06/06/2024 15:12 GMT+7 | Văn hoá
Với một chặng đường và hành trình 24 năm, Festival Huế đạt được những thành tựu nổi bật với giá trị thương hiệu của mình và trở thành một lễ hội văn hóa-nghệ thuật có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế. Qua từng năm, thương hiệu Festival Huế đã lan tỏa và khẳng định trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ những thành quả, kinh nghiệm thu được, Tuần lễ trọng điểm Festival Huế 2024 (diễn ra từ 7 đến 12/6), sẽ tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động Festival nghệ thuật chất lượng cao, quy tụ các nghệ sỹ của Huế, các vùng văn hóa Việt Nam và các đoàn nghệ thuật đặc sắc quốc tế, phô diễn những nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam và thế giới.
Xuất phát từ những kết quả bước đầu của Festival Việt-Pháp 1992 giữa thành phố Huế và Codev Việt Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tháng 10/1998, Chính phủ đã có Quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000.
Và như thế, cứ hai năm một lần, bạn bè trong nước và quốc tế cùng hẹn nhau về Huế hòa trong mối giao lưu, đoàn kết, hữu nghị và hòa bình của Festival Huế. Festival Huế đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của miền sông Hương núi Ngự với những lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, giàu tính nhân văn và cộng đồng.
- Năm 2000, Festival Huế lần đầu được tổ chức. Thông điệp của Festival là "Huế - thành phố của nghệ thuật sống". Đây là một ý tưởng rất hay, phù hợp với thành phố văn hóa Huế và chưa hề được sử dụng ở bất kỳ festival nào trên thế giới.
Đây được xem là "Festival hồi sinh" bởi Huế tổ chức Festival này ngay sau khi vừa trải qua cơn lũ lịch sử năm 1999.
Festival Huế 2000 diễn ra 12 ngày đêm (từ ngày 8 đến 19/4), với sự tham gia của hơn 30 đoàn nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, là hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau cơn lũ lịch sử.
Sau thành công bước đầu của Festival Huế 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần hình thành và định hình cho mình về xây dựng một thương hiệu Festival cho riêng Huế.
- Festival Huế 2002 (từ ngày 4 đến 15/5) tiếp tục phát triển chủ đề "Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế" đi liền với mở rộng giao lưu quốc tế.
Ấn tượng khó phai là Lễ hội Áo dài độc đáo, đặc sắc nhất trong lịch sử thời trang tổ chức trên cầu Trường Tiền. Festival Huế từ đây thật sự mang tầm vóc quốc tế và cụm từ "Huế - thành phố Festival của Việt Nam" bắt đầu được nhắc đến.
- Festival Huế 2004 (từ ngày 12 đến 20/6) có một đặc điểm khó phai là "Mùa lễ hội trong mưa". Một Festival được tiến hành trong bầu áp thấp nhiệt đới về sớm quả là lạ. Âm thanh cũng khác, sắc màu cũng khác, và cái cách con người về với lễ hội nhìn nhau cũng khác. Mưa Huế, với bao nhiêu cung bậc cảm xúc tự thân mà nó đã từng hào phóng đem cho, giờ nó lại mang đến cho nhiều người những khám phá mới - cái đẹp của mùa lễ hội trong mưa...
Tham dự lễ hội có 15 đoàn nghệ thuật của nước ngoài và 25 đoàn nghệ thuật trong nước, với hơn 1.100 diễn viên.
Sau chín ngày tổ chức, đã có hơn 5 vạn lượt khách đến với festival, trong đó có 11.076 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 20 tỷ đồng.
- Festival Huế 2006 (từ ngày 3 đến 11/6) diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 700 năm lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế.
Với chủ đề "700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển", Festival Huế 2006 để lại nhiều dấu ấn quan trọng từ việc phục dựng các lễ hội lớn: Phục dựng toàn phần Lễ hội Nam Giao, Lễ hội Truyền lô - Vinh quy bái tổ, lần đầu tiên khai thác không gian cung đình về đêm qua Đêm Hoàng cung rực rỡ... Bên cạnh đó, hàng loạt các kỷ lục đã ra đời. Đây thật sự là một lễ hội mang đậm chất dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn, thể hiện được đẳng cấp của một festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam.
- Festival Huế 2008 (từ ngày 3 đến 11/6) có nhiều ấn tượng đáng nhớ, thú vị là lần đầu tiên, thiếu nhi trở thành một trong những nhân vật chính của lễ hội, bởi hành trình nối dài chuyện cổ tích "Đổi chuông gió lấy một ngôi trường – nối những tấm lòng vì vạn trái tim"... Lễ tế Xã Tắc lần đầu được phục dựng với sự tham dự của các vùng đất của Tổ quốc. Đêm bế mạc có một chương trình khai thác tối đa đời sống dân gian, in đậm vẻ đẹp thanh bình, trù phú của làng quê Việt Nam: đồng lúa trĩu bông bên con sông nhỏ, dàn rớ bắt cá, một con đò nhỏ, một rặng tre xanh... mộc mạc mà ăm ắp ân tình...
Festival Huế 2008 cho đến 2014 đều duy trì chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển".
- Festival 2010 (từ ngày 5 đến 13/6) lần đầu tiên có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật của 31 quốc gia tiêu biểu cho các nền văn hóa có di sản được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa thế giới; các tỉnh, thành phố cố đô cũ: Thăng Long, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa và các thành phố có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo…
Ấn tượng là không gian nghệ thuật thực hiện "Hành trình mở cõi" rất lớn, trước Kỳ Đài và quanh khu vực Hộ Thành hào, với sân khấu ba tầng tiên tiến nhất.
- Festival 2012 (từ ngày 7 đến 15/4) "Di sản Văn hóa hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các Thành phố lịch sử" đã gắn liền với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ do Thừa Thiên Huế đăng cai.
Lễ hội Áo dài đã thăng hoa những tà áo tha thướt cùng với hoa sen ngọt ngào. Lễ hội Áo dài một lần nữa trở thành đặc sản không thể thiếu của Festival Huế.
- Festival Huế 2014 (từ ngày 12 đến 20/4) là nơi tụ hội của các thành phố Cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á-Mỹ Latinh, với nhiều chương trình đặc sắc…
Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập", Festival Huế 2014 đã thể hiện đặc trưng của những vùng văn hóa và các thành phố cố đô, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia từ khắp 5 châu lục.
- Festival Huế 2016 (từ ngày 29/4 đến 4/5) có chủ đề "710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, đã thu hút sự tham gia của gần 650 nghệ sỹ chuyên nghiệp của 32 đoàn, nhóm nghệ thuật trong nước và quốc tế đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ và 1.579 diễn viên không chuyên, với 53 chương trình nghệ thuật và lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế và văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Festival Huế 2016 đã có những chương trình mới, lần đầu tiên được tổ chức như chương trình tôn vinh nghệ thuật truyền thống "Về miền Hương Ngự", "Lễ hội Quảng Chiếu" - Cầu nguyện Quốc thái Dân an, mưa thuận, gió hòa, chúng sinh an lạc; Chương trình Liveshow rock 2016 "Lửa Cố đô" và Ngày hội Khinh khí cầu quốc tế đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng người dân và du khách.
- Festival Huế 2018 (từ ngày 27/4 đến 2/5) tiếp tục với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản" có sự tham gia của 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, trong Festival lần này chương trình nghệ thuật "Âm vọng Sông Hương" tái hiện vòng đời con người trên sông nước; chương trình "Văn Hiến Kinh Kỳ" đã mang lại cho khán giả trải nghiệm hoàn toàn khác, tôn vinh những công lao mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, chương trình quảng diễn đường phố "Sắc màu văn hóa" là sự đồng điệu trong dòng chảy văn hóa âm nhạc và vũ nhạc qua ngôn ngữ không biên giới tạo nên điểm nhấn quan trọng… đã mang đến cho Festival Huế lần thứ 10 - 2018 một không gian rực rỡ sắc màu, đầy sôi động, khắc họa đậm nét một vùng di sản; tạo không khí tưng bừng cho mảnh đất cố đô Huế vốn yên tĩnh nay trở nên sống động hơn và các chương trình tiêu biểu, hấp dẫn khác…
- Vượt qua thử thách do dịch bệnh COVID-19, Festival Huế 2020 (từ ngày 26 đến 31/8) như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của vùng đất nơi tụ hội tinh hoa văn hóa của dân tộc, là cơ hội để quảng bá điểm đến thân thiện, an toàn của Huế và Việt Nam.
Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới", Festival Huế 2020 mang lại cho người tham dự những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử, và nghệ thuật, là nơi hội tụ những chương trình biểu diễn hấp dẫn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu diễn ra trên những sân khấu chính: sân khấu Ngọ Môn, sân khấu quảng trường Quốc Học và các tụ điểm biểu diễn trên các tuyến đi bộ ở trung tâm thành phố Huế.
Bắt đầu từ năm 2022, Festival Huế định hướng các hoạt động lễ hội diễn ra xuyên suốt 4 mùa trong năm với trọng tâm là hình thái lễ hội cung đình mang đậm bản sắc Huế hiện có, đồng thời đi kèm là các hoạt động hưởng ứng với các chương trình lễ hội mang hơi thở mới, hiện đại, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch lễ hội.
- Festival Huế 2022 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2022 (từ ngày 25 đến 30/6), có chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển.
Tuần lễ Festival Huế 2022 có chuỗi 8 chương trình chính với 34 buổi biểu diễn nghệ thuật và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành diễn ra liên tục tại 11 sân khấu với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, thu hút gần 250.000 lượt người tham dự; doanh thu từ dịch vụ du lịch khoảng 155 tỷ đồng.
- Điểm nhấn quan trọng trong năm Festival Huế 2023 là các hoạt động hấp dẫn gắn liền với dịp kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế.
Với Chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", Festival Huế 2023 được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, mở đầu bằng Chương trình Khai hội - Lễ Ban Sóc ngày 1/1/2023 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12/2023.
- Với phương châm giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (từ ngày 7 đến 12/6), ngoài hàng chục chương trình biểu diễn và hoạt động hưởng ứng của các đoàn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu đến từ 7 quốc gia trên thế giới, điểm mới lạ là tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả nhất các công trình, kiến trúc trong Đại Nội Huế. Đặc biệt không gian điện Kiến Trung - ngôi đại điện độc đáo vừa được trùng tu sẽ là sân khấu chính của các chương trình nghệ thuật khai mạc, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình nghệ thuật khép lại Tuần lễ...
Bên cạnh đó là các hoạt động đặc sắc, như: Lễ hội Hoa Đăng; Liên hoan Ẩm thực; Festival bánh Việt Nam; Ngày hội ẩm thực chay Huế; Ngày hội "Sóng nước Tam Giang"… Song song là các hoạt động trưng bày, triển lãm: Triển lãm "Cổ vật hội tụ" có sự tham gia của các nhà sưu tập cổ vật 3 miền Bắc-Trung-Nam với các hiện vật triều Nguyễn; Triển lãm của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Độ với bộ sưu tập gốm về rồng trong khuôn viên điện Kiến Trung…
Trải qua hơn 20 năm với 12 kỳ tổ chức, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, vai trò và vị thế của thương hiệu Festival Huế ngày càng được khẳng định, kể cả trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Với tinh thần đổi mới sáng tạo nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc riêng có, Huế xứng đáng được mệnh danh là thành phố di sản và thành phố Festival của Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất