông Dũng nói: “Với ngoại binh, chúng tôi đã cố gắng thỏa thuận qua trợ lý ngôn ngữ để truyền đạt được ý kiến của lãnh đạo cho họ hiểu và chia sẻ khó khăn để không xảy ra hiểu nhầm và áp đặt. Từ đó, các cầu thủ ngoại cũng đều vui vẻ chấp thuận với những cắt giảm như thế”.

Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành cho biết: “Mùa bóng này, chúng tôi đã dự trù kinh phí đến hết tháng 10, tức là giải V-League 2020 khép lại. Tuy nhiên do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, các khoản chi phí phát sinh, mình phải trả cho cầu thủ ngoài lương, còn ăn ở, kế hoạch di chuyển đảo lộn.

Hợp đồng với cầu thủ thì Sài Gòn FC ký từng mùa, hết mùa giải đội sẽ thỏa thuận, tái ký nếu các bên có được thống nhất với nhau. Riêng về ngoại binh cũng vậy, nếu giải không kết thúc vào tháng 10 như dự kiến chúng tôi sẽ phải trả thêm vào tháng 11, tháng 12/2020.

Như vậy, quỹ lương sẽ cao lên, vấn đề phát sinh cũng khá khó khăn. Việc tiền lương, thưởng hợp đồng là bảo mật của đội bóng. Nếu thống kê chi phí phát sinh thì bộ phận tài vụ kế toán sẽ làm, nhưng trên nguyên tắc thì chi phí sẽ phải bảo mật”.

GĐĐH SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cũng chia sẻ tương tự như vậy. Ông Hòa nói: “Chuyện trả lương bao nhiêu, chi tiêu thế nào là là thông tin được phép không cho con số cụ thể. Chỉ có điều, kinh phí trả cho ngoại binh đương nhiên cao hơn rất nhiều cầu thủ nội.

Từ lương, chi phí chuyển nhượng cũng cao hơn. Giờ mà tập chay mấy tháng cũng tốn khoản tiền lớn. Đá sớm không sao chứ đá muộn phía VFF cần tính toán để chúng tôi còn tính”.

GĐĐH CLB SLNA Hồ Văn Chiêm thừa nhận: “Nếu giải không tổ chức thì càng khó khăn hơn khi ảnh hưởng đến nguồn thu, nguồn tài trợ. Lý do là bởi chỉ khi giải tiếp tục và hoàn thành, CLB mới có thể đáp ứng quyền lợi cho nhà tài trợ như hợp đồng ký kết, khi đó tiền mới được giải ngân”.

Có thể thấy rất rõ rằng, vào lúc này, với đa phần các đội bóng không phải vào nhóm dư dả về kinh phí thì họ không chỉ quan tâm tới chuyện đảm bảo chuyện ăn tập, sẵn sàng trở lại cho ngày bóng lăn, mà cũng dành rất nhiều ưu tư cho vấn đề làm sao để hài hòa và cân đối được áp lực tài chính.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm