23/09/2012 14:10 GMT+7 | Liverpool
Luis Suarez: Từ sát thủ đến gánh nặng
Những người hâm mộ bóng đá Anh cách đây nửa thập kỷ có lẽ vẫn còn nhớ trường hợp của Afonso Alves, chân sút từng có hai mùa khoác áo Middlesbrough. Tiền đạo người Brazil đã gia nhập Premier League với rất nhiều kỳ vọng sau khi ghi đến 34 bàn/31 trận khoác áo Heerenveen và đã giành danh hiệu Vua phá lưới Eredivisie 2006-07. Nhưng rốt cục, Afonso Alves đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất và hiện tại anh đang lưu lạc ở Qatar.
Evra và Suarez - Ảnh: Getty
Luis Suarez tất nhiên không đến nỗi gây thất vọng như Afonso Alves, nhưng rõ ràng anh cũng gặp một vấn đề tương tự chân sút người Brazil: bị cùn dần khả năng săn bàn sau khi gia nhập Premier League. Trình độ chênh lệch giữa hai nền bóng đá là nguyên nhân chính. Afonso Alves từng giã đến 7 bàn vào lưới Heracles (thắng 9-0), nhưng đó là chuyện không tưởng ở Premier League. Luis Suarez ghi tới 111 bàn sau hơn 3 năm khoác áo Ajax (2 lần VPL), nhưng rõ ràng con số 24 bàn sau hơn 2 mùa giải ở Anfield là không thể ấn tượng bằng trước đó.
Vấn đề với Liverpool là họ đang rất phụ thuộc vào Luis Suarez, người từng được kỳ vọng sẽ thay thế Torres. Và chính điều đó đã kìm hãm lối chơi của cả đội cũng như cản trở sự thăng tiến của các chân sút khác. Trong mỗi đợt tất công, bóng thường xuyên phải qua chân Suarez, và thế là anh lại cắm đầu cắm cổ rê rắt, đột phá chứ ít khi chịu phối hợp nhanh và nhỏ với những đồng đội. Kỹ thuật của Suarez cố nhiên rất tốt, nhưng với lối chơi quá cá nhân như thế, anh chỉ tự làm khổ mình cũng như trở nên lạc lõng so với đồng đội, đặc biệt là dưới thời Brendan Rodgers, một chiến lược gia ưa thích lối đá nhỏ, phối hợp bật tường một chạm theo kiểu tiqui-taca.
Andy Carroll không phù hợp với triết lý của Rodgers nên đã phải ra đi (cho mượn tới West Ham) để nhường chỗ cho Borini, nhưng Suarez thì không thể bởi vai trò của anh trong hệ thống tấn công của Liverpool vẫn còn quá lớn. Và chính vì tình trạng "nửa nạc, nửa mỡ ấy", khi Suarez không chịu (hay không thể?) thay đổi, Liverpool đang gặp vấn đề thực sự trong việc áp dụng tư duy của Brendan Rodgers.
Patrice Evra: Sung sức là hay ngay!
Tất cả các CĐV đều phải thừa nhận một điều rằng kể từ sau thời kỳ của Denis Irwin ra, không có một hậu vệ trái nào của M.U sánh được với Patrice Evra về sự ổn định. Từ Phil Neville, Mikael Silvestre, cho đến Gabriel Heinze. Cập bến Old Trafford từ tháng Giêng 2006, Evra đã chuẩn bị kỷ niệm trận thứ 300 cho M.U, tức là trung bình mỗi mùa đá trên 40 trận. Cá biệt như mùa 2009-10, khi anh đá 51 trận cho M.U và 12 trận cho ĐT Pháp, một mật độ kinh khủng. Sự ổn định của Evra khiến Ritchie De Laet phải lưu lạc qua một tá CLB trong vòng ba năm qua, khiến tài năng trẻ Fabio phải tới QPR để "du học", còn O'Shea phải kiếm một bến đỗ mới (Sunderland).
Nhưng điều gì cũng có cái giá của nó. Việc bị vắt kiệt sức lực hết mùa này đến mùa khác đang khiến thể lực của Evra bị bào mòn. Độ tuổi 31 cũng không phù hợp với việc đá ở cánh, vốn phải lên công về thủ liên tục. Maicon, người từng được coi là hậu vệ phải hàng đầu thế giới, nhưng giờ đã rất nặng nề là vì thế. Evra bây giờ cũng vậy: vẫn kinh nghiệm trong mỗi đợt lên bóng, nhưng việc xoay người bất chợt để rướn theo những cú dốc biên của đối phương là cực hình đối với anh. Còn một điểm yếu nữa của Evra: hay sai lầm trước những pha bóng bổng. Vấn đề không nằm ở chiều cao vỏn vẹn 1m74 của anh mà là sự lúng túng thấy rõ về cảm giác bóng.
Màn ra mắt ấn tượng của Alexander Buttner trong trận đấu với Wigan khiến nhiều người tin rằng vị trí chính thức của Patrice Evra đang bị đe dọa. Nhưng Sir Alex không nghĩ vậy, dù rằng từ rất lâu ông đã muốn tìm kiếm một người có thể thay thế Evra trong tương lai lâu dài. Buttner còn trẻ, đầy nhiệt huyết, và có khả năng hỗ trợ tấn công cực tốt, nhưng chưa thể khẳng định gì nhiều chỉ sau một trận đấu xuất thần. Có lẽ chỉ nên tin rằng anh đang đóng vai trò cú hích cho Evra mà thôi.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất